Gỡ nút thắt để thúc đẩy sự phát triển

05/04/2023 - 06:08

PNO - Tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I/2023 của TPHCM chỉ đạt 0,7%. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu có giải pháp tháo gỡ các “nút thắt”, kinh tế TPHCM sẽ khởi sắc ngay trong quý tới.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế tài chính: Thành lập trung tâm tài chính, quỹ bảo lãnh tín dụng riêng 

Chúng ta vui vì Việt Nam có độ mở rất lớn với kinh tế toàn cầu mà quên mất những rủi ro trong độ mở đó nên khi kinh tế toàn cầu có biến động thì kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng. TPHCM rất năng động về xuất nhập khẩu nên đã bị ảnh hưởng từ độ mở này. 

Nhiều hiệp định thương mại tự do được ký kết thời gian qua đã tạo ra một thị trường thuận lợi để các doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu.
Nhiều hiệp định thương mại tự do được ký kết thời gian qua đã tạo ra một thị trường thuận lợi để các doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu

Thời gian qua, thị trường chứng khoán, trái phiếu, ngành ngân hàng, bất động sản đều khó khăn, tác động dây chuyền đến các ngành nghề khác, khiến kinh tế TPHCM tăng trưởng chậm. Thêm vào đó, đến giờ này, cấp trung ương vẫn chưa có kế hoạch mạnh mẽ để khôi phục kinh tế cho cả nước, trong đó có TPHCM.
Trước đây, tôi từng đề xuất phải có bước đột phá cho TPHCM. TPHCM phải xây dựng trung tâm tài chính theo mô hình khu phức hợp thương mại 1 điểm đến (one-stop shopping). Dĩ nhiên, chi phí là rất lớn nhưng đó là đòn bẩy, động cơ để vực dậy nền kinh tế TPHCM, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI). Phải có chương trình hành động để khai thông điểm nghẽn về thủ tục cấp giấy phép, hỗ trợ tài chính cho bất động sản được khơi thông. 

Ở lĩnh vực sản xuất công nghiệp, ngoài chính sách của Chính phủ, TPHCM cần có các chương trình đặc biệt về thuế (giảm thuế, giảm tiền thuê đất) để hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu, mời gọi nước ngoài vào các khu công nghiệp. 

Đơn hàng xuất khẩu sụt giảm nghiêm trọng, DN cần cải tổ bộ máy sản xuất nên rất cần vốn. Đi đâu cũng nghe nói về khai thông dòng vốn nhưng chưa thấy hành động, biện pháp gì cụ thể. Có lẽ lãnh đạo TPHCM phải nghĩ đến việc thành lập một quỹ bảo lãnh tín dụng riêng cho TPHCM, có vốn điều lệ hàng ngàn tỉ đồng để bảo lãnh cho các DN vay tín chấp, thế chấp với lãi suất thấp, giúp DN có vốn để cải tổ bộ máy sản xuất, đáp ứng sự thay đổi từng giờ của thế giới. 

Ông Vũ Đình Ánh - chuyên gia kinh tế: Thúc đẩy tiêu dùng, công nghiệp chế biến, chế tạo 

Nhiều ý kiến cho rằng, tăng trưởng kinh tế thấp là do giải ngân vốn đầu tư công chậm. Tôi cho rằng, đây không phải là nguyên nhân căn bản. 

TPHCM là đầu tàu tăng trưởng của cả nước. Trọng tâm tăng trưởng kinh tế của TPHCM là công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, xuất khẩu. Vừa rồi, lĩnh vực công nghiệp đi xuống, kim ngạch xuất khẩu âm 11,9%. Kinh tế TPHCM tăng trưởng thấp là do công nghiệp và xuất khẩu (các trung tâm công nghiệp như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương… cũng đều tăng trưởng thấp và âm) chứ không phải do tăng trưởng đầu tư công thấp. Yếu tố này chỉ chiếm một phần. 

TPHCM là trung tâm dịch vụ của cả nước, tỉ trọng dịch vụ và tiêu dùng của TPHCM ngang ngửa các nước phát triển trên thế giới nhưng tại sao lĩnh vực này lại tăng trưởng thấp? Nếu không thúc đẩy tiêu dùng của TPHCM thì không thể tăng trưởng kinh tế trong các quý tiếp theo được. 

Ngoài việc đánh giá lại các yếu tố then chốt như vừa nói, cần so sánh với các tỉnh, thành trên cả nước để tìm ra nguyên nhân khiến TPHCM tăng trưởng thấp. Cùng một môi trường, thể chế giải ngân đầu tư công nhưng tại sao Hải Phòng, Quảng Ninh tăng trưởng đến 10%, Hậu Giang tăng trưởng tới 12%. Đó là do các ngành dịch vụ, chế tạo công nghiệp, xuất nhập khẩu, thu hút FDI của các tỉnh, thành này đều tăng và khôi phục mạnh mẽ sau dịch. 

Nhiều tập đoàn nước ngoài lớn đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam
Nhiều tập đoàn nước ngoài lớn đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam

Quý vừa qua, cả nước có 60.000 DN tạm ngừng hoạt động, hơn 4.600 DN giải thể. TPHCM dẫn đầu cả nước về số lượng DN, nên cần coi lại mình có bao nhiêu DN giải thể, nằm ở lĩnh vực nào, quy mô như thế nào, vì sao giải thể. Chỉ đổ lỗi hoàn toàn cho tình hình kinh tế thế giới là không ổn, bởi trong năm 2021 và 2022, kinh tế thế giới còn khó khăn hơn. UBND TPHCM chỉ mới phân tích được nguyên nhân mà chưa đi sâu vào phân tích tại sao lại có nguyên nhân như vậy. Làm rõ vấn đề này, mới tìm ra được giải pháp hiệu quả. 

Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM: Đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng nội địa

Giải pháp kích cầu tiêu dùng tốt nhất hiện nay là Nhà nước hỗ trợ cho hoạt động tiêu thụ hàng hóa của DN thông qua các chương trình kết nối giao thương, kết nối cung cầu; nhà sản xuất, đơn vị cung ứng gặp trực tiếp các hệ thống phân phối để giới thiệu hàng hóa tới người tiêu dùng nhanh chóng nhất.

Việc kết nối này cũng giúp giảm chi phí nghiên cứu thị trường, tìm nguồn hàng phân phối. Khi chi phí của cả DN cung ứng và DN phân phối giảm thì giá cả hàng hóa đến tay người tiêu dùng tốt hơn. Trước tình trạng sức mua thấp hiện nay, việc tăng giá sản phẩm sẽ tác động lớn đến việc tiêu thụ hàng hóa. Do đó, DN cần nỗ lực giữ giá, phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước tham gia các chương trình kích cầu, giảm giá sản phẩm để cải thiện sức mua. 

Ông Phạm Hải Long - Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm, Nông sản xuất khẩu Sài Gòn (Agrex Sài Gòn): Các chính sách hỗ trợ giúp ích rất nhiều cho doanh nghiệp

Trong thời điểm khó khăn, chúng tôi tận dụng tối đa mọi chính sách hỗ trợ của chính quyền TPHCM và Chính phủ. Chẳng hạn, khuôn viên nhà máy, văn phòng có tổng diện tích hơn 2ha nên chi phí thuê đất rất lớn, nhưng nhờ được ưu đãi tiền thuê đất ổn định trong suốt 5 năm, sau dịch COVID-19 còn được giãn tiền thuê đất trong 6 tháng nên Agrex Sài Gòn đỡ được một khoản chi lớn. 

Trong bối cảnh lãi suất cho vay bằng tiền đồng đang tăng cao (15 - 16%/năm), lãi vay ngoại tệ tăng lên 8%/năm, nhờ chương trình kết nối ngân hàng - DN của TPHCM mà Agrex Sài Gòn được vay bằng tiền đồng với lãi suất chỉ 10%/năm, ngoại tệ chỉ 6%/năm. Bên cạnh đó, chi phí điện nước của Agrex Sài Gòn cũng được ưu đãi, thủ tục hải quan luôn được giải quyết nhanh chóng.

Khó khăn lớn nhất của chúng tôi hiện nay là đơn hàng sụt giảm. Do nhu cầu tiêu dùng ở Mỹ, châu Âu, Nhật sụt giảm nên đơn hàng xuất khẩu của Agrex Sài Gòn đã giảm khoảng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhà máy chỉ duy trì 40 - 50% công suất, kéo theo mọi chỉ tiêu lợi nhuận, chế độ lương, thưởng của người lao động cũng phải điều chỉnh để cầm cự, duy trì hoạt động. Dự báo, tình trạng đơn hàng đứt gãy sẽ kéo dài ít nhất đến tháng 6/2023 nên công ty buộc phải ứng dụng công nghệ hiện đại để thích ứng. 

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương: Cần vai trò “bà đỡ” của Nhà nước

Lúc này, cần phát huy mạnh mẽ vai trò “bà đỡ” của Nhà nước với gói cứu trợ DN nhỏ và vừa, người lao động bị mất và giảm việc làm. Cần giảm thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập DN, hoãn trả tín dụng đối với những DN gặp khó, thúc đẩy việc kết nối với các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long để khôi phục, đẩy mạnh công nghiệp chế tác và xuất khẩu. 

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh giải ngân đầu tư công vào những công trình trọng điểm để tạo thuận lợi cho đầu tư của khối tư nhân. UBND các quận, huyện cần giúp đỡ khôi phục và phát triển kinh tế hộ gia đình. Cần đẩy mạnh chuyển đổi sang kinh tế số, xây dựng xã hội số, DN số, công dân số. Khâu then chốt là cải cách thể chế, đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, công khai hóa, minh bạch hóa mọi hoạt động, cắt giảm những chi phí “bôi trơn”, chi phí ngoài pháp luật của DN, cắt giảm những bộ máy kém hiệu quả, các cuộc họp hành không cần thiết. 

Thanh Hoa - Nguyễn Cẩm (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI