Góc khuất của các “anh nhà”

19/06/2022 - 18:00

PNO - Vì gia đình, vì con, các chị phải nhường nhịn, chịu đựng, chấp nhận. Đèn nhà ai nấy sáng, nhưng được dịp trải lòng, buồn tủi cũng vơi đi.

Tầm 8 giờ sáng, chiếc xe tải quen thuộc chạy chầm chậm rồi dừng dưới bóng mát cây bàng cổ thụ. “Hàng bông đây”, “Rau củ thịt cá bà con ơi!” - vợ chồng chủ xe thay nhau rao. 

Các bà nội trợ thong thả bước ra đường, hướng đến phía cây bàng. Hầu hết các nhu yếu phẩm thường ngày đều được bày bán trên các chuyến xe như thế ở đây. Mọi người mua được phục vụ tận ngõ, khỏi phải đi chợ. Nếu ai muốn thêm thứ gì đặc biệt, chỉ cần đặt hàng là hôm sau có. 

Anh tài xế vịn tay vào cửa lấy đà nhảy khỏi buồng lái, lăng xăng phụ giúp vợ cân hàng tính tiền. Nói phụ giúp, nhưng thật ra anh gần như làm tất cả, chị vợ hơi chậm tay, thậm chí có món chị không biết còn hay hết, khách hỏi đến cứ lớ ngớ bới tung mọi thứ hoặc quay sang hỏi lại chồng.

Anh chồng thì một tay bán hàng, một tay kiểm đếm, thoăn thắt dọn dẹp, sau cùng mới giao tiền cho vợ. Bị khách phê bình, chị vợ hồn nhiên ngửa mặt cười, anh chồng nửa trách nửa yêu: “Duyên nợ mà. Vậy chứ tui phải đeo đuổi hai năm mới xách được dép của bả đó”.

Chị vợ khẽ liếc chồng, "hứ" một cái. Chỉ bấy nhiêu cũng đủ biết họ là cặp đôi hạnh phúc.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

 

Xong buổi họp chợ di động chớp nhoáng ngay trên phố, chiếc xe rời đi, các chị nội trợ nán lại cùng nhau. Một chị khen anh tài xế, đàn ông gì mà sạch sẽ gọn gàng, ngăn nắp tháo vát, lại ăn nói hóm hỉnh có duyên. Mấy chục mặt hàng xếp đặt trên diện tích khiêm tốn của xe, nhắm mắt anh vẫn có thể lấy chính xác từng thứ theo yêu cầu. Một chị khác gật gù đồng tình, rồi bảo thế gian được chồng mất vợ, tay tài xế lanh lẹ bao nhiêu thì chị vợ khờ khạo, hậu đậu bấy nhiêu.

Chủ đề vợ chồng tài xế hấp dẫn nên các chị khác đã định về nhà bỗng đổi ý. Một chị nói như than thở: “Vợ tay tài xế vậy mà số hưởng, được ông chồng lo toan tất cả. Chị ấy hồn nhiên vô tư nên tươi tắn trẻ trung. Đa số phụ nữ giỏi giang vén khéo đều có một anh chồng ngược lại”.

Rồi chị minh họa bằng ông chồng chị, ngoài tám tiếng ở văn phòng và hằng tháng đưa hết tiền lương cho vợ thì anh chẳng biết thêm gì. Ngay cả cái van bếp gas ở nhà anh cũng chưa từng chạm tay, thì nói gì đến chuyện dọn dẹp, nấu gói mì hay pha sữa cho con. Bữa sáng, nếu vợ không kịp mua điểm tâm, anh sẽ nhịn đói dù chị để sẵn tiền trên bàn và quán mì phở chỉ cách nhà hơn chục mét. Kể một tràng xong, chị thở dài buồn bã. 

Người phụ nữ trẻ đứng cạnh thốt lên: “Như chị kể cũng may lắm rồi”. Chồng cô tệ hơn, chỉ được mỗi một việc là chăm chỉ đi làm, chăm chỉ tăng ca khi có yêu cầu từ công ty.

Làm việc như thế nhưng hầu như cả năm anh chưa bao giờ đưa tiền cho vợ. Mọi chi tiêu trong nhà đều do cô tự lo. Hỏi đến thì anh cáu, bảo phần của anh để dành tích lũy làm vốn kinh doanh.

Tích lũy được bao nhiêu và sẽ kinh doanh gì thì cô không biết. Chồng riêng phần chồng, vợ lo toan chuyện nhà phần vợ, mãi rồi cả hai không thèm nói nhiều với nhau vì mỗi lần nói vài câu là tức khắc sinh cãi vã.

Cô bán hàng online, thu nhập khá, thật ra chẳng cần thêm tiền của chồng. Nhưng mỗi khi nghĩ đến tiền nong hai mối riêng biệt, cô cảm thấy vợ chồng xa cách. Chồng cô hoàn toàn không có trách nhiệm với nhà cửa, vợ con. Lỗi một phần do cô quá tự lập và để chồng tự do. Cô đã không quyết liệt đề ra các quy tắc và trách nhiệm chung ngay từ những ngày mới về sống cùng. “Chồng em là tệ nhất thế giới”, cô chốt.

Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz
Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz

 

Mọi người an ủi: “Chồng em vẫn còn có giá, ít nhất cậu đam mê công việc, siêng năng kiếm tiền”. Rồi các chị lần lượt chia sẻ những góc khuất của các “anh nhà”, có chuyện buồn cười, có chuyện trở thành nỗi đau không thể cứu vãn… 

Mỗi buổi sáng gặp nhau, các chị loanh quanh bàn thời sự, vật giá rồi thế nào cũng quay về những câu chuyện muôn thuở trong gia đình. Lần này, có dịp trải lòng về các ông chồng, nhóm phụ nữ hàng xóm nán lại lâu hơn. Từ chuyện vợ chồng tài xế bán rau đến những quý ông hằng ngày gây đau đầu các chị được đem ra “mổ xẻ”.

Vì gia đình, vì con, các chị phải nhường nhịn, chịu đựng, chấp nhận. Thói quen khó bỏ, bản tính khó dời, không dễ để đưa ra kết luận hay hướng khắc phục cho mỗi trường hợp. Đèn nhà ai nấy sáng, chỉ là được dịp trải lòng buồn tủi cũng vơi đi. 

Việt Quỳnh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI