Giới trẻ ngày nay có xu hướng ngại kết hôn, chắc chắn không phải vì họ ngại yêu. Có nhà văn nổi tiếng nói rằng: “Con người có một tâm hồn là để yêu thương”. Hiển nhiên, con người thời nào thì cũng phải có tâm hồn, không có tâm hồn thì người chả khác gì đồ vật hoặc gia súc, gia cầm.
Bởi vậy, giới trẻ vẫn yêu nhau, thậm chí, mãnh liệt hơn, táo tợn hơn, hết mình hơn rất nhiều so với những thế hệ trước còn nặng những định kiến giáo điều cũ.
Nhưng họ lại ngại hôn nhân, ngại kết hôn. Vì sao?
Nhiều bạn trẻ cho rằng, nếu yêu nhau thì sống với nhau là được, đến một ngày tình yêu cạn thì chia tay khỏi nặng nề. Vài bạn thì cho rằng “hiệu suất chi phí hôn nhân” mang lại rất thấp, đúng là tư duy của thời kinh tế 4.0.
Vài người khác thì: “Tôi yêu tự do của mình nên muốn được tự do về cả kinh tế lẫn tinh thần”, và họ đưa ra những ví dụ rất thuyết phục về việc con người mất tự do thế nào sau khi kết hôn. Những quan điểm còn lại rất triết lý: “Hôn nhân là nấm mồ chôn tình yêu”, và bởi vì chúng tôi muốn yêu nhau mãi nên quyết định “không kết hôn”.
|
Giới trẻ ngày nay ngại kết hôn, chứ không ngại yêu. Ảnh minh họa. |
Đa số bạn trẻ vẫn nhầm lẫn giữa trạng thái “thích ai đó” và trạng thái “yêu ai đó”. Ta có thể thích nhiều thứ, như thích bông hoa, thích chiếc váy, thích một anh chàng/cô nàng xinh đẹp… Nhưng, chỉ khi trong bạn xuất hiện nhu cầu “chăm sóc” đối tượng mà mình thích, lúc đó mới thật sự là tình yêu.
Thích là một trạng thái còn yêu là một hành động.
Tình yêu, nói vắn tắt, là “nhu cầu chăm sóc và mong muốn làm cho ai đó được hạnh phúc”. Xét theo tiêu chí này, đa số chúng ta chỉ mới thích nhau vì lợi ích của bản thân. Tôi thích anh ấy vì anh ấy có tài khoản ngân hàng trăm tỷ, có công ty, siêu xe, ở bên anh ấy tôi rất sướng. Tôi thích cô ấy vì cô ấy xinh đẹp, chân dài, vui tính…
Toàn là những tiêu chuẩn “lợi ích”, đó đâu phải tình yêu! Và như vậy, nếu các bạn kết hôn cũng chỉ vì những tiêu chuẩn này, thì khó tránh được thảm họa, để rồi các bạn sợ kết hôn, là dễ hiểu.
Nhưng, ngay cả khi các bạn đã có một tình yêu đích thực, thì các bạn vẫn ngại kết hôn. Chỉ cần sống với nhau cũng có thể “làm cho nhau được hạnh phúc” kia mà, sao phải kết hôn chứ? Vậy rốt cuộc, hôn nhân thực chất là gì?
Xem phim Mỹ hay châu Âu, ta thường gặp cảnh các cặp đôi làm lễ cưới nhà thờ, và vị cha cố sẽ lần lượt hỏi cô dâu chú rể một câu rất giống nhau:
- Con có thề rằng, dù mạnh khỏe hay ốm đau, lúc vui cũng như lúc buồn, lúc giàu cũng như lúc nghèo khó, con vẫn luôn yêu thương cô ấy/anh ấy, tôn trọng giúp đỡ và an ủi cô ấy/anh ấy, cho tới khi cái chết chia cách hai người hay không?
Với người phương Đông không theo đạo Thiên chúa, thì khi làm đám cưới họ cũng phải lễ gia tiên, trước ban thờ họ cũng hứa tương tự:
- Trước sự chứng kiến của tổ tiên ông bà, chúng con hứa sẽ sống bên nhau, dù giàu sang hay nghèo khó, dù ốm đau hay bệnh tật, cho tới lúc trăm năm đầu bạc…
Rõ ràng, dù phương Đông hay phương Tây, dù nền văn hóa nào thì hôn nhân chính là “lời hứa” bên nhau trọn đời. Nói cách khác, hôn nhân là cuộc cam kết.
Bạn hứa với con trai bạn, rằng khi nó vào đại học bạn sẽ mua cho nó xe máy mới. Để thực hiện lời hứa đó, bạn sẽ phải lao động vất vả hơn, phải để dành tiền một thời gian, và khi bạn hoàn thành lời hứa - tức cam kết - với con trai bạn, nó mừng vui thế nào thì bạn cũng mừng vui như vậy, phần thưởng của con trai bạn là chiếc xe máy, còn phần thưởng của bạn là “người cha biết giữ lời hứa”.
Hoặc, bạn tự hứa với chính mình sẽ từ bỏ thói xấu nào đó, như uống rượu chẳng hạn. Đó là sự tự cam kết, và để đạt được sự cam kết đó, bạn phải thực hiện rất nhiều biện pháp tự đưa mình vào kỷ luật, trở thành người đàn ông có bản lĩnh. Bạn có thể bỏ cam kết, uống rượu lại, thì hậu quả không chỉ là sức khỏe bạn bị ảnh hưởng, mà món quà “người đàn ông bản lĩnh” cũng chẳng còn.
Bạn bỏ dở cam kết với con bạn, bạn sẽ đánh mất niềm vui khi nhìn con mình sung sướng, bạn cũng đánh mất món quà của chính bạn là “ông bố giữ lời hứa”.
Như vậy, bản thân việc thực hiện cam kết là hành trình vất vả nhưng món quà mà ta có được từ nó lại là vô giá. Cam kết hôn nhân cũng vậy.
|
Khi bạn vượt qua và hoàn thành cam kết hôn nhân, thì món quà bạn nhận được là vô giá. Ảnh minh họa |
Để thực hiện cuộc “cam kết” hôn nhân, các bạn sẽ phải trải qua sự nỗ lực rất vất vả, rất nhiều thử thách. Bạn sẽ nhiều lần nhìn và rung động trước những phụ nữ khác vợ mình. Bạn sẽ nhiều lần chán nản đến mức chỉ muốn ly hôn, thậm chí có lúc bạn căm ghét chính người mà bạn từng yêu tha thiết.
Nhưng, tất cả những điều đó, khi bạn vượt qua và hoàn thành cam kết hôn nhân, thì món quà bạn nhận được là vô giá, bạn không chỉ là người “có trách nhiệm, biết giữ lời hứa” mà còn là “người hạnh phúc nhất thế giới”, và bạn cũng sẽ nhận ra ý nghĩa đích thực của đời mình.
Vậy thì, kết hôn không chỉ là cơ hội sống cùng nhau, để làm cho nhau hạnh phúc, mà còn là cơ hội để thực hiện một “cam kết” mà thông qua đó, bạn biết được mình là ai, và khi cam kết hoàn thành, trong bạn sẽ ngập tràn hạnh phúc, một thứ hạnh phúc lớn lao hơn nhiều so với hạnh phúc ban đầu chỉ là thỏa mãn đam mê.
Và đó là điều tuyệt vời của hôn nhân.
Vậy thì, tại sao lại sợ kết hôn chứ?
Biên kịch Đỗ Trí Hùng