Gỡ khó tiến độ các dự án cao tốc tại ĐBSCL

20/11/2024 - 20:17

PNO - Chiều 20/11, tại Sóc Trăng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm việc với các địa phương có dự án cao tốc đi qua tại khu vực ĐBSCL để gỡ những khó khăn đang vướng phải.

Hiện nay, khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang triển khai 4 dự án đường bộ cao tốc gồm: Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau; dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu; dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh.

Đến nay, 3/4 dự án đang tổ chức thi công, dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh (vốn ODA Hàn Quốc) do Bộ GTVT làm cơ quan chủ quản đang hoàn thiện thủ tục, dự kiến khởi công đầu năm 2025.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kiểm tra tiến độ các dự án cao tốc để gỡ vướng những khó khăn đang gặp phải - Ảnh Anh Hào
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kiểm tra tiến độ các dự án cao tốc để gỡ vướng những khó khăn đang gặp phải - Ảnh Anh Hào

Về tiến độ thi công, dự án Cần Thơ - Cà Mau đạt 50% kế hoạch; dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua An Giang đạt 35,9%, đoạn qua Cần Thơ đạt 16,4%, đoạn qua Hậu Giang đạt 26%, đoạn qua Sóc Trăng đạt 14,5%, dự án Cao Lãnh - An Hữu đoạn qua Đồng Tháp đạt 44%, đoạn qua Tiền Giang đang đào hữu cơ, đường công vụ.

Công tác giải phóng mặt bằng tại các dự án cao tốc cơ bản đáp ứng tiến độ triển khai thi công, điển hình như dự án Cần Thơ - Cà Mau đạt 99,9%; dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đạt 99%; dự án Cao Lãnh - An Hữu đạt 100%.

Về vật liệu cát, đến nay, đã xác định nguồn cung ứng với tổng trữ lượng khoảng 56,75 triệu m3/nhu cầu 54,45 triệu m3 cho 4 dự án (tỉnh Tiền Giang 3,95 triệu m3; tỉnh Bến Tre 5,4 triệu m3; tỉnh Vĩnh Long 3,8 triệu m3; tỉnh Sóc Trăng 12,1 triệu m3 bao gồm cả 5,5 triệu m3 cát biển; tỉnh Đồng Tháp 9,6 triệu m3; tỉnh An Giang 18,1 triệu m3).

Trong đó đã đủ điều kiện khai thác khoảng 38,4 triệu m3, đang hoàn thiện thủ tục cung ứng cho 18,35 triệu m3, chưa xác định được nguồn 7,45 triệu m3.

Tuy nhiên, việc cung ứng vật liệu cát cho các dự án vẫn còn một số khó khăn vướng mắc như công suất khai thác của các mỏ hạn chế, chưa đáp ứng tiến độ thi công; việc triển khai thủ tục cấp phép các mỏ ở Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng chưa đáp ứng được tiến độ thi công; nhiều mỏ tại tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng khi khảo sát, đánh giá chất lượng, trữ lượng không đáp ứng yêu cầu; công suất khai thác rất hạn chế.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc - Ảnh VGP/Đình Nam
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc - Ảnh VGP/Đình Nam

Ông Nguyễn Văn Vĩnh - Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, một trong những khó khăn là việc tính toán giá bán của các mỏ cát thương mại khi cung cấp cho các dự án cao tốc theo cơ chế đặc thù. Tiền Giang sẽ thực hiện cấp phép khai thác thêm những mỏ cát mới để bảo đảm cung cấp đủ 3,25 triệu m3.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Minh Thúy - Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, tỉnh đang tiến hành hoàn thành thủ tục xử lý để cấp phép khai thác lại 7 khu vực để bù đắp cho khối lượng cát còn thiếu so với chỉ tiêu được Chính phủ giao là 3 triệu m3.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, dù không thực hiện đánh giá tác động môi trường đối với những mỏ thực hiện theo cơ chế đặc thù, nhưng các địa phương phải lắp đặt thiết bị quan trắc, giám sát, sử dụng công cụ, mô hình tính toán, công nghệ kỹ thuật để xác định độ sâu khai thác mỏ cát, bảo đảm an toàn môi trường, không gây ra sạt lở. Hoạt động thăm dò, đánh giá trữ lượng, chất lượng và tổ chức khai thác mỏ cát phải gắn với trách nhiệm của các ban quản lý dự án, nhà thầu.

Phó Thủ tướng đề nghị doanh nghiệp khai thác, nhà thầu, địa phương, các bộ ngành liên quan cùng làm việc, thống nhất phương án trên nguyên tắc “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, để gỡ nút thắt về giá cung cấp cát từ các mỏ đầy đủ cho dự án cao tốc.

Phú Hữu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI