Góc khuất của nữ hạm trưởng tàu khu trục đầu tiên tại Nhật

22/06/2016 - 10:52

PNO - Miho Otani (45 tuổi) là nữ hạm trưởng đầu tiên trên tàu khu trục của lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản (MSDF). Ai tiếp xúc với bà cũng đều quý mến vè sự điềm tĩnh, thân thiện, cẩn trọng.

Bà Miho Otani đã làm nên lịch sử của lực lượng hải quân vào đầu năm nay khi được giao trách nhiệm chỉ huy tàu khu trục Yamagiri với nhân sự tổng cộng 220 người, trong đó chỉ có 10 phụ nữ. Bà dễ khiến người đối diện khao khát khám phá - điều gì làm nên tinh thần thép ở một phụ nữ có vẻ ngoài khả ái. Bà Miho Otani góp phần không nhỏ trong việc tạo nên hình ảnh nữ chỉ huy lý tưởng, giúp các nữ quân nhân có mục tiêu phấn đấu.

Chính bà Otani cũng đã tự mở lối đi riêng cho mình. Thời sinh viên, bà dành nhiều thời gian tìm hiểu về chiến tranh, thời sự, đặc biệt là chiến tranh vùng Vịnh. Trước “biển” thông tin mới mẻ, bà càng muốn tìm hiểu và không biết từ khi nào sự thôi thúc ấy trở thành chất xúc tác thắp lên khát vọng phải nỗ lực bảo vệ quê hương, vì một thế giới hòa bình. Cùng lúc ấy, Học viện Quốc phòng tuyển học viên. Không mất quá nhiều thời gian suy nghĩ, bà Otani nộp đơn đăng ký ngay. Con đường quân nhân của bà bắt đầu từ đấy, với tâm thế luôn sẵn sàng đón nhận thách thức.

Goc khuat cua nu ham truong tau khu truc dau tien tai Nhat
Bà Miho Otani - Ảnh: TELEGRAPH

Trở ngại đầu tiên của bà đến từ gia đình. Bố của Miho Otani nhất mực khuyên con gái không nên dấn thân vào môi trường quân đội, nơi có quá nhiều đàn ông, không thích hợp cho phụ nữ. Yêu bố, yêu gia đình, tin vào bản thân, Miho càng quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, không từ bỏ ước mơ. Bà là nữ sĩ quan đầu tiên tốt nghiệp Học viện Quốc phòng. Bà chia sẻ: “Gia đình lo lắng cũng vì muốn tốt cho tôi. Do đó, tôi phải chứng minh rằng, chọn lựa của mình là đúng đắn. Niềm tin yêu đến từ sự nỗ lực hết mình”. Tự tin và cố gắng không ngừng, nhưng quả là trời đã thử thách lòng người, sự nghiệp của Miho Otani luôn xuất hiện trở lực đúng lúc và trở thành động lực khiến bà thêm hoàn thiện bản thân.

Năm 29 tuổi, trung úy Otani đầy hoài bão, nhiệt huyết đã tìm thấy bến đỗ để xây dựng tổ ấm. Khi ấy, một đồng nghiệp nam thẳng thắn “gợi ý” Otani nên nghỉ việc, lui về chăm lo cho gia đình. Lời đề nghị này không làm cho bà ngạc nhiên, vì đây dường như là luật bất thành văn trong xã hội Nhật Bản. Phụ nữ kết hôn nghĩa là đã đến lúc tạm dừng sự nghiệp. Thế nhưng, chính câu nói của đồng nghiệp trên khiến bà càng thêm kiên định để vươn lên trong nghề nghiệp. Bà muốn thay đổi tư duy vốn đã tạo ra quá nhiều trở lực cho nữ lao động trong mọi ngành nghề, đặc biệt càng khắc nghiệt hơn trong môi trường vốn được cho là đặc quyền của nam giới.

Năm 2013, Miho Otani trở thành nữ đội trưởng đầu tiên trên một tàu khu trục trong đợt huấn luyện. Đến năm 2016, bà trở thà nh nữ hạm trưởng đầu tiên. Trên quãng đường dài gần 20 năm phấn đấu, không ít lần Otani chạnh lòng nghĩ, làm thế nào chu toàn vai trò người mẹ và nữ chỉ huy. Bà kết hôn hai lần, người chồng hiện tại của bà là chỉ huy trưởng một tàu khu trục. Con gái của bà mới 12 tuổi. Con bao nhiêu tuổi là từng ấy năm bà luôn ray rứt về việc mình không dành đủ thời gian chăm sóc con như những người mẹ khác.

Do tính chất công việc, bà thường xuyên vắng nhà, phải nhờ bố mẹ ruột chăm con giúp. Bà Miho Otani trải lòng: “Trước tình huống tiến thoái lưỡng nan ấy, không có đúng hay sai tuyệt đối mà đó là sự thông cảm từ gia đình. Mọi người hiểu tôi làm nhiệm vụ vì lẽ gì. Con gái tôi sau này cũng sẽ hiểu tôi dấn thân vì điều gì. Ngoài đam mê, ngoài công việc, đó còn là niềm tin mà tôi ấp ủ, tin vào một ngày mai, phụ nữ có thể thỏa sức đảm nhiệm bất kể vị trí nào, miễn sao họ có năng lực”.

Giờ đây, giữa muôn trùng khơi với vô vàn khó khăn, căng thẳng, bà Miho Otani vẫn tiếp tục làm tròn chức trách tổ quốc giao phó. Người phụ nữ ấy chưa bao giờ gục ngã trước thử thách vì chính bà đã chọn đường khó để đi, với mong muốn con đường ấy rồi sẽ thênh thang cho bất cứ người phụ nữ nào ước mơ cống hiến năng lực cho tổ quốc. Tạo điều kiện cho nữ giới tiếp cận, nắm vai trò quản lý trong đa dạng các ngành nghề là chính sách quan trọng tại Nhật Bản những năm gần đây. Hiện gần 48.000 quân nhân phục vụ cho các hoạt động liên quan đến MSDF nhưng nữ giới chỉ chiếm con số khá khiêm tốn (hơn 2.500 người), phần lớn là ở các vị trí hậu cần. Theo các quan chức quốc phòng Nhật Bản, họ muốn đưa tỷ lệ nữ quân nhân tăng lên 10% trong 15 năm tới.

Anh Thông (Theo Telegraph, Financial Times, Japan Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI