Góc tối nơi những gương mặt cười

11/10/2018 - 15:04

PNO - Bác sĩ Trịnh Tất Thắng cho rằng, tùy sự thích nghi của mỗi người mà hoặc không mắc hoặc có nguy cơ cao mắc các rối loạn tâm thần.

Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia mới đây cho biết, có 30% dân số Việt Nam mắc các rối loạn tâm thần. Đặc biệt, đây vẫn là con số thống kê chưa đầy đủ. Ngoài những lý do như người bệnh ngại, không được người thân đưa đến các bệnh viện chuyên khoa, còn vì trong cuộc sống hiện đại, những dấu hiệu của chứng rối loạn tâm thần đã bị bỏ qua hoặc đánh đồng với những căn bệnh khác.

Goc toi noi nhung guong mat cuoi
Bác sĩ chuyên khoa tâm thần Đinh Hữu Vân đang tư vấn cho người nhà bệnh nhân bị rối loạn tâm thần. 

Khó nhận diện

Cho đến nay, buổi sáng ngày 27/8/2017 vẫn chưa thôi ám ảnh anh Đông Hà (Q.8, TP.HCM). Năm phút réo gọi con trai dậy đi học nhưng không nghe hồi đáp, từ nhà dưới, anh xông lên phòng con. Cánh cửa phòng mở toang, trước mắt anh Hà một cảnh tượng hãi hùng: Đông Thanh trong tình trạng khỏa thân, cầm dao khắc lên tường dòng chữ không rõ nghĩa. Vài giây đứng hình, người cha quát: “Con đang làm cái quái gì vậy?”. Thằng bé quay lại, gương mặt lạnh tanh, vừa lùi vào một góc vừa chĩa mũi dao vào cha mình.

Giành lại được con dao từ tay con sau khi nhờ thêm hai người bạn giúp đỡ, nhìn gương mặt vô hồn của Đông Thanh, rồi được bạn động viên, anh Hà không còn cách nào khác đành đưa con đến Bệnh viện Tâm thần TP.HCM. Thế nhưng, chiếc xe vừa dừng ngay trước cổng bệnh viện, Đông Thanh bất ngờ… tỉnh táo. Cậu bé than đói, liên tục cho biết mình đã muộn giờ đi học. 

Sự tỉnh táo của con kéo anh Hà trở lại với niềm tin diễn ra suốt hai năm qua, rằng con trai anh với những biểu hiện bất thường hoàn toàn do thay đổi tâm lý của lứa tuổi dậy thì: lầm lì, thích một mình, lảng tránh mọi giao tiếp, thích vẽ vời lên sách, thi thoảng lại nhảy nhót vui thích quá mức trước một bức tranh trừu tượng… Anh Hà cho rằng, những “triệu chứng” này sẽ nhanh chóng biến mất khi con bước qua tuổi dậy thì.

Anh có ngờ đâu, buổi sáng ấy là kết quả của chứng tâm thần phân liệt, thể hoang tưởng con mình đang mắc phải. Đó chỉ là khởi đầu cho một thế giới u ám với tần suất nhiều hơn những lần Đông Thanh lên cơn loạn thần kinh: luôn sợ mình bị giết hại. Viên thuốc hay muỗng cơm cha đưa lên tận miệng, cậu bé gạt phăng, hét vào mặt cha: “thuốc độc”.

Hơn một năm điều trị, bệnh Đông Thanh không khỏi. Cậu làm bạn với những toa thuốc phần nhiều là an thần cha lén bỏ vào ly nước; hai nơi duy nhất đi về là nhà và Bệnh viện Tâm thần. 

“Nếu ngay từ đầu khi thấy biểu hiện khác lạ của con, tôi “bắt bệnh”, đưa đi khám sớm thì thằng bé đâu ra nông nỗi này” - anh Đông Hà không ngừng bị giày vò.  

Tuy nguyên nhân dẫn đến bệnh tâm thần vẫn là một ẩn số, nhưng y khoa thế giới đã ghi nhận có trên dưới 300 loại bệnh tâm thần. Mỗi bệnh có các triệu chứng, mức độ và yêu cầu điều trị khác nhau.

Dẫu vậy, bác sĩ Trịnh Tất Thắng - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, cho biết: “Nhiều nghiên cứu đã công nhận tỷ lệ khoảng 1/3 dân số thế giới trong cuộc đời, ở một giai đoạn nào đó có nguy cơ mắc phải các rối loạn tâm thần. Có người chỉ một thời gian sẽ khỏi nhưng có người phải mang theo cả đời”.

Thế nhưng, niềm tin mình hay người thân đang vướng các rối loạn tâm thần dẫn đến việc đi khám, chữa trị với tất cả mọi người dường như luôn ở mức thấp nhất, cho đến khi mọi chuyện trở nên nghiêm trọng.

Chúng ta vẫn tin rằng, các rối loạn tâm thần chỉ dẫn đến sự điên loạn, mất ý thức mà quên rằng, thế giới chứng kiến ngày càng nhiều ca tự vẫn của những người được xem là thành công; hay hàng loạt vụ án mạng đau lòng bắt nguồn từ trầm cảm - cũng một thể rối loạn tâm thần đang quẫy đạp kêu gọi sự quan tâm đúng mực khi nó đã trở thành hiện tượng mang tính cá nhân và tính phổ biến của xã hội. Ấy vậy, tính phổ biến của chứng rối loạn tâm thần này, vốn chủ yếu đến từ áp lực cuộc sống mà bất kỳ ai cũng dễ dàng gặp phải đã dẫn đến sự xem nhẹ điều trị. 

Trị sớm, tỷ lệ phục hồi cao

Khi nhận ra những thay đổi của chị Bích Huyền (nhân viên ngân hàng ở Q.3, TP.HCM): dễ nổi nóng, cáu gắt vô cớ và không muốn trò chuyện với ai, không khó để mọi người “bắt bệnh”: chị đang bị trầm cảm.

Phân tích kỹ các vấn đề chị Huyền gặp phải: công việc quá nhiều, áp lực chăm sóc hai con, cả “thế giới” xung quanh chị chung nhau cái tặc lưỡi: ai mà không vậy, ai không áp lực, stress hay trầm cảm vì những lý do như thế. Cho đến một ngày, người thân đưa chị vào bệnh viện với vết cắt trên cổ tay, ai nấy… há hốc trước sự hoành hành của căn bệnh vừa mới tìm đến chị và hy vọng sẽ qua nhanh.

Sau khi xuất viện, chồng giúp chị chuyển sang công việc sổ sách nhẹ nhàng ở một trường học, thuê người giúp việc. Bản thân anh cũng gần gũi, san sẻ nhiều hơn công việc nhà với vợ… nhưng vẫn không cách nào khiến chị bớt những cơn… chán sống. Cảm giác mình nhỏ bé, thừa thãi ban đầu đã không còn. Thay vào đó, hằng đêm, vừa chợp mắt chị Huyền lại nghe những tiếng gọi kỳ lạ. Chứng ảo thanh này còn lặp lại vào ban ngày khi thi thoảng đi ngoài đường, chị bỗng giật mình lôi điện thoại ra xem. Màn hình không hiển thị bất cứ tin nhắn hay cuộc gọi nào song chị vẫn quả quyết: “Rõ ràng, tôi nghe chuông đổ và cảm giác điện thoại rung lên”. 

Đối mặt với muôn kiểu áp lực trong cuộc sống hiện đại, bác sĩ Trịnh Tất Thắng cho rằng, tùy sự thích nghi của mỗi người mà hoặc không mắc hoặc có nguy cơ cao mắc các rối loạn tâm thần. Sự thích nghi này phụ thuộc vào nhân cách, kỹ năng sống, cách xử lý vấn đề của từng người. Có người sớm vượt qua, có người bắt đầu bằng những tổn thương tâm lý, sự nặng nề của tâm trí mà nếu không chữa trị kịp sẽ dẫn đến những rối loạn tâm thần không ngờ.

Nhưng lại có một thực tế, khi đụng đến các đổi thay hành vi đến từ các tổn thương tâm lý, khó khăn chung của rất nhiều bệnh nhân là không có đủ kỹ năng để hiểu khi nào cần cầu viện sự giúp đỡ của chuyên gia, bác sĩ chuyên khoa tâm thần. Đặc biệt, càng khó khăn trong việc khám chữa bệnh khi họ tồn tại một cái tôi cố chấp, rằng “tôi ổn” ngay từ đầu khởi phát các đổi thay tâm tính.

Theo bác sĩ Thắng, vai trò của người thân trong những tình huống như vậy cực kỳ quan trọng, ở sự tìm hiểu để thấu hiểu được căn bệnh, các triệu chứng, chỉ dấu, từ đó tìm cách khuyến khích, tác động người bệnh mạnh dạn đi khám và chữa bệnh.

“Lâu nay, người ta vẫn mang định kiến sai lầm, tiêu cực về rối loạn tâm thần hay bệnh lý tâm thần là một căn bệnh hết sức khủng khiếp liên quan đến kích động, điên loạn, mất kiểm soát… Nguyên nhân là do người đó hoặc gia đình bị… quả báo, thậm chí do "ma nhập". Định kiến này đã cản trở không ít bệnh nhân ngại thừa nhận bệnh hoặc cố chấp trước việc phải đi khám, chữa trị. Trong khi đó, rối loạn tâm thần thực chất giống như bao bệnh khác, ví dụ huyết áp, tiểu đường… Y học cũng đã phát triển với nhiều loại thuốc đặc trị có thể điều trị dứt điểm các rối loạn tâm thần. Càng được chữa trị sớm, tỷ lệ hồi phục của bệnh nhân càng cao” - bác sĩ Thắng khuyến cáo. 

“Nhiều nghiên cứu đã công nhận tỷ lệ khoảng 1/3 dân số thế giới trong cuộc đời, ở một giai đoạn nào đó có nguy cơ mắc phải các rối loạn tâm thần. Có người chỉ một thời gian sẽ khỏi nhưng có người phải mang theo cả đời”. 

Bác sĩ Trịnh Tất Thắng
Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP.HCM

Tuyết Dân (Ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI