Gọi điện dọa bắt cóc chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng

14/11/2013 - 07:28

PNO - Nhằm chiếm đoạt tiền của các nạn nhân, nhóm lừa đảo sử dụng thủ đoạn gọi điện đến nhà đe doạ người thân đã bị bắt cóc, phải chuyển tiền vào tài khoản hoặc yêu cầu thanh toán tiền điện thoại. Nhiều người lo sợ thân...

edf40wrjww2tblPage:Content

Ngày 13/11, Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về công nghệ cao (PC50), Công an Hà Nội, thông báo thủ đoạn tội phạm mới qua mạng viễn thông đang bùng phát trong thời gian gần đây.

Thời gian qua, trên địa bàn Hà Nội xảy ra nhiều vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn các đối tượng gọi điện từ các số điện thoại thông qua mạng Internet đến số máy cố định của nhà riêng, cơ quan bị hại, thông báo việc bắt cóc thân nhân và phải chuyển tiền ngay cho chúng qua tài khoản ngân hàng, nếu không sẽ xâm hại tính mạng, sức khoẻ người thân.

Cụ thể, các đối tượng gọi điện từ các đầu số +313851668, +313850018, +36022… đến cho nạn nhân, cho nghe tiếng “kêu cứu” giả giọng thân nhân gia đình bị hại như vợ, chồng, con cái với nội dung đã bắt cóc thân nhân của các nạn nhân và đòi tiền. Khi các nạn nhân tin là người thân bị bắt cóc thật, gia đình bị hại đã chuyển tiền cho bọn chúng nhưng sau đó mới phát hiện không có chuyện bị bắt cóc như vậy.

Điển hình là vào 8g20p ngày 5/11, một đối tượng sử dụng điện thoại đầu số +313851668 gọi vào số cố định của ông Trần Phi Việt (trú tại đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội), khi ông Việt nghe máy thì đối tượng giả giọng con rể ông Việt vừa nói vừa khóc với nội dung “Bố ơi, con bị đánh đau quá, con chết mất bố ơi”. Sau đó, đối tượng này nói cho ông Việt biết con ông nợ bọn chúng 300 triệu đồng, cho ông Việt thời gian 30 phút để chuyển tiền, nếu không hợp tác sẽ giết con ông Việt. Do tưởng con rể mình là Nguyễn Minh T. bị bắt cóc nên ông Việt rất lo sợ.

Các đối tượng yêu cầu ông Việt phải để thông máy, sau đó sử dụng số điện thoại trên gọi vào, yêu cầu ông Việt chuyển vào một tài khoản của ngân hàng Sacombank 40 triệu đồng. Sau khi chuyển thành công lần thứ nhất, các đối tượng yêu cầu ông Việt chuyển tiếp 60 triệu đồng. Đến lần thứ 3, các đối tượng yêu cầu chuyển thêm 50 triệu đồng. Khi đã nhận 50 triệu đồng, các đối tượng bỏ máy. Lo cho con không biết đã được thả chưa nên ông Việt gọi điện vào số máy của anh T. thì biết anh T không nợ tiền ai và không bị bắt giữ. Vụ việc sau đó được ông Việt đến trình báo với cơ quan công an.

Theo một lãnh đạo PC50 Hà Nội, việc các đối tượng yêu cầu nạn nhân để thông máy nhằm mục đích để nạn nhân không thể liên lạc đến người thân của mình kiểm tra xem sự việc là thật hay giả. Sau khi chiếm đoạt được tiền, các đối tượng sẽ rút tiền ngay để lẩn trốn.

Tương tự, vào khoảng 10g ngày 28/10, một đối tượng gọi từ số +313850018 đến số di động của ông Nguyễn Văn Khang (trú tại Nghĩa Tân, Hà Nội), thông báo đã bắt giữ con ông Khang vì con trai ông nợ đối tượng này 120 triệu đồng. Sau đó có một đối tượng giả giọng con trai ông Khang vừa khóc vừa nói “bố ơn con bị nạn rồi, chúng nó đánh con”.

Do tưởng con mình bị bắt nên ông Khang thoả thuận chỉ có số tiền 50 triệu đồng. Các đối tượng đã yêu cầu ông Khang phải chuyển tiền vào một tài khoản của Sacombank, đồng thời yêu cầu phải giữ liên lạc, không được tắt máy, khi nào nhận được tiền mới cho con ông Khang về. Sau khi chuyển tiền, ông Khang điện thoại cho con trai thì mới biết là con trai mình không nợ nần tiền ai và không bị bắt cóc.

Theo ghi nhận của PC50 Hà Nội thì trong khoảng nửa tháng gần đây đã có ít nhất 5 vụ việc được trình báo đến cơ quan công an với thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản như trên. Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo PC50 nhận định đây chỉ là một thủ đoạn lừa đảo trong số nhiều thủ đoạn của nhóm đối tượng này. Hiện Công an Hà Nội đang xác minh, điều tra những ổ nhóm lừa đảo liên quan đến việc sử dụng mạng viễn thông, internet như trên.

Theo MINH QUANG (Tuổi Trẻ)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI