Góp nhặt thương yêu

Gói ghém đợi ngày mai…

10/10/2021 - 14:46

PNO - Tha hương lên Sài Gòn ngót chục năm có lẻ, anh Trung, anh Tuấn chưa từng nghĩ có ngày ngay tại thành phố hoa lệ này, họ phải ra ruộng để tìm con ốc, con cá về cải thiện bữa cơm. Cái khổ, cái khó xoay vòng, vắt kiệt sức chịu đựng của những người lao động mất việc làm như các anh. Thế nhưng một khi còn thở, sự sống còn hiển hiện thì sớm thôi, ta làm lại cuộc đời…

 

Anh Tuấn (mũ đỏ) sống ngay tại ruộng lúa, mỗi ngày đều bắt cá để lo từng bữa cơm
Anh Tuấn (mũ đỏ) sống ngay tại ruộng lúa, mỗi ngày đều bắt cá để lo từng bữa cơm - Ảnh: Tam Nguyên

Họ là những thợ hồ, những công nhân mất việc làm vì dịch COVID-19. Họ không có thu nhập, cơm ăn bữa no bữa đói. Họ có quê mà không thể trở về… Trong cơn bĩ cực, điều dung dưỡng tâm hồn những mảnh đời khốn khó ấy là tình người và tiếp nữa là niềm tin. Họ có niềm tin bất diệt vào ngày mai, khi đời sống lại nhộn nhịp, rộn ràng.

Ra ruộng mò ốc, nhớ về quê xa

Mờ sáng, khoảng đồng rộng lớn ở phường Thạnh Mỹ Lợi, TP. Thủ Đức (đoạn trên đường Đồng Văn Cống) lố nhố người ra ruộng, mương thả lưới bắt cá. Xa xa là cánh đồng đang vào mùa gặt, lúa ngả màu vàng ươm, thân oằn nặng trĩu.

Ở Sài Gòn, không nhiều người biết đến sự tồn tại của thửa ruộng lớn nằm ngay trong lòng thành phố, bởi cách đó không xa là khu trung tâm với bao công trình cao tầng hiện đại. Thế nhưng, những công nhân thất nghiệp vì COVID-19 lại rành rẽ từng lối nhỏ lỗ chỗ bùn lầy dẫn vào ruộng.

Anh Lê Minh Trung (40 tuổi) ra đồng từ lúc trời còn chưa hửng sáng. Đến 8 giờ, sau vài lần thả lưới, anh “tóm” được hơn chục con cá rô cỡ bằng hai, ba ngón tay. Ngồi co ro bên vệ cỏ, anh Trung bảo ngày còn ở Sóc Trăng, anh chỉ nhìn chứ chưa từng thả lưới nên nay vụng về, mang tiếng dân miền Tây mà không giỏi lội mương bắt cá. Nhưng đâu cần phải thật giỏi giang vì chỉ với mớ cá đó, vợ chồng anh đã có một bữa cơm ngon lành, ấm bụng.

“Suốt ba tháng qua, vợ chồng tôi thất nghiệp. Trong xóm trọ có hơn 30 người làm thợ hồ như chúng tôi cũng không ai có thu nhập, sống nhờ vào sự giúp đỡ bên ngoài. Nay thành phố nới lỏng giãn cách, tôi mới ra đây tìm cái ăn. Giờ có con ốc, con cua là ngon mà ngon nhất là có cá về chiên hay kho ăn với cơm”, anh Trung tâm sự.

Anh Lê Minh Trung đi thả lưới từ khi trời tờ mờ sáng
Anh Lê Minh Trung đi thả lưới từ khi trời tờ mờ sáng - Ảnh: Tam Nguyên

 

Sau gần bốn tiếng, anh Trung bắt được chừng hơn 10 con cá rô đồng
Sau gần bốn tiếng, anh Trung bắt được chừng hơn 10 con cá rô đồng - Ảnh: Tam Nguyên

Đi cùng anh Trung là vài anh em trong khu trọ từng mắc COVID-19, phải cách ly tại bệnh viện 18 ngày nhưng may mắn đều khỏi bệnh trở về. Anh Trung nói cuộc sống của ai cũng khó khăn. Dù bây giờ thành phố nới lỏng giãn cách, đã có thể đi làm trở lại nhưng cũng cần thêm thời gian để mọi người bắt nhịp, thích nghi. “Sài Gòn dễ sống nhưng đâu phải là nơi dễ đổi đời. Mười mấy năm qua, cái nghèo vẫn còn, mình chưa phấn đấu lên khá hay dư được. Giờ sau dịch bệnh, có ăn là may, chưa dám mong trở lại được như trước”, anh Trung nói.

Trên thửa ruộng tít tắp xa là gần chục người đàn ông bắt cá bằng nhiều hình thức. Họ đều đến đây từ mờ sáng và sẽ về để kịp bữa cơm trưa cùng vợ con. Ai nấy chân dính bùn đen, da bợt nhạt, nhăn nheo vì ngâm mình quá lâu trong nước nhưng tiếng cười nói, những màn pha trò vẫn rộn khắp cánh đồng. Họ chất phác, thật thà, nói cười bỗ bã nhưng tấm lòng ấm áp, sống chân tình. Trong số đó, có người kiếm ăn không chỉ cho gia đình mình mà ráng bắt thêm con cá, mò thêm con cua đồng để “lá rách ít đùm lá rách nhiều”, lo cho bữa ăn vài người hàng xóm cận kề trong xóm trọ.

Anh Phan Quốc Thái (44 tuổi) đi bắt cá cùng em trai. Có vẻ anh em họ bắt được nhiều nhất từ sớm đến giờ. Anh Thái bảo mớ cá này sẽ được chia cho hai gia đình ăn vài bữa, còn dư sẽ bán cho người nào cần hoặc chia lại một ít cho những người khổ hơn mình. Nếu ai có tiền mua, anh bán 60.000 đồng/ký, còn nếu khổ quá thì anh cho vài con.

Mai này, những đứa trẻ lớn lên khó thể quên khoảng thời gian nhọc nhằn hiện tại
Mai này, những đứa trẻ lớn lên khó thể quên khoảng thời gian nhọc nhằn hiện tại - Ảnh: Tam Nguyên

“Mấy con cá rô đồng này người thành phố thích lắm mà đâu phải khi nào cũng có. Có ngày hên, anh em tui bán được 200.000 - 300.000 đồng tiền cá nhưng có bữa chỉ đủ chia nhau ăn, vậy mà vui. Dịch này ai cũng khó chứ không phải riêng mình mà tính ra mình còn đi lại được, còn khỏe là mừng rồi, không đòi hỏi thêm chi”, anh Thái nói. 

Những giấc mộng thị thành

Hầu hết các nhân vật chúng tôi có dịp gặp gỡ, trò chuyện đều từ miền Tây lên Sài Gòn mưu sinh. Ai cũng có quê hương nhưng họ không về, mà nói đúng hơn là không thể về. Về rồi biết làm gì mà ăn? Về rồi có nhà đâu mà ở? Về nặng gánh cho “ông bà già” thì thôi ráng trụ lại Sài Gòn, rau rác qua ngày, gói ghém cuộc sống. 

Ngày rời quê lên Sài Gòn, họ mang theo ước mơ có một cuộc sống ổn định, giàu lên được thì may nhưng kể cả chỉ đủ ăn, đủ mặc cũng được rồi. Có ai ngờ dịch bệnh đến, vắt kiệt những đồng tiền dành dụm ít ỏi, thử thách sức chịu đựng của người lao động tha hương. Giấc mơ ngày đó lớn lao, ấm áp biết bao nhiêu thì giờ đây, gói vừa đủ hai chữ bình an. 

“Thời đó, ông bà già nghèo, tôi không được đi học. Đến khi lớn, đâu có nhiều sự lựa chọn cho người không có trình độ như tôi. Nói ra thấy đau lòng nhưng con tôi cũng nghỉ học hai năm nay rồi. Đứa lớn 17 tuổi, đứa nhỏ 12 tuổi. Vợ chồng tôi lên Sài Gòn ráng làm mà không được. Hỏi mơ gì thì tôi chỉ mơ được đi làm, có tiền lo cho con, đưa con đến trường trở lại”, anh Trung tâm sự.

Những công nhân thất nghiệp đang cắt lúa thuê để nuôi thân và gia đình. Dẫu công việc vất vả  họ vẫn cố gắng làm, vì chịu cực đã quen
Những công nhân thất nghiệp đang cắt lúa thuê để nuôi thân và gia đình. Dẫu công việc vất vả họ vẫn cố gắng làm, vì chịu cực đã quen - Ảnh: Tam Nguyên

Lên Sài Gòn, anh Tuấn mang theo giấc mơ mua được miếng đất, xây được căn nhà nhỏ. Người đàn ông lam lũ nói anh biết giấc mơ ấy khó lòng thành sự thật nhưng đã từng và luôn muốn mơ như thế. Anh nói cuộc sống vốn vất vả từ nhỏ, anh rời quê lên Sài Gòn mà không quá nặng lòng vì ở quê anh cũng không tấc đất cắm dùi.

“Vợ chồng tôi đi đến đâu thì coi đó là quê nhà. Hồi mới lên Sài Gòn, đi sao mà tôi lạc đến khu này, rồi xin vài người cho dựng tấm bạt để ở. Vợ chồng, con cái mỗi ngày ra ruộng có rau ăn rau, có cá ăn cá. Ai nhìn cũng nói khổ quá nhưng mình sống cực cả đời, thấy còn khỏe là được rồi, chỉ mong khỏe mạnh thôi”.

Dịch bệnh đưa con người quay về những điều cốt lõi, căn bản nhất như hơi thở, sự sống, cơm ăn và nước uống. Cho nên bây giờ, người ta không mơ nhà cao cửa rộng mà chỉ nguyện sự bình an, cầu mong có sức khỏe vì còn khỏe là còn cơ hội. Nương náu ở Sài Gòn, trước bấy nhiêu cái khổ, cái khó đã đối mặt, có người chọn bám trụ. Giờ đây, cũng tại thành phố này, sau vài tháng ngủ yên, hành trình dựng xây đời sống mới lại bắt đầu. 

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI