Góc nhìn mới về văn học miền Nam

30/10/2016 - 10:15

PNO - Suốt thời gian dài, từ khi có văn học chữ quốc ngữ, mảng văn chương, báo chí, ngôn ngữ miền Nam ít được đề cập. Thậm chí, còn có quan niệm lệch lạc rằng Nam bộ không có văn học...

Từ trước đến nay, chưa có nhiều nghiên cứu về văn học miền Nam. Chỉ mới thấy trong Phủ biên tạp lục, nhà bác học Lê Quý Đôn có đề cập, nhưng cũng chỉ vài nét sơ lược. Về sau, các nhà nghiên cứu ở miền Nam như Phạm Văn Diêu, Nghiêm Toản, Phạm Thế Ngũ, Phạm Việt Tuyền, Đông Hồ, Ca Văn Thỉnh, Phan Văn Hùm… có quan tâm, lưu ý nhiều hơn nhằm bổ sung cho sự khiếm khuyết này.

Phải nhấn mạnh điều này vì suốt thời gian dài, từ khi có văn học chữ quốc ngữ, mảng văn chương, báo chí, ngôn ngữ miền Nam ít được đề cập. Thậm chí, còn có quan niệm lệch lạc rằng Nam bộ không có văn học và tiếng nói của người miền Nam chỉ là thổ ngữ v.v…

Khoa Văn học và ngôn ngữ (Trường ĐH KHXH&NV-ĐHQG TP.HCM), Trường Đại học Thủ Dầu Một, Viện Văn học vừa tổ chức cuộc hội thảo Văn học và ngôn ngữ Nam bộ ngày 28/10 tại trường Đại học Thủ Dầu Một. Có thể xem đây là hội thảo lớn nhất từ trước tới nay bàn về văn học và ngôn ngữ Nam bộ với 123 tham luận, diễn giả đến từ nhiều tỉnh thành.

Goc nhin moi ve van hoc mien Nam

Hội thảo bàn nhiều vấn đề như lý luận văn học, văn chương quốc ngữ, Hán-Nôm, văn học dân gian, vấn đề ngôn ngữ… từ đầu thế kỷ XIX đến năm 1975. Kỷ yếu về ngữ văn Nam bộ gồm hai tập với hơn 1.300 trang khổ lớn cũng được ấn hành.

Từ sau đổi mới đến nay, nhiều nhà nghiên cứu như Nguyễn Đình Đầu, Nguyễn Huệ Chi, Lê Giang, Đoàn Lê Giang, Huỳnh Ngọc Trảng, Nguyễn Quảng Tuân… đã chú tâm hơn về văn hóa Nam bộ qua các công trình nghiên cứu có giá trị. Tuy nhiên, vẫn chưa đủ vì vẫn còn nhiều vấn đề bỏ ngỏ… Chẳng hạn, trong tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, ngày nay giới nghiên cứu ghi nhận nhà văn Song

An Hoàng Ngọc Phách (1896 - 1973) là đại biểu khởi đầu đích thực, là người cắm cột mốc quan trọng cho sự hình thành của thể loại này với tác phẩm Tố Tâm in năm 1925. Nhưng trước đó tại Sài Gòn, năm 1887, P.J.B Nguyễn Trọng Quản (1865 - 1911) cũng đã cho xuất bản truyện Thầy Lazaro Phiền.

Tuy nhiên, trong tham luận Nghĩ về sự “mất tích” của văn chương quốc ngữ lục tỉnh cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX trong văn học sử Việt Nam, nhà báo Trần Nhật Vy lại chứng minh, trước đó rất nhiều năm, từ năm 1881, chính nhà văn Trương Minh Ký với truyện Truyện Lang Sa, in từng kỳ trên Gia Định báo mới là người viết truyện đầu tiên.

Tuy nhiên, ông Ký chỉ mới dịch lại thơ La Fontaine sang văn xuôi. Trước kia, khi ghi nhận các nhóm văn chương trong vùng tạm chiếm 1954-1975, các nhà nghiên cứu chỉ dừng lại với nhóm Sáng Tạo của Mai Thảo, hoặc nhóm Quan Điểm của Nghiêm Xuân Hồng, nay với tham luận Phác thảo về tuần báo Nhân Loại, nhà văn Lê Văn Nghĩa bổ sung thêm nhóm Nhân Loại với các cây bút yêu nước như Trang Thế Hy, Ngọc Linh, Sơn Nam, Lê Vĩnh Hòa…

Những gợi mở trên, tạo nên sự tranh luận. Nhưng có như thế, từng vấn đề đặt ra mới có thể dẫn đến kết luận cuối cùng, hoặc là hướng đi để người sau tiếp tục hoàn thiện. Còn nhiều tham luận đáng chú ý tại hội thảo, có cách đặt vấn đề mới mẻ như Những đổi mới về văn học trên báo Nông cổ mín đàm đầu thế kỷ XX (Tạ Anh Thư), Các cuộc thi sáng tác văn xuôi tiêu biểu trên báo chí quốc ngữ Nam bộ - giai đoạn từ 1900 đến 1932 (Nguyễn Thị Trúc Bạch), Đọc Phan Yên ngoại sử tiết phụ gian truân của Trương Duy Toản - suy nghĩ về tiểu thuyết lịch sử (Đào Ngọc Chương), Tiếp nhận phân tâm học ở Nam bộ giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX qua học thuyết Freud của Kiều Thanh Quế (Trần Thị Mỹ Hiền) v.v… Đây là những vấn đề lâu nay ít ai đề cập.

Hội thảo còn có phần bàn về tiếng Việt qua lời ăn tiếng nói của người miền Nam. Có thể kể đến tham luận Văn học và ngôn ngữ Nam bộ tích tụ và làm phong phú các đặc điểm quan yếu trong quá trình phát triển của tiếng Việt (Bùi Khánh Thế), Đường ranh mờ giữa từ đị a phương Nam bộ và từ toà n dân (Hồ Văn Tuyên), Từ địa phương Nam bộ, so sánh với từ địa phương Nghệ Tĩnh (Hoàng Trọng Canh), Một vài tiếng lóng Nam bộ (Lê Minh Quốc)…

PGS-TS Đoàn Lê Giang (ĐH KHXH&NV TP.HCM) nói về mục đích của cuộc hội thảo: “Nam bộ có lịch sử oai hùng và là một phần của lịch sử Việt Nam; Nam bộ có truyền thống văn học dân gian, văn học Hán Nôm, văn học quốc ngữ và văn học hiện đại rất rực rỡ. Và tiếng Việt, kể cả tiếng Việt ở Nam bộ không phải là thổ ngữ/ patrois mà là ngôn ngữ văn hóa, văn học, có thể viết báo, viết văn, làm thơ, giảng dạy ở đại học, nghiên cứu...”. Từ cuộc hội thảo lần này, hy vọng sẽ mở ra nhiều công trình tiếp tục nghiên cứu về văn hóa Nam bộ nói chung, mà lâu nay sự ghi nhận vẫn còn phiến diện và thiếu sót.

Lê Văn Nghệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI