Không chỉ là mẹ của ba cô con gái - những người có sự nghiệp vững chắc trong các ngành nghề tưởng như chỉ dành cho nam giới, ở Mỹ (một người là CEO của YouTube, một người là CEO của một công ty công nghệ sinh học và di truyền, một người là giáo sư nhi khoa của Đại học California); trong 36 năm dạy trung học, bà Esther Wojcicki còn là người để phụ huynh học sinh tìm đến, bởi họ thấy con cái mình rất nghe lời bà.
Nhà sư phạm đặc biệt
Bà Esther Wojcicki giảng dạy báo chí trong Trường Trung học Palo Alto. Đọc cuốn “Làm thế nào để nuôi dạy con thành công” của bà, tôi nhớ mãi câu chuyện một cậu bé được bố mẹ đưa đến trường với việc liên tục đặt ra yêu cầu "phải đạt điểm tốt". Họ còn đe: “Nếu không học giỏi, mày sẽ thành kẻ ăn xin”.
|
“Godmother của Thung lũng Silicon” đã viết cuốn sách chia sẻ cách nuôi dạy con thành công |
Áp lực, sợ hãi khiến cậu luôn căng thẳng, mệt mỏi vì không bao giờ dám ngủ đủ giấc. Cá bạn học sinh cùng lớp thì luôn trêu chọc vì cậu rất chậm. Nhưng trong lớp học của cô giáo Esther Wojcicki, trước cả lớp, bà nói: “Bạn ấy cần nhiều thời gian hơn vì bạn thông minh và luôn kiểm tra tất cả những gì bạn ấy viết”.
Cậu học trò năm nào của bà giờ đã thành công trong lĩnh vực nghiên cứu tâm lý, thần kinh. Điều bất ngờ, nhà khoa học ấy nói, cô giáo Esther Wojcicki là người lớn duy nhất đánh giá đúng khả năng của ông. Và câu nói trước lớp của cô là động lực trên suốt chặng đường vươn tới thành công của nhà khoa học này.
Một chi tiết nữa cũng in sâu vào tâm trí tôi, là cách bà Esther Wojcicki xử lý khi phát hiện học sinh của mình uống bia trong phòng làm ảnh. Thay vì “làm ầm lên” như thường thấy, thậm chí có thể đuổi học những học sinh ấy; bà lại gọi chúng đến văn phòng để nói chuyện. Bà không hét vào mặt bọn trẻ, mà nói rằng mình thất vọng vì chúng đã làm mất niềm tin của bà và gây hại cho ban biên tập. Bà mất nhiều thời gian để giải quyết theo cách này, vì đó là một cuộc trò chuyện dài, nhưng bọn trẻ đã hiểu điều bà nói, chúng thực sự ăn năn, và sau đó, cô - trò trở thành những người bạn tốt.
Đó chỉ là vài trong số rất nhiều câu chuyện về sự kết nối đặc biệt giữa bà và học trò. Đó cũng là một trong những lý do vì sao phụ huynh học sinh thường xuyên tìm đến, để hỏi bằng cách nào, bà đã khiến những đứa con tuổi teen của họ nghe lời bà đến vậy.
Hãy luôn nhớ, con bạn là một nhân cách
Sau này, hai cô con gái CEO là Susan và Anne của bà nhận được những câu hỏi từ các CEO của nhiều công ty lớn khác, rằng những nhà lãnh đạo thành công như hai cô đã được đào tạo, rèn luyện như thế nào? Và bất ngờ khi các cô cho biết, tất cả thành công mà ba chị em đạt được hôm nay, đều nhờ sự giáo dục đúng đắn từ bà mẹ Do Thái của mình.
Đọc những dòng bà Esther Wojcicki viết, có lẽ đại đa số phụ huynh phải giật mình nhìn lại cách cư xử với con cái: Đúng là trẻ em thường có những nhu cầu rất “dấm dớ”. Và điều thường xảy ra là người lớn gạt yêu cầu của chúng đi, sau đó mất bình tĩnh và quát vào mặt trẻ, thậm chí đánh chúng. Trong khi chúng ta hoàn toàn có thể nói "mẹ xin lỗi, mẹ không thể làm ngay bây giờ"; "mẹ đang bận, nhưng mẹ có thể làm sau". Chúng ta hãy luôn nhớ, con bạn là một nhân cách.
Bà Esther Wojcicki cũng thẳng thắn, rằng khi còn trẻ, bà đã làm nhiều thứ bằng trực giác. Nhưng sau những năm giảng dạy, bà đã cố gắng sắp xếp lại những điều mình cho là thực sự quan trọng. Với bà, giáo dục con cái là “chiến lược” - một chiến lược tóm gọn trong 5 chữ cái: TRICK. Đó là những chữ cái đầu tiên của sự tin tưởng (trust), sự tôn trọng (respect), tôn trọng (independence), hợp tác (collaboration) và lòng tốt (kindness).
Bà chỉ ra rất rõ ràng: Thế giới đang khủng hoảng niềm tin, chúng ta không dám là chính mình, không dám chấp nhận rủi ro, chống lại sự bất công… Và những nỗi sợ này đã truyền từ người lớn sang trẻ nhỏ. Thế giới cũng đang ngày càng nhiều các ông bố, bà mẹ hoảng sợ vì cuộc sống xung quanh, họ luôn tìm cách để cuộc sống của con cái dễ dàng hơn. Điều đó đã khiến cả một thế hệ lớn lên mà không biết chịu trách nhiệm, không dám chấp nhận rủi ro, luôn nghĩ rằng đã và sẽ có bố mẹ làm mọi thứ.
“Bạn cần biết tin vào bản thân, tin vào trực giác của người làm cha mẹ và cho phép trẻ tự đưa ra quyết định. Một đứa trẻ từ nhỏ đã được dạy chịu trách nhiệm về hành động của mình, sẽ có thể đối phó tốt hơn nhiều với những phức tạp và thử thách của cuộc sống khi trưởng thành” - bà khẳng định.
Tiếng vọng bình quyền
Cách bà dạy con ứng xử với quấy rối cũng rất bất ngờ: Con không chịu đựng được sự quấy rối, nhưng cũng không được để nó kéo con khỏi mục tiêu chính của mình. Các trường hợp quấy rối nên được thảo luận, nhưng phải được dừng lại. Ba đứa con gái của tôi cũng phải đối mặt với sự quấy rối, nhưng chúng biết cách đặt bọn đàn ông về vị trí của họ và tiếp tục công việc.
Bà Esther Wojcicki đã chọn cách mạnh mẽ đó để sống, để trở thành “Godmother của Thung lũng Silicon” cũng như rèn giũa ba cô con gái. Mọi sự khởi nguồn từ tuổi thơ của bà.
Là người Do Thái gốc Nga, bố mẹ bà may mắn thoát khỏi cuộc tàn sát người Do Thái của Phát xít Đức. Bà có người mẹ nghèo đói, ít được học hành, không có tư duy phản biện; và rất giống nhiều thế hệ phụ nữ Việt Nam, mẹ của bà chỉ biết chịu thương chịu khó làm lụng, tuân theo những mệnh lệnh của chồng - dù là những mệnh lệnh không đúng.
Chứng kiến những cảnh đó, cùng những cuộc cãi vã vì đói nghèo; Esther Wojcicki quyết tâm sẽ làm mọi cách để thoát khỏi đói nghèo, thoát khỏi kiếp sống chỉ biết phục tùng, tuân lệnh đến tội nghiệp.
Có lẽ, chính tiếng vọng bình quyền từ ngày thơ bé đã “kiến tạo” nên một Esther Wojcicki - “Godmother của Thung lũng Silicon” ngày hôm nay. Để rồi “Godmother của Thung lũng Silicon” ấy đã “kiến tạo” cho nước Mỹ một giáo sư nhi khoa; hai CEO xếp thứ 12 và 91 trong danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới 2019 do Forbes bình chọn.
“Làm thế nào để nuôi dạy con thành công” do NXB Phụ nữ Việt Nam và Tân Việt liên kết xuất bản.
Minh Tâm