Góc bếp của má chồng

13/05/2017 - 16:30

PNO - Lúc mới về nhà chồng, nhìn góc bếp của má, tôi cũng ngỡ ngàng. Cái góc nhỏ xíu đó với những chiếc bếp nhỏ xíu, những cái nồi nhỏ xíu và nhiều món ăn li ti không hiểu nổi.

Bếp của má bắt đầu hoạt động từ bốn giờ sáng. Đó là tiếng quạt lửa phành phạch từ chiếc quạt nan tay cũ kỹ, tiếng than củi hầm bén lửa nổ lách tách, tiếng má hát khe khẽ mấy bài nhạc xưa cũ và cả tiếng của chiếc đài má để cạnh bếp, đang phát thanh sớm bài tập thể dục sáng mỗi ngày.

Goc bep cua ma chong
Góc bếp của mẹ chồng tác giả

Những thứ tiếng đó bắt tôi lồm cồm bò dậy, thò tay vạch vách mùng, ngơ ngác hỏi má - ngày tôi mới về làm dâu: “Con có làm gì giúp má được hông má?”. Tôi nghe má biểu: “Thôi khỏi, ngủ đi, thức chi sớm!”. Thế là lại thụt đầu vào, nằm lơ ngơ mơ màng trong mùi khói cũ kỹ bếp lò, trong hơi gió Nam thổi từ trảng cát.

Sáu giờ sáng, ba-bốn cái bếp than của má đã đượm nồng, cũng là lúc má cắp giỏ đi chợ và giao lại nhiệm vụ nấu nướng hâm đồ ăn thức uống cho tôi. Đâu chừng 10 chiếc nồi từ lớn đến nhỏ bằng cỡ bàn tay - với đủ món từ kho đến hầm phải hâm lần lượt.

Má thường có “chính sách” riêng cho từng loại thức ăn - món nào phải hâm trước hâm sau đều có thứ tự. Theo má, đó là để chạy cho kịp lửa than, vì lửa than lúc đỏ rực nấu gì cũng nhanh sôi, vì vậy nồi nào ít nước hâm trước nồi nhiều nước hâm sau, nồi hầm hâm sau chót, và sau khi hâm nóng tất cả các thứ má sắp xếp, phải biết giữ lửa bằng cách bắc ấm nước và bỏ thêm ít than, để lửa vẫn còn khi má chợ về nấu tiếp món mới.

Lúc mới về nhà chồng, nhìn góc bếp của má, tôi cũng ngỡ ngàng. Cái góc nhỏ xíu đó với những chiếc bếp nhỏ xíu, những cái nồi nhỏ xíu và nhiều món ăn li ti không hiểu nổi. Nhưng khi chung tay cùng má “xử lý” chuyện bếp núc, thì tôi hiểu ra phía sau đó, những chiếc nồi nho nhỏ, những cái bếp nho nhỏ, chúng đều có các câu chuyện của riêng má.

Cả cái góc bếp bắt đầu óng ánh lửa than từ bốn giờ sáng, bắt đầu lại vào lúc mười một giờ trưa, lại bắt đầu lần nữa vào cỡ bốn giờ chiều như một thói quen. Má khơi bếp lửa, và bên bếp lửa, má yêu đời hát lại cái câu hát trong vắt hồi xưa má hay hát cho bố chồng, cho đám con nhỏ của má nghe, hay có hương vị để kể những câu chuyện xưa cũ thời chạy loạn, ly tán, ở nhờ, gánh củi, dời từ xứ này qua xứ khác, hay cả những câu chuyện tuổi thơ hơi ngặt nghèo của người là chồng tôi bây giờ.

Cái bếp lửa than thỉnh thoảng dậy mùi khô cá trích má để dành hồi nào, béo ngậy và mặn mà nướng lên ăn chung với nồi cháo trắng. Cái bếp lửa than với nồi mực nhỏ kho đặc quéo đen thùi mà ăn ngọt lịm - mực kho còn nan mà chỉ người xứ má mới ăn kiểu vậy, để tôi gọi đó là món “mực kho má chồng” khi về lại nhà mình thử làm món quê của má đãi chồng.

Cái bếp than thoảng lại lắc rắc mùi mè thơm trên chiếc bánh tráng má đang hơ trên lửa, những chiếc bánh nướng xong giòn tan rơm rớp má bỏ sẵn vô tủ chén muốn ăn lúc nào thì lấy.

Góc bếp than tí tách và những chiếc nồi nhỏ xíu cũng kiểu hâm nấu gần như là đặc sản của riêng má chồng. Những ngày gió lạnh, má quấn khăn kín tai, ngồi khơi than trên bếp. Cái dáng quạt phe phẩy để than bén lửa, đặt cái nồi nhỏ xíu và lấy cái nồi đang sôi xuống bằng hai que sắt để cời than cũng là đặc sản của riêng má.

Có những thói quen ta tưởng không bao giờ mình quen được, như bếp của má chồng, hay cả cách nấu bếp, món ăn, mùi vị. Nhưng cuộc sống, dường như niềm vui đơn giản của người này, thói quen gần gụi của người kia, dễ đâu trở thành đặc sản nỗi nhớ của ta, lúc đã rời đi.

Minh Phúc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI