Hẻm nhà bị giăng dây vì có ca F0 chỉ cách nhà bạn hai căn, nay đã gỡ phong tỏa, bạn viết trên Facebook báo tin. Thêm những dòng nghe thương gì đâu, rằng: “Sáng ra, nghe tiếng “ông ngoại” hàng xóm, người xong cách ly trở về, tưới cây rào rào trên ban công, í ới gọi qua nhà đối diện thông báo mình được về rồi. Dưới sân là tiếng chổi loẹt xoẹt của “bà ngoại”. Vắng bà, tiếng chổi cũng vắng theo hăm mấy ngày. Lao xao tiếng hàng xóm hỏi thăm, truyền tin nhau. Rồi tiếng xe máy của cái anh cuối hẻm, mỗi sáng phóng xe dạo qua hai lần, vừa chạy xe vừa hát boléro mà cả xóm đặt biệt danh “khùng”, nay hẻm gỡ dây, anh lại lấy xe ra dạo, lần này đã biết đeo khẩu trang…”. Bấy nhiêu âm thanh, bấy nhiêu sinh hoạt bình dị đó trở về nơi hẻm nhỏ, vậy mà làm bạn muốn khóc. COVID-19 đã tước đi của người ta cái gì vậy?
Nó đã tước đi một đời sống bình thường. Đến nỗi, sáng dậy thấy mình còn thức được, còn bận rộn với gia đình, con cái, chỗ ở chưa bị giăng dây, vậy là đủ để biết ơn.
Dịch càng kéo dài, sinh hoạt xã hội và gia đình càng xáo trộn, đời sống bấp bênh và cảm giác rỗng là rõ rệt nhất. Tiếp theo là héo mòn, cảm thấy mất đi niềm vui và sự “thăng hoa”. Dường như ai cũng căng mình ra chịu đựng. Cảm giác gồng lên là có, cảm giác mất mát về sức khỏe tinh thần cũng có, thậm chí rất nhiều. Nhưng, quan sát xung quanh cộng đồng nhỏ và bạn bè mình, không có ai kêu mình cần được trị liệu. Mỗi gia đình nhỏ, mỗi người đều phải tự “lên toa” điều trị cho sức khỏe tâm thần của chính mình.
Như vợ chồng chị H. nơi chung cư tôi ở phải nhắn nhủ và “yêu xa” qua điện thoại. Họ đều là nhân viên y tế ở hai bệnh viện khác nhau, liên tục theo những ca trực khắc nghiệt. Con trai ba tuổi của họ cũng phải gửi cho bà nội trông giúp vì sau ca trực, cả hai phải tự cách ly để đảm bảo an toàn. Công việc cường độ cao, nguy cơ lây nhiễm khiến vợ chồng họ căng như dây đàn. Lúc này, chị H. thèm nhất là nghe tiếng cằn nhằn của chồng, thèm được dúi đầu vào cái bụng nhỏ của con. Mơ ước bình thường của chị là cả nhà được đi dạo cùng nhau bên công viên cạnh nhà. Vậy mà giờ đây, họ chỉ còn cách nhắc nhau gắng lên, chờ thôi.
Còn với chị Y., khao khát lớn nhất lúc này là được về ngoại thăm con. Đầu mùa hè, chị đưa con về nhà ngoại chơi rồi gửi lại đó, hẹn tuần sau mẹ đón. Vậy mà dịch bùng lên cùng với lệnh giãn cách, Sài Gòn và Long An cùng là điểm nóng, nên cách nhau không bao nhiêu, mà giờ xa vời vợi. Trên này, ngày chỉ có hai vợ chồng mặt đối mặt, cùng làm việc online tại nhà.
Nếu như trước kia, gửi con về quê chơi hè, vợ chồng chị sẽ giống các cặp “vợ chồng son” chở nhau đi xem phim, nghe nhạc hay cà phê thư giãn thì giờ đây chỉ còn những phút vừa nhớ con vừa lo lắng, không biết “ngày sau sẽ ra sao”. Chị bày ra cách nấu nướng, anh thì rủ vợ tập thể dục tại nhà. Họ kết nối với con qua điện thoại video, hẹn cả nhà sẽ đi chơi khi hết dịch. Chị nói: “Dù sao cũng phải ráng, đừng để mất tinh thần, bởi vì những đứa con lúc này luôn cần sự mạnh mẽ của ba mẹ chúng”.
Gồng gánh nhau qua từng đợt dịch, nhiều cặp vợ chồng lại bớt “tiếng bấc tiếng chì”, bớt so đo. Những gia đình nhỏ biết chậm rãi nhìn lại hạnh phúc mình đang có. Dịch, dù sao cũng khiến người ta rón rén sống, dù không hẳn vui hơn nhưng chắc sẽ biết thương nhau hơn. Như anh bạn tôi chưa bao giờ biết đi chợ, nay “giành quyền” đi mua thực phẩm để vợ con có đề kháng yếu hơn mình đỡ phải ra đường. Như cô bạn tôi lên trang Yêu bếp học cách làm món ăn. Họ gói ghém đời sống cùng nhau vì hiểu rằng cả nhà còn ở bên nhau đủ mặt trong mùa dịch, cùng ăn chung những bữa cơm đã là may mắn.
Không chỉ có vậy, nhiều người không quên chỉ dẫn con cái về những điều đẹp đẽ mọi người hành xử với người trong mùa dịch. Đây cũng là cách tái tạo năng lượng tích cực, bớt đi nhàm chán, lo âu, cho con trẻ có niềm tin vào cuộc sống hơn.
Chẳng hạn, chuyện bà con vùng quê đóng gói từng cái trứng, mớ rau gửi cho người vùng dịch; những siêu thị 0 đồng ở các điểm cách ly hay những chia sẻ thiết thực như chị bạn tôi bữa nọ đã cùng bè bạn thời cấp III góp tiền để có những chiếc phong bì nhỏ trao cho người nghèo quanh thành phố. Hoặc bạn gái kia cùng nhóm thiện nguyện của mình đem những thùng mì, trứng, sữa gửi đến tận tay các công nhân; những cô bác làm nghề ve chai, vé số. Chị và bạn đều là những cô gái mảnh mai và có bệnh nền.
“Hết dịch, tôi sẽ cùng gia đình đi chơi một tuần trên Đà Lạt”, “Hết dịch, tôi sẽ…”. Rất nhiều lời hẹn cho bản thân và gia đình khi hết dịch. Hứa hẹn để tạo niềm tin nhưng cần nhất vẫn là biết cách điều tiết để sống. Nếu cần tiếng cười, đừng quên tạo ra tiếng cười (dù là trên mạng) cốt yếu để nhắc nhớ mọi quan hệ giữa con người, giữa bạn bè, giữa những yêu thương vẫn còn đó.
Và nếu thấy trống rỗng, thấy hết “thăng hoa”, thấy mối quan hệ bỗng trở nên nhợt nhạt và “mắc kẹt”, hãy cùng nghĩ về những khoảnh khắc thật nhỏ, những điều dễ thương giản dị của người nọ, người kia.
Rằng cảm ơn vì đó là những điều bình thường mà ta còn thấy lại.