Gỡ vướng, giúp bệnh nhân ung thư nhẹ nhàng cuối đời

17/05/2023 - 08:06

PNO - Bệnh nhân ung thư khi vào giai đoạn cuối thường phải chịu đựng nhiều đau đớn. Nếu được sử dụng thuốc morphin hiệu quả, cuối đời sẽ nhẹ nhàng hơn.

Chật vật với thuốc giảm đau

Thêm một đêm nữa , bà P.T.G. (53 tuổi, ở TP Thủ Đức) lại không ngủ được, chỉ mong trời mau sáng để vào Bệnh viện (BV) Ung Bướu TPHCM tái khám. Mặc dù đã uống thuốc giảm đau, nhưng bà G. không thể ngủ yên. Bà bị ung thư vú nhiều năm nay, hiện đã vào giai đoạn 4. Theo bà G., cứ 10 ngày, bà vào BV tái khám một lần để được kê đơn morphin. Bà nói chỉ có morphin mới giúp bà giải quyết được cơn đau vật vã này.

Bệnh nhân bị ung thư điều trị tại Bệnh viện Ung Bướu TPHCM
Bệnh nhân bị ung thư điều trị tại Bệnh viện Ung Bướu TPHCM

Ngồi cạnh bà tại BV Ung Bướu TPHCM, anh Trần Thanh Tâm (42 tuổi, ở Trà Vinh) cũng đang đợi đơn thuốc có morphin mang về cho cha mình. Ông T.T.H. (65 tuổi, cha anh Tâm) bị ung thư gan 8 năm. Ông đang phải chịu nhiều mệt mỏi bởi ung thư đã vào giai đoạn cuối, di căn sang phổi. Theo anh Tâm, anh đã tìm mua morphin ở các tiệm thuốc gần nhà nhưng không ai bán. Đưa cha vào BV địa phương khám, BV không đồng ý cho sử dụng thuốc này. Anh định thuê xe đưa cha đi thành phố nhưng ông không đủ sức. Vì vậy, anh liên hệ bác sĩ điều trị cho cha và được hướng dẫn xin giấy xác nhận tình trạng người bệnh để đến BV Ung Bướu TPHCM nhận thuốc thay cha.

Tiến sĩ, bác sĩ Đăng Huy Quốc Thịnh - Phó giám đốc BV Ung Bướu TPHCM, Chủ tịch Hội y học chăm sóc giảm nhẹ Việt Nam - cho biết: Đa số bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối trải qua những ngày tháng cuối đời vô cùng đau đớn. Vì vậy, cần chú trọng chăm sóc giảm nhẹ, giảm đau cho người bệnh. Việc sử dụng thuốc morphin nói riêng hay opioid nói chung sẽ rất cần thiết. “Nếu không có opioid, morphin thì người bệnh rất khổ sở vì chịu nhiều đau đớn. Hiện nay, ngoài đẩy mạnh chăm sóc giảm nhẹ, BV cũng đã sử dụng morphin, opioid một cách hiệu quả nhất cho bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân ung thư để người bệnh có giai đoạn cuối đời nhẹ nhàng hơn” - bác sĩ Thịnh nói.

Cần đưa morphin về y tế cơ sở

Theo bác sĩ Thịnh, thời gian qua  bác sĩ của BV này nói riêng và các BV tuyến cuối nói chung đã có nhiều tiến bộ trong kê morphin. Nhiều bệnh nhân ung thư được tiếp cận thuốc hơn. Trước đây, các bác sĩ e ngại sử dụng morphin vì nghĩ đây là thuốc gây nghiện, có nhiều ràng buộc về pháp lý khi kê toa. Vì vậy, ngành y tế rất nỗ lực đẩy mạnh hoạt động chăm sóc giảm nhẹ bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối tại các BV tuyến trên, cũng như “gỡ” một số khó khăn về quy định kê đơn morphin.

“Hơn 10 năm trước, cũng với số lượng bệnh nhân nội trú 9.000-10.000 người, BV Ung Bướu TPHCM chỉ sử dụng khoảng 4.000 viên morphin/năm. Nay, cũng với số lượng bệnh nhân trên, morphin được sử dụng có thể lên tới 200.000 viên/năm. Tới thời điểm này, chúng tôi vẫn an tâm với số lượng thuốc morphin đã kê toa. Sử dụng đúng mục đích, kiểm soát đau, chất lượng sống của bệnh nhân tốt hơn nhiều”, bác sĩ Thịnh nói.

Hiện BV Ung Bướu TPHCM đã kê toa morphin cho bệnh nhân về nhà. Tuy nhiên, theo quy định, số lượng morphin sử dụng chỉ được 10 ngày. Muốn có thêm thuốc, bệnh nhân phải quay lại BV tái khám. Trường hợp người bệnh quá yếu, đi lại khó khăn, thì người nhà có thể nhờ địa phương xác nhận, rồi thay người bệnh đến BV để tiếp tục nhận thuốc morphin thêm 10 ngày nữa, và được nhận thay liên tục 3 lần.

Hoặc người bệnh được thăm khám qua chăm sóc giảm nhẹ, ê kíp bác sĩ sẽ đến nhà thăm khám, sau đó kê đơn morphin. Tuy nhiên, ê kíp bác sĩ của BV không thể đến các huyện xa như Cần Giờ, Củ Chi… hoặc các tỉnh. Vì vậy, cần có chiến lược cụ thể để y tế cơ sở cùng tham gia mạng lưới chăm sóc giảm nhẹ, có số lượng thuốc morphin cần thiết cho người bệnh. 

Vừa qua, BV Ung Bướu TPHCM đã làm việc với Sở Y tế TPHCM và được sở ủng hộ việc đưa morphin về tuyến cơ sở. “Để thực hiện được, y tế cơ sở cần được huấn luyện, đào tạo bài bản cả cách quản lý và sử dụng morphin. Khi đó, người bệnh nặng, người cận tử sẽ được chăm sóc ngay tại xã, phường. Nếu sử dụng morphin đúng cách, không chỉ giúp ích rất nhiều cho người bệnh ung thư mà còn những bệnh nhân khác đang chịu đựng đau đớn. Chúng tôi đang chờ chỉ đạo về chiến lược để triển khai thật hiệu quả” - bác sĩ Thịnh nói. 

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI