Gói hỗ trợ sưởi ấm lòng người lao động trong mùa dịch

12/07/2021 - 13:04

PNO - Với phương châm không để người nghèo, người khó khăn bị bỏ quên trong dịch bệnh, nhiều địa phương ở TPHCM đã nhanh chóng triển khai việc chi hỗ trợ các đối tượng phải tạm dừng việc mưu sinh hằng ngày từ gói hỗ trợ gần 900 tỷ đồng theo Nghị quyết 09 của HĐND TPHCM.

Được an ủi giữa mùa dịch 

Cũng giống như các nơi khác ở TPHCM, những ngày này, con hẻm 73, khu phố 2, P.17, Q.Phú Nhuận vắng vẻ do thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Cư dân trong hẻm đa phần buôn bán ở khu chợ Phú Nhuận phải tạm dừng buôn bán. 

Bà Bùi Thị Yến - 63 tuổi, có 30 năm bán chè ở đầu hẻm này - cho biết nguồn sống của gia đình bà lâu nay dựa vào quán chè vỉa hè của bà. Từ ngày dịch COVID-19 bùng phát, quán chè ế ẩm. Sức bà yếu, lại bị bệnh tim mạch, ung thư nên bà quyết định tạm ngưng bán, chờ dịch tạm lắng. Nào ngờ dịch lây lan ngày càng mạnh. “Cuộc sống quá khó khăn. Được chính quyền địa phương xét hỗ trợ 1,5 triệu đồng, tôi cảm thấy được an ủi” - bà tâm sự. 

 

Người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19 ở TP.HCM ngoài được hỗ trợ tiền theo gói hỗ trợ của thành phố, còn được nhiều đơn vị cung cấp suất ăn miễn phí. (Trong ảnh: Hộ i Phụ nữ nhiều quận, huyện ở TP.HCM kết hợp với các nhà hảo tâm tổ chức nấu ăn và trao hàng ngàn suất ăn cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trong những ngày đầu giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16) ẢNH: NGHI ANH
Người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19 ở TPHCM ngoài được hỗ trợ tiền theo gói hỗ trợ của thành phố, còn được nhiều đơn vị cung cấp suất ăn miễn phí. (Trong ảnh: Hội Phụ nữ nhiều quận, huyện ở TPHCM kết hợp với các nhà hảo tâm tổ chức nấu ăn và trao hàng ngàn suất ăn cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trong những ngày đầu giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16) - Ảnh: Nghi Anh

Cùng hoàn cảnh, bà Mai Thị Anh Đào - 65 tuổi, ở đường Nguyễn Ảnh Thủ, xã Bà Điểm, H.Hóc Môn - phải ngưng bán bánh mì trước nhà. Bà là lao động chính trong nhà; chồng bà không có việc làm nhiều năm qua, lại hay đau yếu; con trai út của bà là hướng dẫn viên du lịch nhưng phải nghỉ việc không lương tám tháng qua do dịch. Quầy bánh mì trước nhà mang lại thu nhập hơn 3 triệu đồng/tháng là nguồn sống gần như duy nhất của gia đình bà. Bà kể: “Tuần trước, chính quyền yêu cầu ngưng buôn bán và đưa tôi vô danh sách hỗ trợ. Tôi mừng lắm, vì có tiền mua gạo, muối, rau quả cầm cự qua ngày. Mong dịch bệnh qua mau để cuộc sống bớt khó khăn”. 

Gói ghém, cũng sống được một tháng

Chị Nguyễn Thị Ngọc Ngoan - ở P.7, Q.11 - phải tạm nghỉ bán dừa trái từ hơn một tháng nay, nguồn thu nhập dựa hết vào nghề tài xế của chồng. Khi TP.HCM áp dụng biện pháp giãn cách xã hội, chồng chị cũng phải nghỉ việc, cả gia đình gồm vợ chồng chị và hai đứa con không còn khoản thu nhập nào. Chị Ngoan chia sẻ: “Trước đây, tụi tôi cũng làm ngày nào chi tiêu hết ngày đó. Nay vợ chồng đều tạm nghỉ việc nên càng khổ hơn. Đang lo không biết những ngày tới sẽ sống ra sao thì nghe báo tin mình là đối tượng được nhận hỗ trợ, tôi mừng dữ lắm”.

Sáng 11/7, nhận được số tiền trợ cấp 1,5 triệu đồng, chị Ngoan liền lên danh sách những thứ cần mua trong những ngày tới. Ngoài gạo, chị sẽ mua thêm ít rau củ, đồ khô, mắm để ăn dần. Chị nói: “Chỉ cần gói ghém, số tiền trợ cấp này cũng giúp gia đình tôi sống được cả tháng. Tôi chỉ lo dịch bệnh kéo dài, không có việc làm thì cả gia đình không biết xoay xở thế nào. Bây giờ, quan trọng nhất là làm theo hướng dẫn của chính quyền địa phương, hạn chế tiếp xúc, hạn chế đi ra ngoài”. Ngoài tiền hỗ trợ, vài ngày trước, gia đình chị Ngoan còn được UBND phường và các đoàn thể hỗ trợ hai phần quà là các nhu yếu phẩm. 

Ông Bùi Minh Phụng - Chủ tịch UBND xã Trung Lập Thượng, H.Củ Chi - thông tin: “Đến ngày 10/7, chính quyền xã đã hoàn thành việc cấp phát tiền hỗ trợ cho 143 người lao động không có giao kết hợp đồng lao động, bị mất việc do ảnh hưởng dịch COVID-19 với tổng số tiền trên 214 triệu đồng. Chúng tôi chủ động phối hợp cùng các ban nhân dân ấp lập danh sách, cùng các đoàn thể xét duyệt, đảm bảo người trong diện được hỗ trợ đều nhận được tiền, ổn định cuộc sống”. 

Những ngày qua, bà Nguyễn Thị Hạnh - 68 tuổi, bán vé số ở ấp Trung Hưng, xã Trung Lập Thượng - phải tiết kiệm mọi chi tiêu để duy trì hai bữa cơm mỗi ngày. Khi bùng phát dịch, bà phải nghỉ bán vé số vì được vận động ở nhà do tuổi cao. Bà đang sống cùng người con trai nhưng anh cũng tạm nghỉ việc do công ty gặp khó khăn. Những ngày qua, cả hai mẹ con bà không đi làm, không có thu nhập nên hai con gái của bà đang làm công nhân ở tỉnh Bình Dương phải gửi tiền về ứng cứu.

Nhận được tiền hỗ trợ những trường hợp bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, bà Hạnh vội đi mua bao gạo để dành: “Có gạo là chắc bụng. Thức ăn thì có gì ăn nấy. Nhà có hai người nên việc ăn uống cũng không tốn kém”. 

Ưu tiên chi cho lao động tự do

Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm - Chủ tịch UBND P.17, Q.Phú Nhuận - cho biết tính đến nay, UBND phường đã chi hỗ trợ cho 100% đối tượng lao động tự do bị mất việc làm do dịch COVID-19 gồm 237 người làm nghề bán vé số, buôn gánh bán bưng, bốc vác. 

 

Đại diện UBND P.Tân Chánh Hiệp, Q.12 mang tiền hỗ trợ đến tận nhà trao cho người dân  sáng 11/7/2021 - ẢNH: NGHI ANH
Đại diện UBND P.Tân Chánh Hiệp, Q.12 mang tiền hỗ trợ đến tận nhà trao cho người dân sáng 11/7/2021 - Ảnh: Nghi Anh

Theo bà Trần Huỳnh Nga - Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội Q.Phú Nhuận - quận này đã chi hỗ trợ cho hơn 80% trong tổng số gần 3.000 người lao động tự do gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, mỗi người 1,5 triệu đồng. Tính chung các đối tượng, toàn quận có 9.045 người trong diện được hỗ trợ. Tuy nhiên, quận ưu tiên chi hỗ trợ đối tượng lao động tự do trước. Hiện UBND quận đã tạm ứng 14 tỷ đồng để chi hỗ trợ cho các đối tượng.

Tại Q.12, sáng 10/7, UBND P.Đông Hưng Thuận đã tổ chức chi hỗ trợ cho người lao động tự do bị mất việc làm do dịch COVID-19. Trong đợt đầu tiên này, có 153 người được chi trả, mức chi 1,5 triệu đồng/người. UBND phường sẽ tiếp tục trình phê duyệt danh sách chi trả đợt tiếp theo. UBND TP.Thủ Đức, Q.Gò Vấp và nhiều quận, huyện khác cũng đã tạm ứng ngân sách để chi trả cho các đối tượng thuộc diện được hỗ trợ. 

Hoài An - Thiên Ân

Đã chi hỗ trợ cho gần 54.000 lao động tự do

Ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM - cho biết như trên. Cụ thể, tính đến 12 giờ ngày 11/7, đã có 19 địa phương cấp quận (trừ các quận Tân Phú, Gò Vấp, Tân Bình) báo cáo tình hình hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do). Đã có 53.878 người nhận được tiền hỗ trợ trong tổng số 221.709 lao động tự do được xét duyệt danh sách ban đầu với tổng số tiền đã chi trả hơn 80 tỷ đồng. Nhiều quận, huyện đã hoàn thành chi trả cho từ 50% trở lên so với tổng số lao động tự do cần được hỗ trợ. “Các quận, huyện triển khai kế hoạch chi trả từ ngày 6/7, sau sáu ngày mà đã chi cho số người như vậy là một nỗ lực đáng ghi nhận” - ông Lê Minh Tấn nói.

Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM, toàn TPHCM có khoảng 230.000 người làm nghề tự do, cần được hỗ trợ. Sở đã có văn bản đề xuất UBND TPHCM xem xét hỗ trợ 34.000 người làm nghề chạy xe ôm, đạp xích lô bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19 vì đây là đối tượng lao động tự do nhưng chưa được định danh trong nhóm lao động tự do đã được phê duyệt trong Nghị quyết 09 của HĐND TPHCM.

Hoài An 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI