Gói gói ghém ghém

17/08/2024 - 09:52

PNO - Đàn bà muôn đời phải là người xây tổ ấm, nhất định phải là người xây tổ ấm, được giao quyền để xây tổ ấm.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstok
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstok

6g sáng, điện thoại tôi nhấp nháy, có tin nhắn từ người lạ. Thường nếu không phải là liên lạc có trong danh bạ, ít khi tôi xem liền nhưng không hiểu sao, hôm ấy tôi lại mở ngay khi vừa nhận. “Dì chào con” là nội dung tin nhắn đó.

Tôi bấm vào ảnh đại diện. Không phải các dì của tôi. Một khuôn mặt không hề có trong trí nhớ tôi. Người này là ai mà xưng dì, gọi con như thân tình lắm? Có lẽ bên kia biết tôi đã đọc tin nên những dòng chữ xanh nhún nhảy liên tục báo đang soạn tin.

Những tin nhắn cứ tiếp tục đổ vào máy tôi. Tấm màn hơn 40 năm được vén lên ngỡ ngàng choáng váng. Là người yêu cũ của ba tôi. Họ có thời gian yêu nhau dù cô ấy biết có sự hiện diện của mẹ tôi và những cô con gái nhỏ.

***

Bằng cách nào đó, cô ấy và ba tôi liên lạc với nhau. Không hiểu sao trong nhiều đứa con của ba tôi, cô ấy muốn nói chuyện với tôi. Một bà già ngoài 70 tuổi, hơn 40 năm sống một mình nơi xứ lạ quê người có lẽ thèm được nói chuyện, nhắn tin chia sẻ. Tôi lặng lẽ đọc tin nhắn, nghe những cuộc gọi với thái độ của một kẻ hậu sinh kính lão. Tuyệt nhiên không phán xét.

Trong những ngày đó, tôi tự hỏi có phải do mình là con nên tình yêu thương ba cũng y như tình yêu mẹ mình. Tôi nhận ra nỗi khổ tâm của những đứa con bị vướng ở 2 đầu sợi dây khi ba mẹ vì lý do gì đó mà giận nhau, hết yêu nhau hay bỏ nhau và muốn kéo con về phía mình.

Họ quên một điều, gần như tất cả những đứa con trên đời này không bao giờ có thể đứng về một bên mà quay lưng hẳn với bên kia, dẫu bên kia có lỗi. Nếu ba tôi có lỗi là có lỗi với mẹ tôi! Bằng trái tim của một người cha, ba tôi vẫn dành nguyên vẹn tình yêu thương và trách nhiệm cho chúng tôi. Như vậy, làm sao tôi có thể không thương ông?

***

Trong những ngày đó, tôi từng tự hỏi với tư cách một người đàn bà đã bước qua con dốc bên kia cuộc đời, từng yêu thương, chăm chút, vun vén, dốc hết lòng hết sức cho tình yêu hôn nhân, rằng khi biết trong trái tim người đàn ông mình yêu thương một đời có hình bóng người đàn bà khác - dẫu là quá khứ rất cũ rất xa, mình sẽ phản ứng ra sao.

Tôi đã hỏi đi hỏi lại bản thân nhiều lần và lần nào cũng nghe chua xót, cay đắng đến cạn cùng sức lực. Chỉ có người chưa đi qua một lần bị phản bội mới có thể nói về nó nhẹ như một ly nước, một cái bánh; rằng cầm lên được thì bỏ xuống được.

Không đâu! Cảm giác đau đớn, giày vò, thất vọng, mất niềm tin, mất động lực sống ấy sẽ dìm mọi người đàn bà, trong đó có mẹ tôi, nhanh thì một vài tháng, dài thì có thể tính bằng năm, đôi khi cả một đời. Có người sẽ vật vã cào cấu đay nghiến, có người sẽ chảy nước mắt trong góc phòng góc bếp, có người im lặng đứng lên… Kiểu gì cũng nghe thương cảm không nguôi.

Chị em chúng tôi hồi hộp ngay ngáy canh phản ứng của mẹ từng ngày, cắt đặt nhau về thăm mẹ mỗi tuần; nói chuyện riêng với ba hàng giờ rằng mọi thứ đã qua rất lâu, nên chôn chặt, để yên như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Khơi đống tàn tro trong quá khứ không ích gì, người không chịu nổi sẽ là mẹ. Cả 3 người, đâu có ai còn trẻ trung, khỏe mạnh mà toan tính cho một sự rời đi hay bắt đầu.

Hơn 3 tháng trôi qua, mẹ vẫn bình thản chăm sóc ba, hằng ngày vẫn nói chuyện uống trà, nhắc ba uống thuốc đúng giờ. Không biết chị tôi có nhạy cảm không khi nói mẹ gầy đi, ít ăn, hay ngồi nhìn ra khoảng vườn nhỏ, ánh mắt xa xăm, thi thoảng nói vài câu nặng trĩu. Cho đến khi mẹ đồng ý đi du lịch cùng ba, chị em chúng tôi mới như cất được gánh nặng.

Ngày tiễn ba mẹ đi, mẹ nhìn thẳng vào mấy đứa con gái hớn hở, nói từng tiếng rành rọt: “Ba muốn đi, mẹ chiều ba. Có lẽ không còn nhiều chuyến đi được với nhau nữa. Ba mẹ già rồi! Tụi con cũng thôi đi. Mẹ ở với ba hơn 50 năm, ba chưa nói, mẹ đã biết ổng sắp nói gì. Xưa, ba làm gì mẹ không biết sao? Nay, ổng làm gì qua mặt được mẹ sao? Tụi con không cần quýnh lên như vậy. Lớn hết rồi! Nhớ, đã làm mẹ người ta, nhất định phải biết gói ghém cho gọn”.

“Làm mẹ người ta phải biết gói ghém cho gọn” - mẹ chỉ nói đơn giản vậy thôi mà ai nấy chấn động. Ngày xưa ấy, khi thanh xuân, trong thời ly loạn, kinh tế khó khăn, 1 nách 3 con, mẹ đã gói ghém cho gọn, nghĩa là nín nhịn khi ba quay về.

Ngày nào đó cũng đã lâu mẹ có nói, lấy chồng đâu còn là con gái tự do nữa, nhất là khi đã làm mẹ. Cái gì đến với mình cũng phải cân nhắc thiệt hơn. Đâu phải một thân một mình, thích là gói ghém giữ gìn, không thích là bung bét vứt đi.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

***

Sao những người mẹ xứ mình một đời giản dị, chỉ quanh quẩn chăm chút gia đình lại có thể có những suy nghiệm cao và sâu tựa biển khơi như vậy?

Mấy chị em tôi nín thinh. Nhưng có lẽ, mỗi đứa chúng tôi đang tự nhìn lại quãng đường làm mẹ, xem trong hành trình nuôi lớn đứa trẻ do mình sinh ra, liệu chúng tôi đã biết gói ghém cho gọn ghẽ chưa.

Chúng tôi đã bao lần cảm thấy mình oan ức thiệt thòi, so bì khi chồng đi nhậu, đi cà phê tán gẫu, coi đá banh với bạn… trong khi mình rời công sở là lui cui trong bếp nấu nướng cho con có bữa ăn sạch sẽ, đủ chất.

Chúng tôi đã bao lần ngồi vò đến đỏ cả da tay chiếc áo đồng phục lem nhem mực, phập phồng đến trường gặp cô giáo vì con chưa ngoan, đứng chết trân trước những trả treo ẩm ương tuổi dậy thì, lo lắng mất ngủ khi cả ngày chỉ nghe con nói với mình không quá 10 từ, buồn bã nghĩ cuộc đời mình liệu còn có ngày nào được vui…

Người xưa, trong đó có mẹ tôi, không phải là không có lý khi nói gói cho tròn vẹn một gia đình là nhờ đàn bà, bung bét đổ vỡ một gia đình phần lớn cũng do nơi đàn bà. Suy nghĩ cho thấu đáo, đó không phải trọng nam khinh nữ, mà là khẳng định sự quan trọng của đàn bà.

Họ muôn đời phải là người xây tổ ấm, nhất định phải là người xây tổ ấm, được giao quyền để xây tổ ấm. Bởi lẽ chỉ có đàn bà mới có thể tỉ mỉ, kiên nhẫn, chịu khó, toàn tâm toàn ý chăm lo cho gia đình mình. Chỉ có đàn bà sinh ra với bản năng làm mẹ sẽ bảo bọc, che chở, yêu thương, đồng hành với những đứa trẻ suốt một đời; không ai có thể thay thế, kể cả người cha. Chỉ có đàn bà làm mẹ với lòng vị tha sẽ kết nối một gia đình mãi mãi chứ không phải bất cứ điều gì khác.

Không có đàn bà, nhà cửa có to cao sang trọng cũng chỉ lạnh lẽo, hoang lạnh. Không có đàn bà, đàn ông ắt hẳn sẽ ít nhiều mất phương hướng, động lực trong cuộc sống. Họ sẽ sống và phấn đấu để yêu ai, chứng tỏ với ai, bảo bọc, che chở cho ai?

Ảnh Shutterstock
Ảnh Shutterstock

***

Nhìn bóng lưng không còn thẳng của mẹ lom khom theo ba bước lên xe, chị em tôi nghe mũi cay cay. Cả một đời mẹ có khóc chỉ lặng lẽ khóc một mình, băng bó những vết xước trong lòng, gói ghém mọi thứ tròn trịa hơn 50 năm là vì “làm mẹ người ta”, vì mấy chị em chúng tôi.

Trong quãng đời thật dài đó, hẳn có những lần đôi tay mẹ run rẩy mỏi mệt, hẳn có những lần mẹ chỉ thèm bỏ xuống, rơi vãi tan đàn xẻ nghé nhưng rồi lại vì mấy chữ “làm mẹ người ta” mà gắng gượng đến tận bây giờ.

Tôi chợt nghĩ trên thế gian này có người đàn bà nào không vì làm mẹ mà gắng gượng gói gói ghém ghém gia đình mình, vạn sự đời mình cho đến khi lưng còng tóc bạc…

Triệu Vẽ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI