Gỡ thẻ vàng là nhiệm vụ cấp bách

24/03/2023 - 14:56

PNO - Thẻ vàng đã gây ra nhiều hệ lụy cho việc xuất khẩu thủy sản, khiến tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) giảm khoảng 35 - 40% so với năm 2017.

 

Sau 2 năm bị EU rút thẻ vàng, hải sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này giảm mạnh
Sau khi bị EU rút thẻ vàng, hải sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này giảm mạnh - Ảnh: Huyền Hoa

Năm 2017, thủy sản Việt Nam bị Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo thẻ vàng do khai thác bất hợp pháp. Trong khi Philippines mất 9 tháng, Thái Lan mất 3 năm để EC gỡ thẻ vàng thì Việt Nam mất gần 6 năm mà vẫn chưa được gỡ. Thẻ vàng đã gây ra nhiều hệ lụy cho việc xuất khẩu thủy sản, khiến tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) giảm khoảng 35 - 40% so với năm 2017.

Trong hội nghị phổ biến kết quả làm việc với đoàn thanh tra của EC hồi tháng Hai vừa qua, ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho biết, qua 3 lần thanh tra, EC khẳng định: Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực, đi đúng hướng nhưng chưa đạt yêu cầu để được gỡ thẻ vàng, thậm chí có lúc còn suýt bị thẻ đỏ (cấm xuất khẩu thủy sản khai thác sang châu Âu).

Theo kế hoạch, trong tháng Sáu tới, EC sẽ thanh tra lần thứ tư để xem xét việc gỡ thẻ vàng với thủy sản Việt Nam. Để chuẩn bị cho đợt thanh tra này, tháng 2/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành kế hoạch hành động, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng triển khai kế hoạch 180 ngày cao điểm với mục tiêu đến hết tháng 5/2023, phải kiểm soát được 100% tàu cá, chấm dứt hoạt động khai thác hải sản trái phép. Kế hoạch chủ yếu tập trung vào việc theo dõi chặt chẽ tàu cá mà chưa chú ý giải quyết nguyên nhân khiến ngư dân phải đánh bắt trái phép.

Ngư dân chỉ có nghề chính là đi biển, trong khi nguồn lợi thủy sản của Việt Nam cạn kiệt, vùng giáp ranh chồng lấn trên biển giữa Việt Nam và các nước trong khu vực chưa được phân định rõ ràng. Thời gian qua, ngư dân còn chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, chi phí xăng dầu tăng cao nhưng giá hải sản không tăng, nợ ngân hàng bủa vây do những bất cập trong Nghị định 67/2014 về đóng tàu cá vỏ thép chưa được sửa đổi.

Nếu Chính phủ có giải pháp tổng thể giúp ngư dân phát triển nghề phụ, chuyển đổi nghề, đầu tư đúng mức vào hạ tầng thủy sản để giảm sản lượng đánh bắt, tăng sản lượng nuôi, có quy hoạch về phát triển tàu thuyền đánh bắt, có chính sách hỗ trợ xăng dầu cho ngư dân, cho phép khoanh nợ, giãn nợ vốn vay… thì nạn đánh bắt trái phép sẽ giảm đáng kể.

Hệ thống cảng cá chưa đáp ứng được yêu cầu của Luật Thủy sản cũng như quy định chống khai thác thủy sản trái phép. Cụ thể, theo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Việt Nam có 125 cảng cá, 146 khu neo đậu nhưng chỉ có 68 cảng cá đáp ứng điều kiện tiếp nhận tàu. 

Qua nhiều năm, việc quản lý, giám sát tàu cá để xác định nguồn gốc hải sản đánh bắt vẫn bị EC đánh giá “không đáng tin cậy” và lượng cá khai thác được quản lý chỉ đạt trên dưới 10%. EC còn phát hiện: việc cấp giấy chứng nhận không đảm bảo độ tin cậy; nhập khẩu vượt quá hạn ngạch cam kết; tàu cá sử dụng giấy tờ đăng ký giả, danh sách tàu cá không nhất quán; quy mô đội tàu quá lớn dẫn đến cường độ khai thác cao, không đáp ứng yêu cầu khai thác bền vững.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nếu gỡ được thẻ vàng, Việt Nam sẽ thu về 1,2 - 1,4 tỉ USD/năm nhờ xuất khẩu thủy sản sang EU. Ngược lại, nếu bị thẻ đỏ, Việt Nam mất gần 500 triệu USD/năm. Nếu thẻ đỏ kéo dài 2-3 năm, toàn ngành sẽ giảm 30% công suất so với hiện tại.

Hiện nay, tiêu chuẩn thủy sản đánh bắt (IUU) của EU dần trở thành tiêu chuẩn của các thị trường lớn khác. Đã đến lúc Chính phủ và các bộ, ngành phải vào cuộc quyết liệt, nghiêm túc với các giải pháp đồng bộ. Gỡ thẻ vàng là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết không chỉ giúp khai thông nguồn thủy sản xuất khẩu mà còn khẳng định hình ảnh đáng tin cậy của Việt Nam trên thị trường quốc tế. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI