Gọi gas qua điện thoại coi chừng đụng 'gas dạo'

24/04/2017 - 08:23

PNO - Không ít gia đình ở TP.HCM có thói quen gọi gas theo số điện thoại trên vỏ bình mà không để ý đến địa chỉ cửa hàng, đại lý nên rất dễ mua nhằm “gas dạo”.

Những đại lý gas chỉ có... số điện thoại

Nhiều đại lý gas quanh tuyến đường Phùng Văn Cung, Q.Phú Nhuận đều biết L., nhân viên giao hàng nhiều năm của một hãng gas lớn, thường giao gas ở khu vực này. Để chuẩn bị kinh doanh riêng, L. in tờ rơi gọi gas có số điện thoại của mình nhưng không có địa chỉ cửa hàng hay đại lý.

Goi gas qua dien thoai coi chung dung 'gas dao'
 

Sau khi “nắm” được một lượng khách hàng, L. nghỉ việc tại hãng gas, ngồi nhà đợi khách gọi. Có khách, L. đến một cửa hàng gas nào đó mua với giá sỉ đem giao lẻ cho khách. 

Anh Tuấn, chủ đại lý gas tại khu vực này cho biết, doanh số bán hàng của L. hơn cả một đại lý gas trung bình vì không phải chịu một loại phí nào (mặt bằng, thuế, nhân viên…). Vì thế, L. thường xuyên giảm giá gas 10.000-20.000đ/bình (12kg) so với các đại lý khác, hoặc tăng lượng quà tặng (dầu rửa chén, đường, tô, ly tách, nồi, chảo, bếp gas…), nên càng thu hút khách hàng hơn các cửa hàng.

Theo anh Hùng, chủ một đại lý gas ở Bình Thạnh, hình thức “bán dạo” này hiện khá phổ biến vì đa phần khách hàng khi hết gas là gọi vào số điện thoại trên vỏ bình để đổi, ít người quan tâm đến địa chỉ cửa hàng. Những người bán gas dạo đang ngày càng “sống khỏe” vì quy định về an toàn khi mở một cửa hàng gas rất nghiêm ngặt, khiến việc xin giấy phép không hề dễ.

Tình trạng buôn bán giấy phép kinh doanh gas đã phát sinh, một giấy phép sang nhượng lại có thể lên đến 100-200 triệu đồng. Nhiều chủ cửa hàng do không chịu nổi chi phí mặt bằng đã sang nhượng lại giấy phép, nhưng vẫn giữ mối khách hàng cũ, giao dịch chủ yếu qua điện thoại, nên không còn cửa hàng cũng mua bán… thoải mái. 

Người tiêu dùng thiệt thòi

Nhiều chủ đại lý gas cho biết, họ không thể cạnh tranh nổi với những người bán gas dạo, vì chi phí duy trì một cửa hàng gas là không nhỏ. Ngoài mặt bằng, nhân viên, thuế, phí… còn phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn về an toàn PCCC, tham gia các khóa tập huấn định kỳ; trong khi những người bán dạo thì “vô tư”.

Goi gas qua dien thoai coi chung dung 'gas dao'
 

“Họ chỉ cần một phòng trọ, một chiếc xe máy và điện thoại là đã có thể làm ăn, nên lợi nhuận hơn hẳn một đại lý đăng ký kinh doanh đàng hoàng…”, chủ một đại lý gas nói. Tuy nhiên, nếu phát sinh rủi ro thì người tiêu dùng mua phải “gas dạo” sẽ 
lãnh đủ.

Bà Kim, ngụ đường Đào Trinh Nhất (Q.Thủ Đức) cho biết, bà từng gọi đổi gas từ một tờ rơi vì in là gas của Công ty CP gas Petrolimex. Sau khi đổi bình gas mới, mùi gas rò rỉ nồng nặc, bà gọi lại số điện thoại trên khiếu nại, thì nhân viên giao gas “phán” van và dây gas hư, gợi ý bà thay mới với giá ưu đãi.

Bà Kim đồng ý thay van gas với giá 450.000đ, dây gas 180.000đ; nhưng vẫn không chấm dứt được tình trạng rò gas. Lại gọi khiếu nại, người đổi gas hứa sẽ thay lại nhưng bà chờ mãi không thấy. Bức xúc, bà định đến cửa hàng phản ánh, nhưng xem lại thông tin thì chỉ thấy số điện thoại chứ không có địa chỉ.

Đến một cửa hàng gas khác mua thiết bị về thay, bà mới biết người bán gas dạo kia đã “đôn” giá lên gấp đôi khi thay cho bà, lại là hàng dỏm. Tương tự, một nữ khách hàng ở đường Nguyễn Văn Đậu (Q.Phú Nhuận) cũng gọi gas từ số điện thoại trên vỏ bình mà không để ý đến địa chỉ cửa hàng.

Bình gas mới sử dụng chưa đầy 10 ngày đã hết, chị gọi khiếu nại, yêu cầu cho người đến kiểm tra thì chỉ nhận được những lời hứa hẹn… Khi gọi nhân viên một hãng gas đến kiểm tra, chị mới biết bình đã hết gas, phần còn lại trong bình là… nước, vì chị mua nhằm gas dỏm.

Một số chủ cửa hàng, đại lý gas thừa nhận, cơ quan chức năng rất khó dẹp bỏ hình thức bán gas dạo vì họ không đăng ký kinh doanh, không có cửa hàng nên việc kiểm tra an toàn cháy nổ định kỳ cũng không thể thực hiện. Tuy nhiên, vì quyền lợi của người tiêu dùng, không thể buông lỏng tình trạng này mãi được.

Thư Hùng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI