Góc nhìn dí dỏm, hài hước ở phim truyền hình gia đình

10/11/2023 - 11:19

PNO - Cũng xoay quanh chủ đề tình cảm - gia đình nhưng nhiều phim truyền hình gần đây mạnh dạn đưa ra góc nhìn mới, đề cập trực diện đến những vấn đề nhạy cảm hơn trong tình yêu, hôn nhân một cách dí dỏm, hài hước.

Hài hước hóa chuyện ế, ly hôn…

Không còn tập trung khai thác những câu chuyện muôn thuở như mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu, khoảng cách thế hệ, tình phụ tử, mẫu tử, tình yêu…, nhiều phim truyền hình chủ đề gia đình gần đây đang hướng đến những khía cạnh khác trong đời sống gia đình, hôn nhân. Đó là những vấn đề mang tính thời đại hơn như chuyện ế, tình một đêm của giới trẻ, xu hướng yêu thoáng sống thử, ly hôn.

Cảnh trong phim Không ngại cưới, chỉ cần một lý do
Cảnh trong phim Không ngại cưới, chỉ cần một lý do

phim Không ngại cưới, chỉ cần một lý do khai thác quan điểm mới mẻ về hôn nhân của những người trẻ hiện nay. Trong phim, chuyện ế được nhắc đến một cách hài hước thông qua nhân vật Đông. Đây là một “thiếu gia làng”, ham chơi, chỉ thích yêu đương chứ không muốn kết hôn. Ngay tập đầu, khái niệm “yêu đương thiếu chuyên nghiệp” của nhân vật này đã gây sốt trên các diễn đàn mạng vì sự mới mẻ, hài hước. Nếu như Đông thích ế vì không muốn ràng buộc thì em gái Đông là Yến lại ế vì ham công tiếc việc và đặt tiêu chuẩn người yêu quá cao. Lối sống độc thân của những người như Đông, Yến khá phổ biến trong đời sống hiện nay nên khi được khắc họa, bộ phim đã nhận được sự quan tâm của người xem. Theo đạo diễn Bùi Quốc Việt: “Sự khác biệt của phim nằm ở sự dí dỏm, từ cách hành xử của mỗi nhân vật. Mỗi người có một màu sắc khác nhau, sự tương tác, hài hước của họ sẽ mang lại tiếng cười”.

Cũng chọn hướng khai thác nhẹ nhàng, hài hước hóa một vấn đề của giới trẻ là phim Tình trạng: đã ly hôn. Bộ phim gây bất ngờ khi đề cập vấn đề hệ trọng này một cách đầy cởi mở. Chuyện phim kể về một gia đình có 4 người con đều rơi vào hoàn cảnh cưới rồi chia tay. Người con cả bị vợ ly hôn do bản tính bao đồng. Cô con gái thứ và út chia tay vì chồng ngoại tình. Cô con gái còn lại ly hôn vì vợ chồng không thể đối thoại với nhau được nữa. Chuyện ly hôn trong phim được thể hiện bằng nhiều tình huống hài hước, nhân văn chứ không đem lại cảm giác bi lụy, buồn khổ như nhiều phim khác. 

Đạo diễn Nhật Thanh cho biết: “Tình trạng ly hôn trong xã hội hiện đại ngày càng nhiều, với đủ lý do. Trong phim, tôi chọn góc nhìn trực diện vào câu chuyện, không qua bất kỳ một lăng kính nào, không phán xét hay đưa ra thiên kiến chủ quan nào. Phim không có kiểu nhân vật chính diện toàn đức tính tốt, khiến khán giả yêu hay là nhân vật phản diện toàn tính xấu, khiến khán giả ghét. Các nhân vật trong phim có đầy đủ các điểm mạnh, yếu, tốt, xấu đan xen”.

Trong phim sắp lên sóng - Yêu trước ngày cưới, người xem còn choáng hơn khi bộ phim lột tả một cách chân thật quan điểm tình yêu và lối sống tình dục của giới trẻ ngày nay. Những nhân vật nữ trong phim có người không muốn bị ràng buộc vào hôn nhân và đàn ông nhưng luôn sẵn sàng qua đêm với họ, có người chủ trương trong tình yêu cả hai phải có không gian riêng…

Lối sống thoáng của những người trẻ trong phim được đề cập trực diện cùng với những vấn đề nhức nhối mà họ phải đối diện, góc khuất của những câu chuyện tình cảm trước hôn nhân. Tất cả tạo nên cái nhìn táo bạo, mới mẻ, thẳng thắn cho một bộ phim lấy chủ đề tình cảm - gia đình. 

Trailer phim Không ngại cưới, chỉ cần một lý do: 

 

Đích đến là thương yêu, thấu hiểu

Trước đó, màn ảnh nhỏ cũng có những phim khai thác những vấn đề thời thượng hoặc những chuyện tế nhị trong hôn nhân như chuyện làm mẹ đơn thân (phim Đừng làm mẹ cáu), thế giới những người đàn ông (Anh có phải đàn ông không), mối quan hệ với người cũ (Chồng cũ, vợ cũ, người yêu cũ). Việc các nhà làm phim mở rộng chủ đề gia đình lan đến các vấn đề xã hội, những vấn đề nhức nhối từ trong nhà ra cửa ngõ… giúp mô típ phim không lẩn quẩn trong cái cũ.

Đạo diễn Nhật Thanh cho biết: “Cái gọi là mới thực ra chỉ là những biến đổi hình thái bên ngoài theo từng giai đoạn phát triển của nhân loại. 20 năm trước sẽ có những vấn đề và cách nhận thức, xử lý vấn đề theo kiểu này, 20 năm sau cũng những vấn đề đó nhưng sẽ có cách nhận thức, cách hành xử khác. Hiện nay xã hội cũng có cái nhìn tương đối thông thoáng, cởi mở hơn với những vấn đề nhạy cảm, tế nhị nên tôi không gặp khó khăn gì khi kể về chúng”. 

phim  Đừng làm m
Phim Đừng làm mẹ cáu với góc nhìn mới về đề tài mẹ đơn thân

Dù khá hào hứng với góc nhìn hài hước về những vấn đề trong cuộc sống gia đình, người xem cũng băn khoăn cách khắc họa mới này dễ dẫn đến hiểu lầm là người làm phim cổ xúy cho những quan điểm, cái nhìn hiện đại, táo bạo. Đạo diễn Bùi Quốc Việt nói: “Nhiều người trẻ hiện nay chỉ coi trọng cuộc sống cá nhân và gia đình là một thứ gì đó có thể giảm thiểu. Điều đó có thể đúng với một số người, nhưng truyền thống của các gia đình Việt Nam vẫn mong con cháu có gia đình, hạnh phúc. Đó là thông điệp mà chúng tôi muốn chuyển tải qua bộ phim”.

Đạo diễn Nhật Thanh cũng bày tỏ: “Tôi thể hiện tình trạng ly hôn với đầy đủ các diễn biến ở đủ mọi khía cạnh, bằng góc nhìn thẳng thắn và chân thực, không định kiến. Khán giả sẽ phải tự quan sát, nghiền ngẫm và tự đúc kết cho riêng mình những bài học. Phim Tình trạng: đã ly hôn chỉ phản ánh đúng thực tế xã hội, không cổ vũ nhưng cũng không lên án vấn đề ly hôn. Điều duy nhất bộ phim cổ vũ là tình thương yêu và sự thấu hiểu, cảm thông lẫn nhau, tình cảm gia đình”. 

Hương Nhu

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI