PNO - PN - Vợ chồng chị đều lớn tuổi, khó có con, nên quyết định xin con nuôi sau tám năm chung sống. Mẹ chồng đồng tình, nói nhà neo người, thêm đứa trẻ sẽ vui.
edf40wrjww2tblPage:Content
Thế nhưng, chị để ý, suốt ba tháng nay, từ ngày có mặt con gái, không dưng người lớn trong nhà thường xuyên hục hặc nhau. Như hôm qua, anh đi làm về còn chưa kịp tháo giày, đã chạy vội vào phòng chơi với con. Chị đang pha sữa thì nghe tiếng mẹ chồng: “Áo quần lấy vào không đem cất, chất đống cả đây”. Chị quay sang chồng, nhờ cất giúp, anh ừ hử: “Để đó!”. Chị khó chịu: “Làm thì làm liền, không mẹ la đó”. Anh làu bàu: “Đã nói để đó mà”. Anh chưa dứt câu, giọng mẹ chồng dỗi: “Quý con thì cứ lo cho nó, để bà già này tự xoay xở vậy”. Vợ chồng chị tá hỏa, cùng lúc lao đến giỏ đồ. Chị dùng dằng giật lấy giỏ đồ trên tay anh. “Thôi đi” - anh gằn giọng. Chị nổi xung: “Để tôi. Chuyện nhỏ, đừng có xé ra to”. Mẹ chồng chạy lại: “Tụi bây có coi bà già này ra gì không?”. Chị đùng đùng bỏ vô phòng, đóng sầm cửa. Anh ra sân rít thuốc, sẵn bạn gọi, lấy xe đi luôn.
Nửa đêm anh về gọi cho mẹ nhờ mở cửa rồi ngủ trên sopha. Giận chồng, nhớ lại những lần gây nhau trước, khởi nguồn chỉ từ mấy lý do không đâu, chị bỗng thấy tủi thân. Sáng ra, nhân lúc mẹ còn ngủ, anh đang loay hoay tắm rửa, chị lẳng lặng ôm con gái đón taxi sang phòng trọ em gái chơi cho vơi cơn ngột ngạt. Xóm trọ nơi em gái ở có đôi vợ chồng lớn tuổi, gần như đêm nào cũng gây nhau. Tiếng chồng thì nhỏ, giọng vợ thì to: “Đàn ông gì mà… ngu, vô dụng, không làm cái gì ra hồn”... Chứng kiến cảnh người vợ kia đụng chuyện gì cũng cằn nhằn, lớn tiếng chì chiết, xúc phạm chồng; trong khi người chồng lâu lâu mới buông câu “Thôi đi mà!” khiến chị thấy buồn cười, hỏi em gái: “Sao người vợ quá quắt, hỗn hào quá vậy? Chị mà là ông chồng chắc bỏ quách cho xong”. Cùng sống ở xóm trọ đã lâu, hiểu chuyện, em gái giải thích: “Vợ chồng họ ở quê lên thành phố bán hủ tíu gõ. Nửa năm trước, dành dụm được ít tiền, người chồng nghe bạn bè, tính chuyện làm ăn lớn nên dùng hết vốn liếng mở cửa hàng giặt ủi. Kinh doanh thua lỗ, vợ tiếc của, trở nên cáu bẳn, thường kiếm chuyện gây gổ với chồng. Có lẽ biết lỗi nên người chồng nhịn”.
Chị nghe xong, à một tiếng, nói: “Hóa ra chuyện gì cũng có gốc rễ của nó, không thể nhìn bề ngoài mà phán xét đúng sai. Người vợ ấy… dữ cũng có lý do, đâu phải không dưng”. Chứng minh điều mình nói, chị kể luôn một câu chuyện… nhìn vậy mà không phải vậy. Chuyện cô bạn của chị, lấy chồng rồi vẫn tơ tưởng, nhớ thương người yêu cũ. Chồng biết chuyện, cô vợ giải thích: “Do người ta chủ động liên lạc, nhắn tin chứ em có để ý đến đâu”. Chồng xem điện thoại, thấy trong hộp thư đi không có tin vợ gửi cho người cũ thật, nhưng đọc dòng tin đến: “Anh vừa ăn tối xong, cảm ơn em” thì hiểu ngay vấn đề. “Ai ngốc mấy cũng biết dòng tin kia là để trả lời cho một câu hỏi, một tin nhắn. Gốc rễ ở chỗ đó” - chị quả quyết.
Tận tường gốc rễ chuyện người ta thì dễ, nhưng với vấn đề của mình, chị lại nhìn không ra. Sẵn dịp, em gái hỏi chị về những lần cự cãi giữa hai vợ chồng, về sự khó chịu của mẹ chồng từ khi nhà có thêm đứa trẻ. Chị khẳng định, không hiểu sao mẹ chồng lại như vậy, háo hức có cháu nuôi nhưng có rồi lại không thương. Chồng thì lại nhu nhược, bình thường lăng xăng phụ vợ pha sữa, tắm gội, thay tã lót, chơi với con nhưng hễ thấy mẹ là thể nào cũng thờ ơ; giảm bớt sự quan tâm đến vợ con bằng cách… đọc sách báo, xem ti vi.
Người ngoài thường sáng suốt. Em gái bàn, có thể tuổi già như trẻ thơ, biết đâu nguyên do là từ nỗi chênh chao trong lòng người mẹ già. Lâu nay, mẹ chồng chị đã quen với cuộc sống chỉ có ba người, được vợ chồng chị quan tâm, thường xuyên hỏi han, tâm tình. Sự xuất hiện của đứa trẻ ít nhiều đã lấy mất của bà sự quan tâm, gắn bó, thân thiết ấy. Không còn nữa những buổi chiều bà loay hoay nấu cơm, đợi các con trở về cùng ngồi ăn; thay vào đó, giờ bà cũng loay hoay nấu cơm, nhưng mỗi người một phần, ai rảnh giờ nào ăn giờ nấy. Con trai về đến nhà là chạy ào đến đứa trẻ, như không nhìn thấy mẹ. Bản thân chị cũng dành tình thương, sự chăm lo cho đứa trẻ, không còn quan tâm, chuyện trò, chia sẻ với mẹ như trước… Em gái nhắc lại một buổi chiều ghé thăm, thấy vợ chồng chị vừa đi mua sắm về, bày biện khắp nhà toàn quần áo, đồ chơi trẻ, bàn tán xôn xao, bỏ mặc mẹ ngồi lặng nơi góc sân, đôi mắt đẫm buồn.
Nghe đến đó, chị bất ngờ bật dậy, chảy nước mắt, điện thoại gọi chồng đến đưa hai mẹ con về nhà. Trên đường, chị chợt nhớ, đã mấy tháng nay quên không mua cho mẹ chồng một hộp sữa, chai dầu gió nào. Kéo áo anh, chị bảo dừng xe trước một cửa hàng tạp hóa…
“Trên thương trường có mệt mỏi gì thì tìm về thiên nhiên, gia đình sẽ được chữa lành hết”, anh Nguyễn Văn Mết, Tổng giám đốc Công ty Met Foods nói.