Góc ký ức nhỏ về Sài Gòn

08/11/2017 - 10:18

PNO - Ký ức của Tam Thái về một Sài Gòn nhiều góc cạnh, giữa lằn ranh của những đổi thay, thịnh suy suốt gần 45 năm đã được lưu lại sống động trong từng bức ảnh.

Ký ức của một người, chọn lưu giữ vì lạ lẫm, chụp vì niềm yêu thích, giờ đây trở thành ký ức của nhiều người, đầy quyến luyến về một thời quá vãng.

Chạm vào ký ức

Gần 300 bức ảnh trong triển lãm Sài Gòn, qua miền ký ức tại Hội Nhiếp ảnh TP.HCM (kéo dài đến hết ngày 12/11), được Tam Thái sắp xếp, phân chia cẩn thận thành 20 tiểu mục và chú thích chi tiết, như: Qua sông nhớ cầu; Cuộc sống nhập cư; Chợ bên đường; Cửa nhà, phố xá, lầu đài; Đình chùa, thánh thất; Trăm năm di tích; Văn hóa đường phố; Sài Gòn báo chí; Thay cũ đổi mới; Sài Gòn sau thập niên 2000…

Goc ky uc nho ve Sai Gon

Đôi bờ ông Lãnh, chụp năm 1973 - Ảnh: Tam Thái

Sài Gòn, qua các giai đoạn, cứ thế bày ra trước mắt. Rất nhiều địa danh, nhiều cảnh cũ, nghề xưa hiện ra sinh động trên ảnh, cầm chân người xem. Bến Mễ, thị trấn kênh Tàu Hủ, cây gòn đại lão nơi chân cầu Quới Đước, cầu quay Bình Lợi, cầu treo Hiệp Đức, khu phố Tàu ở đường Chu Văn An (Q. 6)… giờ đã chìm vào quá khứ.

Bến xe Renault đi ngoại thành nơi góc đường Chương Dương - Phó Đức Chính đã hoàn thành nghĩa vụ lịch sử. Ngôi biệt thự bề thế với kiến trúc tân cổ điển xây ở đồng Ông Cộ đầu thế kỷ XX, nay là đường Nơ Trang Long, gần cầu Băng Ky, đã bị phá dỡ… cho đến Thương xá Tax và những hàng cây xanh trăm tuổi bị đốn hạ, nhường bước cho tiến trình đô thị hóa, hiện đại hóa.

Nếu cụm Sài Gòn phố chợ, Sài Gòn của dân nhập cư bắt lại những khoảnh khắc dung dị trong đời sống thường nhật thì cụm Nghề trong dĩ vãng lại gây thương nhớ với các ngành nghề dân dã của Sài Gòn những năm 1980 như đóng móng bò, làm đầu lân, sửa máy ảnh lề đường…

Chính Tam Thái cũng bùi ngùi xúc động khi xem lại số ảnh ông đã chụp, bởi quá nửa số kiến trúc, cảnh, người trong đó giờ đã không còn nữa.

Tính kết nối là mong muốn của Tam Thái khi ông thực hiện triển lãm này, để lớp người lớn tuổi được chạm lại một phần ký ức, còn lớp đi sau không bỡ ngỡ với thành phố chúng đang sống. Chỉ khi hiểu mới yêu đúng cách, mới biết bản sắc của thành phố mình mà nâng niu, mà tự hào giữa những đổi thay chóng mặt. 

Goc ky uc nho ve Sai Gon

Nghề trong dĩ vãng - Ảnh: Tam Thái

Cuộc dạo chơi hồn nhiên

Tam Thái bắt đầu chụp ảnh từ năm 1973, bằng chiếc máy ảnh mượn từ người bạn học. Sài Gòn đô hội nhưng cũng hết sức giản dị trong mắt cậu sinh viên miền Trung. Cái mới mẻ, cuốn hút của một thành phố nhiều mảng màu tương phản thôi thúc cậu lưu giữ. Bức ảnh đầu tiên của cậu - Đôi bờ ông Lãnh - cũng có trong triển lãm lần này.

 Nhiếp ảnh gia Tam Thái: 

Giữa phát triển và bảo tồn luôn tồn tại mâu thuẫn, nhưng mâu thuẫn nhiều hay ít và xử lý chúng như thế nào tùy thuộc rất lớn vào nhà quản lý, chính sách. Nếu thực sự quan tâm, chúng ta sẽ tìm được cách bảo tồn các giá trị cho thế hệ sau mà vẫn đảm bảo phát triển. Quá khứ, hiện tại và tương lai luôn phải kết nối với nhau, nếu không lớp sau sẽ hụt hẫng.

“Mỗi người có một đời sống, tâm tư, tình cảm riêng. Gia đình tôi thì có truyền thống quý trọng ông bà tổ tiên. Khi lớn lên, những gì người trước để lại, con cháu luôn hết sức giữ gìn. Có lẽ điều đó đã ăn vào máu tôi rồi trở thành tâm tính. Sài Gòn có những thứ quê tôi không có. Tôi chụp lại vì muốn tìm hiểu và vì đó là sở thích của mình thôi. Khi kinh tế thị trường mở ra, thành phố thay đổi nhanh quá. Tôi cứ thế chụp, nghĩ mình phải giữ lại, vì những thứ đó có thể thay đổi” - Tam Thái nói vậy khi có ai đó gọi ông là “người rong ruổi tìm dấu xưa”.

Tam Thái là tác giả của nhiều sách ảnh, biên khảo: Tết Sài Gòn, 150 năm hình bóng Sài Gòn, Ngày xưa Langbiang, Đà Lạt, Ký ức miền quê… Trước Sài Gòn, qua miền ký ức, Tam Thái từng có nhiều triển lãm cá nhân về Sài Gòn nhưng đây là lần đầu tiên, nhiều bức ảnh giá trị về mặt tư liệu của Sài Gòn được công bố.

Goc ky uc nho ve Sai Gon

Tam Thái mong tìm được một đơn vị xuất bản đồng hành để đưa tất cả những bức ảnh trong triển lãm vào một tập sách, chú thích đầy đủ, cụ thể hơn, lưu giữ một mảng ký ức nhỏ về Sài Gòn như ông đã miệt mài và nhiệt tâm gần suốt cả cuộc đời.

Hoàng Linh Lan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI