Dọc theo bờ kênh Nhiêu Lộc, hai con đường Hoàng Sa và Trường Sa, nhờ có lưu lượng xe cộ vừa phải và không có xe tải hay xe bus mà bỗng nhiên có lại nhịp sống đô thị của một Sài Gòn xưa yên bình. Việc mời nhau đến bờ kè kênh Nhiêu Lộc uống cà phê, nhậu lai rai trở thành một thói quen mới của không ít thị dân.
|
Cung đường Hoàng Sa - Trường Sa bên bờ kênh Nhiêu Lộc là nơi nhiều người Sài Gòn tìm đến để sống chậm |
Như một góc tỉnh lẻ
Quẹo xe vào đường Hoàng Sa, tôi bắt gặp một dãy quán cà phê nằm kề nhau; quán nào cũng bàn ghế kê sát vách nhà, ngó ra đường. Quán và khách đều cùng một phong cách rảnh rang thư thả. Qua khỏi một nhà nguyện, tôi vào cái quán nép dưới hàng cây điệp vàng, mé hiên lợp tôn màu.
Ngồi tựa lưng vào cái ghế nhựa - ngó lên thấy trời xanh qua kẽ lá, ngó ra thấy dòng kênh đen đang trong con nước lớn. Bên này là quận 3, bên kia là quận Phú Nhuận. Mùi nước kênh thoang thoảng làm nền cho cảnh sống, sinh hoạt của khu phố lao động chiều Sài Gòn.
Trong lúc chờ chủ quán pha cà phê, không hiểu sao tôi lại tụt giày, duỗi chân, ngửa người ra sau và thở một hơi thật dài, tự nhủ mình thật may mắn khi đến đây để bắt gặp lại một góc Sài Gòn ngày nào với nhịp sống thư thái của người bình dân tỉnh lẻ. Bà chủ quán nhìn tôi cười cười, chắc bà hơi lạ khi thấy tôi cởi giày, xăn ống quần lên. Tôi cũng cười, nói: “Giữa lòng Sài Gòn mà chị có cái quán yên ả như trại nghỉ dưỡng”.
Lát sau, bạn tôi đến. Đầu tiên là một nhà báo sắp rời nghề. Anh đề nghị tôi kê bàn qua phía vỉa hè sát bờ kênh để “ngửi mùi lao động Sài Gòn”. Anh bảo bao nhiêu năm gò bó trong cơ chế như thế là quá đủ và anh không muốn hy sinh thêm chút nào nữa cái tính phóng khoáng của dân Sài Gòn.
Anh bạn thứ hai tới là một nhạc sĩ - người vẫn hay xuất hiện trong các chương trình truyền hình. Anh đến quán cà phê xóm bờ kênh bằng taxi khiến ai cũng nhìn. Bà chủ quán ngó anh lom lom, hỏi: “Hình như tui thấy anh trên truyền hình rồi nè”. Anh nhạc sĩ đùa: “Ông đó là anh tôi. Chị không thấy ổng già khằn sao”.
Rồi anh cười toe, quay sang chúng tôi, nói: “Ai cũng tưởng đi taxi là sang, chứ đâu biết đi taxi có cái hay là nghe tài xế nói đủ thứ chuyện về luật pháp và luật rừng, hay hơn phóng sự đăng báo nhiều”.
Chúng tôi ngồi trong ánh chiều hôm, nghe tiếng kinh vọng đến từ nhà nguyện. Dạo trước, nhà nguyện này từng đóng cửa sửa chữa, các con chiên phải bắt ghế ngồi ngay trên lòng đường. Đoạn đường này ít xe nên tiếng kinh chiều nghe rõ mồn một. Chúng tôi không nhắc nhưng ai cũng nhớ về những tiếng kinh chiều từng vang lên ở các xóm nghèo một thuở - tiếng kinh trao gởi bình yên.
Nơi trú ẩn của tâm hồn
Chúng tôi nhìn quanh, trừ một nhóm người trẻ tuổi đang chúi mũi đánh bài tiến lên, những người khách trẻ khác cũng chỉ ngồi im lặng ngó ra bờ kênh, vẻ mặt như những người tù ngó ánh sáng chiều qua ô cửa buồng giam. Có người đã ngồi hàng tiếng đồng hồ như vậy mà chẳng hề nói gì, cũng không có vẻ như đang trông đợi ai.
Có lẽ đời sống đô thị tù túng đã gây cho họ chứng ngơ ngơ bởi thất lạc mẹ thiên nhiên. Một số bạn trẻ khác lại đang bận rộn với cái điện thoại di động - bấm bấm, ngắm nghía, rồi cười một mình. Một cô gái trong bộ đồng phục học sinh trung học ngước nhìn lên, tôi khẽ mỉm cười, gật đầu. Cô lơ đãng cúi mặt vào điện thoại.
Vỉa hè bờ kênh lúc này vắng hơn - một sự vắng vẻ đến tuyệt vời cho những ai thường xuyên sợ hãi các cơn chấn động của nhịp sống xô bồ ở đô thị rối ren này. Nhìn những người già đang đi bộ tập thể dục và hai chàng lang thang đang ngồi bên chai rượu với gói mồi trong ánh sáng chiều yếu ớt rớt qua kẽ lá, anh bạn nhạc sĩ mở túi, lấy máy ảnh ra chụp. Anh nói: “Đường phố Sài Gòn có quá nhiều cái hay, không ghi lại kịp sẽ mất hết”.
Trước đây, người dân đô thị từng mệnh danh là hòn ngọc Viễn Đông này từng hãi hùng với chuyện trồng khoai, nuôi gà để cứu cái bao tử trong thời bao cấp. Nay thì người ta lại sợ hãi trước làn sóng làm giàu hoang dã. Ai đang sống ở Sài Gòn lúc này thì biết, đời sống vật chất tuy có tăng nhưng chất lượng đời sống tinh thần dường như không tăng tương ứng. Và những quán cà phê có không khí Sài Gòn xưa sẽ luôn là một góc bình yên - nơi trú ngụ sau cùng cho những tâm hồn thị dân nhạy cảm.
Những người từ tuổi 50 trở lên - như chúng tôi, mỗi khi vào quán cà phê hay quán nhậu vỉa hè thường kể cho nhau chuyện phố chuyện người của một thời xưa cũ. Dù sao đó cũng là ký ức đẹp để nương tựa. Với họ, ngồi lơ mơ hồi tưởng tiếng chuông chùa, tiếng chuông giáo đường sau một ngày làm việc cực nhọc là hạnh phúc nhất đời. Nhưng còn người trẻ thì sao?
Trần Tiến Dũng