Góc nhìn trong cuộc: Vì sao châu Âu “vỡ trận”?

11/03/2020 - 08:17

PNO - Khi lớp màng mỏng manh tại Ý bị vỡ, cả châu Âu vỡ trận theo.Tính tới trưa 10/3, tất cả 27 nước trong khối Liên minh châu Âu (EU) đều có ca nhiễm vi - rút COVID-19; đặc biệt các nước Ý, Pháp, Anh, Tây Ban Nha, các thống kê dịch bệnh "nhảy múa" không ngừng, trong đó Ý vượt qua Hàn Quốc thành "ổ dịch" mới của thế giới.

hững chiếc bàn vắng người bên ngoài một nhà hàng tại quảng trường St Mark ở Venice, Ý ngày 9/3 - Ảnh: REUTERS
Những chiếc bàn vắng người bên ngoài một nhà hàng tại quảng trường St Mark ở Venice, Ý ngày 9/3 - Ảnh: REUTERS

Chị Nguyễn Quỳnh Trang, nhân viên marketing, Luân Đôn (Anh):
“Hiện, châu Âu là ổ dịch nguy hiểm!”

Tới ngày 10/3, khi COVID-19 đang trở thành câu chuyện của cả châu Âu, ở Anh (đã có 321 ca nhiễm, 5 ca tử vong); mọi người vẫn đi lại, tụ tập, ăn uống bình thường. Họ quan niệm đó là bệnh lây nhiễm như cúm mùa hằng năm vẫn diễn ra ở châu Âu; mà không biết, tỷ lệ tử vong do COVID-19 gây ra cao nhiều lần.

Một bác sĩ ở Trung Quốc nói với bạn tôi rằng, cả khi bạn có khỏi bệnh, hậu quả mà nó để lại vẫn còn đó. Phổi của chúng ta trở nên yếu hơn, mẫn cảm hơn và chắc chắn bạn sẽ không còn được khỏe như trước đó nữa.

Ở Anh, người dân nói không với khẩu trang. Ai đeo khẩu trang có nghĩa là người đó bị bệnh, lên tàu điện sẽ bị nhìn kiểu khó chịu. Bác sĩ còn khuyên không nên đeo khẩu trang, không ngăn được vi-rút, dễ bị nhiễm hơn.

So với Pháp, Đức, Ý, tình hình dịch bệnh ở Anh đỡ hơn, nhưng với kiểu đi lại tự do, thông thương thoải mái, chẳng ai đeo khẩu trang, tàu điện thì bí, việc lây nhiễm là không tránh khỏi nếu không có biện pháp. Tôi đồ rằng, số người nhiễm COVID-19 được công bố ở Anh không phải là con số chính xác, chắc sắp lên tới ngàn người nhanh thôi, cũng sắp “vỡ” như Ý rồi.

Trong khi đó, chính phủ Anh dù đã cố gắng trấn an tinh thần người dân, nhưng không thực hiện cách ly, cũng không có những biện pháp mạnh như ở Việt Nam hoặc Trung Quốc. Người dân vẫn tụ tập, hẹn hò, giờ cao điểm vẫn chen nhau. Các trường học vẫn mở như chưa hề có chuyện gì xảy ra.

Nếu người dân nhận thấy mình có triệu chứng của bệnh, gọi điện đến số 111, sẽ được hỏi hàng loạt câu hỏi; nếu chưa đủ biểu hiện, bác sĩ sẽ không đến xét nghiệm. Từng tiếp xúc với Nguyễn Hồng Nhung ở Luân Đôn - bệnh nhân COVID-19 thứ 17 của Việt Nam gây xôn xao cộng đồng mấy ngày qua - một người Việt gọi điện xin xét nghiệm thì bị bác sĩ từ chối. Rất may, đã qua 14 ngày kể từ ngày tiếp xúc, người này vẫn chưa có biểu hiện của vi-rút chủng mới.

Hóa ra, nếu muốn xét nghiệm, người dân phải diễn tả rất căng kiểu sắp chết, ho lụ khụ trong điện thoại, bác sĩ mới đến xét nghiệm, 3 ngày mới có kết quả. Trong trường hợp dương tính, họ sẽ bảo ở nhà cách ly, là bệnh tự khỏi, mỗi ngày gọi điện hỏi thăm một lần, không khám xét thêm. Không có phong tỏa, xịt khử trùng gì. Bệnh viện không tiếp nhận, trừ khi rất nặng vì sợ lây nhiễm bác sĩ và mọi người, phải ưu tiên cho các bệnh nhân khác.

Nếu ai không sống ở Anh hoặc không thật sự cần thiết, nên cân nhắc việc sang Anh lúc này, lỡ đặt vé thì cũng nên hủy. Cũng đừng đi châu Âu (đặc biệt Ý, Pháp, Đức). Hiện tại, châu Âu mới là ổ dịch nguy hiểm!

Tôi biết, mỗi nước có một nền văn hóa, một cách sống, một quan điểm khác nhau, sẽ có cách đối phó với dịch bệnh khác nhau. Nhưng với người Việt mình, theo những điều mà tôi tìm hiểu lẫn trải nghiệm, cẩn thận vẫn không thừa. Nhất là, cho tới thời điểm hiện tại, thế giới chưa có thuốc chữa COVID-19.

Hãy nhìn sang Trung Quốc, họ bị dịch càn quét đầu tiên và đang phải gánh chịu hậu quả nặng nhất. Không chỉ là tỷ lệ người chết; mà còn những hệ lụy xã hội khác nữa. Hoặc nhìn sang Ý hiện tại, mọi người rất hoảng loạn, để thấy, việc kiểm soát dịch rất quan trọng. Chẳng có lý do gì để chúng ta chủ quan trong việc này cả. 

Ở Việt Nam là hạnh phúc nhất so với các nước có dịch vì Chính phủ nước ta đang làm thực sự rất tốt. Tôi rất mong, với sự quyết liệt đó, dịch sẽ được dập sớm thôi. Con số 30 hay 50 ca nhiễm ở Việt Nam không là gì so với con số tăng từng ngày ở Anh - trong khi chính phủ họ không làm gì cả.

Đừng hoang mang, sợ hãi, ở đâu cứ ở đó, đi lại ít thôi, làm theo hướng dẫn là sẽ ổn. Bác sĩ Việt Nam giỏi, có phác đồ điều trị, thuốc men tử tế; vì thế, cứ bình tĩnh tập trung phòng chống dịch!

Nếu trong trường hợp, dịch bệnh ở Anh bùng phát lên như Ý, có lẽ, tôi sẽ cân nhắc vì an toàn của mình và gia đình là trên hết. Hiện tại, tôi cũng muốn về Việt Nam, nhưng sợ lên máy bay, nhỡ lây ai, nhỡ có sao, ảnh hưởng cả nước, chẳng dám về nữa. Con cái thì vẫn phải đi học, cả hai đứa đều sắp thi hết cấp. Chưa bao giờ đeo khẩu trang mà tôi thấy mong manh như ở đây.

Q.C., sinh viên, TP.Modena (Ý):
“Đáng sợ nhất là ý thức người dân”

Ở Ý, chính phủ khá minh bạch trong việc công bố số ca nhiễm bệnh, tử vong. Có điều, đáng sợ nhất là ý thức người dân. Vì cho rằng COVID-19 cũng như cúm mùa hằng năm, ai cũng nghĩ, nó chỉ nhắm vào người già mà trừ mình ra nếu mình còn trẻ, không có sẵn bệnh nền.

Mặc dù đã có sắc lệnh phong tỏa báo động ở mức quốc gia; nhưng trên thực tế, ở trong vùng dịch hoặc gần vùng dịch, dân Ý vẫn đi trượt tuyết, đi quẩy ở vũ trường… Cách đây vài ngày, dù số ca nhiễm bệnh, tử vong tại Ý lớn như vậy, trước khi sắc lệnh phong tỏa 16 triệu dân, người ta vẫn ra đường… ăn chơi nốt. Quảng trường đông nghịt, các hàng kem rất đông và dĩ nhiên không ai đeo khẩu trang cả.

Biển cấm trên đường dẫn vào vùng đỏ ở San Fiorano, miền Bắc nước Ý - Ảnh: REUTERS
Biển cấm trên đường dẫn vào vùng đỏ ở San Fiorano, miền Bắc nước Ý - Ảnh: REUTERS

Có những câu chuyện “giật gân” không kém gì phim hành động. Chẳng hạn như có một trường hợp 75 tuổi ở Codogno đã được báo chí đưa tin. Ông bị nhiễm COVID-19, được đưa vào Bệnh viện Maggiore, trong khi chờ đợi vẫn trốn ra ngoài, ra ga bắt một chuyến tàu về Cremona, khiến quân đội phải “hộ tống” quay lại.

Lại có những ca nhiễm, đang trong vùng đỏ, có cả hàng rào quân đội, bảo vệ, bằng cách nào đó vẫn trốn đi trượt tuyết; lúc không thấy khỏe mới vào lại viện. Một câu chuyện khác, người con trai làm ở vùng dịch vào thăm người thân ở bệnh viện, họ giấu điều đó khiến những y bác sĩ tại bệnh viện đó bị lây nhiễm.

Những trường hợp này mà ở Việt Nam, có khi đã bị cộng đồng mạng “ném đá” như cô “Nhung thứ 17”; nhưng ở đây, không hề có chuyện đó, vì người ta thấy bình thường. 

Sở dĩ, người dân Ý vẫn ung dung còn vì “lý lẽ” này nữa. Họ cho rằng, các nước khác không minh bạch. Ý chịu sào đầu tiên vì đã cho triển khai trên 50.000 mẫu thử. Họ cho rằng, nếu các nước khác ở châu Âu mà thực hiện, cũng “lòi” ra những số liệu dịch bệnh lớn hơn mà thôi.

Cá nhân tôi thấy, khi truyền thông nói về mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh, thì họ không chấp nhận vì gây hoang mang xã hội. Khi Ý bị quy là ổ dịch mới của châu Âu, họ không đồng ý. Họ nói tại sao nước Ý an toàn mà khách du lịch không đến. 

Ở các nước châu Âu, hạ tầng giao thông rất phát triển. Ngoài các phương tiện công cộng, người dân Ý cũng đi xe ầm ầm nữa. Tôi không rõ đến hôm nay thì đã chặn nhiều chưa nhưng ngày hôm qua, người dân từ vùng đỏ sang vùng khác, người ta cũng chưa có kiểm tra kỹ càng, dù đã có sắc lệnh bắt giữ 3 tháng nếu không chịu cách ly và phạt 206 euro.

Vì hoảng sợ, rất nhiều thanh niên miền Bắc tràn xuống miền Nam. Tôi nghĩ, với kiểu làm việc, kiểm tra và kiểm soát như vậy, có khi rất nhanh thôi, miền Nam cũng “toang” nốt. 

Đậu Dung (ghi))

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
  • Mạnh 13-03-2020 18:46:42

    Hãy chờ đấy châu âu là lục địa già và sẽ chịu ảnh hưởng nặng lề vì covid, chủ quan khinh bệnh là trả giá đắt

  • Tô Hòa 11-03-2020 20:39:43

    Vn có cả trăm triệu dân chỉ có vài chục ca nhiễm chưa có tử vong mà các trận bóng đá không có khán giả
    nước Anh dân số chưa bằng một nửa của Vn đã có mấy trăm ca nhiễm vài chục tử vong mà các trận bóng đá vẫn kín sân khán giả. Sự vô tư của dân Anh quốc khiến ta lạnh gáy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI