Góc khuất toà án lên màn ảnh có thoả cơn khát?

17/10/2019 - 18:33

PNO - Ở đó, các nhân vật chánh án, thẩm phán, thư ký tòa án… được xây dựng sinh động, từ công việc đến cuộc sống riêng tư, từ tình cảm đến ứng xử trong gia đình.

Lần đầu tiên, một kịch bản phim đề tài tòa án do thẩm phán viết: Dặm đường công lý (phát sóng lúc 22g thứ Hai đến thứ Bảy hằng tuần trên kênh HTV9, từ ngày 12/10). Một bộ phim khác Pháp đình lương tâm (đạo diễn Tường Phương, DOP TV sản xuất) sau thời gian chờ kiểm duyệt, cũng được chính thức lên sóng ANTV lúc 20g, từ ngày 16/10.

Khi thẩm phán viết kịch bản

Dặm đường công lý (dài 30 tập, Hãng phim TFS sản xuất, đạo diễn Trần Quang Đại) được biên kịch Đỗ Thị Ngọc Lan viết kịch bản trong khoảng ba năm, khi còn là thẩm phán. Chị Ngọc Lan hiện được bổ nhiệm là Phó chánh án Tòa án nhân dân huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương. Đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng, Phó giám đốc Hãng phim TFS nói rằng, đơn vị rất khuyến khích các kịch bản của người thuộc các ngành nghề. Theo ông, Dặm đường công lý có rất nhiều chi tiết mà những biên kịch thuần túy sẽ không thể viết được. 

Goc khuat toa an len man anh co thoa con khat?
Phim Dặm đường công lý đang phát sóng trên kênh HTV9 - Ảnh: TFS

Không gian chủ đạo trong phim là Tòa án nhân dân huyện Xuân Tân (bối cảnh được chọn quay tại một tòa án ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Ở đó, các nhân vật chánh án, thẩm phán, thư ký tòa án… được xây dựng sinh động, từ công việc đến cuộc sống riêng tư, từ tình cảm đến ứng xử trong gia đình.

“Khi làm bộ phim này, chúng tôi chọn cách kể về thế giới ngoài đời thực của người thẩm phán, chân phương, gần gũi, giản dị chứ không lên gân hay tô hồng. Đích đến của Dặm đường công lý là khai thác câu chuyện, cuộc sống của những người làm tòa án, chứ không chỉ tập trung vào các vụ án” - ông Nguyễn Quốc Hưng nói thêm.

Phim đã lên sóng những tập đầu, với những vụ án dân sự lặt vặt. Theo chia sẻ của biên kịch, việc mở đầu như thế nhằm mục đích “phổ biến pháp luật” cho khán giả. Ở góc độ người xem, đó quả thật là… điều đáng tiếc. Một bộ phim truyền hình có thu hút được khán giả hay không, lại là từ những thước phim đầu tiên này. 

Trong Dặm đường công lý, có một nhân vật phản diện (thẩm phán Nhàn do diễn viên Huy Cường thể hiện). Đây cũng là nhân vật sẽ gánh hết “ý đồ” của biên kịch trong việc phản ánh những biến chất, tiêu cực của cán bộ ngành tòa án. Còn lại, các thành viên khác của tòa án đều tốt tuyệt đối (NSƯT Hữu Châu vai chánh án Trung, Thái Trung Việt vai chánh án Thành, Quang Tuấn vai thẩm phán Nghĩa, Trí Quang vai thẩm phán Dương, Lã Thiên Cầm vai thẩm phán Trâm…).

“Tôi không có gì phải giấu, hay bị áp lực đến nỗi không dám viết sự thật. Các vụ án trong phim cũng có chất liệu chắt lọc từ báo chí, được hư cấu, nghệ thuật hóa cho khán giả có thể cảm được. Còn bản thân các vụ án thật gồ ghề, khó chuyển tải hết. Kịch bản này tôi không tập trung vào các vụ án gai góc, căng thẳng mà dàn trải. Trong đó có các vụ án dân sự như tranh chấp đất đai, quyền thừa kế, hoặc các thẩm phán phải đối mặt với tội phạm có “thế lực ô dù” khi gây tai nạn giao thông… Tôi không tô hồng cho nghề nghiệp của mình” - biên kịch Ngọc Lan bày tỏ. 

Goc khuat toa an len man anh co thoa con khat?
 

Đến thời điểm này, dư luận rúng động với bao vụ oan sai, những án chấn động, nóng hổi thời sự, mà trên màn ảnh, nếu chỉ mới là “phổ biến pháp luật” có lẽ không thể giải được cơn khát của khán giả màn ảnh nhỏ đối với phim về đề tài này. 

Sự trở lại của ký sự pháp đình

Pháp đình lương tâm - bộ phim đã được hoàn thành từ nhiều năm trước, nay mới chính thức lên sóng ANTV. Đây có thể được xem là phần tiếp theo của loạt phim Ký sự pháp đình khá hay của đạo diễn Tường Phương (từng phát sóng vào các năm 2009-2011, với ba phần: Giấc mơ thiên đường, Hơi ấm bàn tay, Ngã rẽ).

Theo chia sẻ của biên kịch Trần Quế Ngọc, kịch bản phim được viết từ những vụ oan sai có thật. Trên màn ảnh nhỏ, sẽ là sự hóa thân của các diễn viên: Chánh Thuận, Mai Sơn Lâm, Ánh Hồng, Kiều Khanh, Quốc Huy, Sĩ Toàn, Hồ Bích Trâm…

Thân phận con người, án oan, lỗ hổng pháp luật là những vấn đề mà đạo diễn Tường Phương muốn thể hiện trên phim. “Tôi làm bộ phim này sau khi đã nghỉ hưu, lúc đó Hãng phim TFS tạm gián đoạn kế hoạch sản xuất phim truyền hình, nên Pháp đình lương tâm do công ty tư nhân DOP TV sản xuất. Đơn vị cũng đã tạo điều kiện thuận lợi để tôi và ê-kíp thỏa sức sáng tạo. Những năm qua tôi vẫn chờ đợi đứa con tinh thần của mình lên sóng” - đạo diễn Tường Phương chia sẻ. Giờ ông đã nghỉ hưu.

“Biên kịch phải tìm được người đạo diễn và nhà sản xuất dám làm một bộ phim “nói lên sự thật”, trong đó sự thật có thể được xây dựng và khai thác ở góc độ: từ cái xấu xa, thối nát mà vạch ra một con đường sáng; phê phán để cảnh tỉnh, thấu hiểu, yêu thương. Khó nhất giữa những mảng sáng tối đầy ghê rợn của hiện thực, làm sao để mọi người khi xem có thể thấu cảm, như cách một quản giáo có thể nhìn thấy “quyền của một con người” sau chấn song sắt lạnh lẽo của phòng biệt giam” - biên kịch Trần Quế Ngọc bày tỏ. 

Pháp đình lương tâm  khai thác chất liệu từ vụ oan sai có thật, từng gây rúng động dư luận (thời điểm năm 2015). Biên kịch Trần Quế Ngọc đến giờ vẫn còn ám ảnh với những trang viết về bi kịch thân phận đến khốn cùng. Điều khán giả tìm thấy trong những phần phim Ký sự pháp đình trước đó, là sự khốc liệt, bi kịch của những thân phận, những tội ác. Còn pháp đình lương tâm - không chỉ là phán quyết của tòa án, mà chính là lương tri của con người. “Trong bóng tối còn có ánh sáng, sau hoàng hôn sẽ lại đến bình minh, trong bế tắc nếu còn tình người thì còn hy vọng” là thông điệp mà bộ phim muốn gửi gắm. 

Nhiều năm qua, các vụ án có thật cũng được dựng lại trong chương trình thực tế Ký sự pháp đình của Đài Truyền hình Vĩnh Long. Các tiểu phẩm tái hiện, mang tính cảnh báo là chính. Với phim truyền hình, đó là đề tài rất khó “ăn khách”, nên không nhiều lựa chọn cho khán giả màn ảnh nhỏ. “Đề tài này tôi còn ấp ủ nhiều câu chuyện, nhưng có lẽ nên để dành cho các bạn trẻ tiếp tục” - đạo diễn Tường Phương tâm tư. 

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI