Gói hỗ trợ 1,9 nghìn tỷ USD do ông Joe Biden hứa hẹn sẽ vực dậy nền kinh tế Mỹ

15/01/2021 - 19:01

PNO - Đề xuất của Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden về việc rót 1,9 nghìn tỷ USD vào nền kinh tế có thể tạo ra sự gia tăng việc làm và chi tiêu, tránh thiệt hại lâu dài do đại dịch.

Trong cuộc vận động tranh cử vào năm 2020, ông Biden hứa sẽ chú trọng giải quyết hậu quả đại dịch, và gói hỗ trợ này nhằm mục đích biến cam kết đó thành hành động, với nguồn lực dồi dào cho phản ứng COVID-19 và phục hồi kinh tế.

Gói viện trợ bao gồm 415 tỷ USD để tăng cường ứng phó với virus và triển khai vắc-xin COVID-19, khoảng 1 nghìn tỷ USD cứu trợ trực tiếp cho các hộ gia đình và khoảng 440 tỷ USD cho các doanh nghiệp nhỏ, cộng đồng đặc biệt bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.

Séc thanh toán sẽ được phát hành với giá 1.400 USD - cao hơn mức 600 USD theo gói kích thích gần nhất của quốc hội. Bảo hiểm thất nghiệp bổ sung cũng sẽ tăng lên 400 USD một tuần (mức hiện nay là 300 USD) và sẽ được gia hạn đến tháng 9/2021.

Kế hoạch khởi động thời gian tại vị bằng một dự luật lớn dự kiến nhanh chóng thúc đẩy chương trình nghị sự ngắn hạn của ông Joe Biden: giúp vực dậy nền kinh tế và xử lý căn bệnh đã giết chết hơn 385.000 người ở Mỹ (tính đến ngày 14/1).

Tuy ông Biden vẫn phải đối mặt với những trở ngại tương tự như gói viện trợ 900 tỷ USD mà Quốc hội vừa thông qua vào tháng 12/2020, nhưng lần này ông sẽ có lợi thế khi đảng Dân chủ kiểm soát cả Hạ viện và Thượng viện.

Ông Biden quyết định chi tiêu mạnh vào đầu nhiệm kỳ để tránh một kịch bản suy thoái sâu rộng đối với nền kinh tế Mỹ
Ông Biden quyết định chi tiêu mạnh vào đầu nhiệm kỳ để tránh một kịch bản suy thoái sâu rộng đối với nền kinh tế Mỹ

Khoản chi tiêu mới đến vào thời điểm quan trọng đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới. Số ca nhiễm COVID-19 tăng nhanh giữa mùa đông đã khiến thị trường lao động đảo ngược đà phục hồi vào tháng trước, khi các nhà tuyển dụng cắt giảm 140.000 việc làm, đặc biệt là các vị trí thu nhập thấp trong nhà hàng, quán bar và các ngành dịch vụ khác.

Gói hỗ trợ mới, nếu được Quốc hội bỏ phiếu thông qua, sẽ mang lại tổng số tiền kích thích tài khóa cho nền kinh tế Mỹ là 5,2 nghìn tỷ USD (tương đương với khoảng 1/4 sản lượng kinh tế hàng năm của Mỹ) kể từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu.

Nhà kinh tế học Ryan Sweet của Moody ước tính rằng điều đó là đủ để thúc đẩy nền kinh tế phục hồi toàn bộ sau sự suy giảm do COVID-19 gây ra. Tuy nhiên, ông nói thêm, "sự phục hồi của thị trường lao động sẽ mất nhiều thời gian hơn".

Theo Bộ Lao động, số đơn xin thất nghiệp ban đầu đã tăng lên 965.000 vào tuần trước, tỷ lệ thất nghiệp là 6,7% - gần gấp đôi mức trước đại dịch, cao nhất kể từ tháng 8/2020.

Kế hoạch của ông Biden được hoan nghênh tại Cục Dự trữ Liên bang (Fed), nơi một số quan chức đã lo ngại vào cuối năm ngoái về phản ứng tài khóa giảm dần đối với cuộc khủng hoảng. Hôm 14/1, Chủ tịch Fed - Jerome Powell - lưu ý rằng việc chính phủ mới tăng cường chi tiêu sớm một cách mạnh mẽ có thể cứu nền kinh tế khỏi một số phận thảm khốc.

Fed cam kết giữ lãi suất ở mức gần bằng 0 hiện tại cho đến khi lạm phát chạm mốc 2% và mức thất nghiệp bằng 0. Tuy nhiên, các biện pháp kích thích bổ sung khổng lồ làm dấy lên lo ngại về một cuộc bùng nổ kinh tế vào cuối năm nay, khiến giá cả tăng cao một cách khó chịu, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản.

Trong khi đó, gói kích thích được Phố Wall hưởng ứng rộng rãi và đã giúp nâng chỉ số S&P 500 lên 3% so với tuần trước.

Jeff Buchbinder, chiến lược gia cổ phiếu của LPL Financial cho biết: “Ngay bây giờ, các thị trường đang ăn mừng gói kích thích bổ sung và coi đó là cầu nối mạnh mẽ hơn cho một nền kinh tế mở cửa hoàn toàn trở lại”.

Tấn Vĩ (theo Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI