Gỡ khó cho khai thác cát biển làm nền đường cao tốc ở ĐBSCL

13/06/2024 - 15:24

PNO - Theo văn bản trả lời mới nhất của Bộ TN&MT thì tỉnh Sóc Trăng đã có cơ sở cho việc khai thác cát biển làm nền đường cao tốc.

Ngày 13/6, ông Trần Văn Lâu - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng - cho biết, tỉnh đã nhận được văn bản số 3766 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) về việc quản lý, cấp phép khai thác cát biển phục vụ các dự án được áp dụng cơ chế đặc thù theo Nghị quyết của Quốc hội.

Theo văn bản trả lời mới nhất của Bộ TN&MT, thì tỉnh Sóc Trăng đã có cơ sở cho việc khai thác cát biển làm nền đường cao tốc.

ông Trần Văn Lâu - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, tỉnh đã nhận được văn bản s
Ông Trần Văn Lâu - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng (chỉ tay) - trong chuyến kiểm tra tiến độ đường cao tốc đi qua địa bàn tỉnh

Theo ông Lâu, trước đây, Sóc Trăng lấn cấn việc không có thẩm quyền cho khai thác cát biển vùng biển ngoài phạm vi 6 hải lý. Tuy nhiên, Bộ TN&MT vừa có văn bản nêu rõ, theo Điều 82 của Luật Khoáng sản, thì tỉnh Sóc Trăng có thể cho các nhà thầu thăm dò, khai thác, cấp phép khai thác cát biển trong và ngoài 6 hải lý.

Trên cơ sở văn bản của Bộ TN&MT, tỉnh Sóc Trăng sẽ tiếp nhận đơn yêu cầu của các nhà thầu có dự án cao tốc nằm trong 21 gói thầu theo Nghị quyết 106 của Quốc hội về cơ chế đặc thù.

Ngay sau đó, tỉnh Sóc Trăng sẽ xác định khối lượng, tọa độ… rồi đề nghị Bộ TN&MT giao vùng cát biển cho tỉnh. Trên cơ sở này, tỉnh sẽ cấp quyền khai thác cát biển cho nhà thầu.

Ngoài ra, tỉnh Sóc Trăng thành lập hội đồng xét duyệt hồ sơ của các nhà thầu; tất cả các khâu được làm chặt chẽ, đúng qui định…

Gần đây, Chính phủ và Bộ TN&MT liên tiếp có những văn bản với nội dung hỗ trợ, tạo điều kiện cho tỉnh Sóc Trăng có đầy đủ cơ sở pháp lý trong việc cấp phép cho nhà thầu khai thác cát biển, nhằm phục vụ các công trình trọng điểm quốc gia.

Đây là những dự án phục vụ cho người dân, cho đất nước, góp phần đặc biệt trong việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo được an sinh xã hội.

Dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn Cần Thơ – Cà Mau không đi qua tỉnh Sóc Trăng. Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng và các sở ngành đã làm việc rất trách nhiệm, cùng nhau làm hết sức mình để sớm đưa cát trong vùng biển của tỉnh phục vụ dự án trọng điểm quốc gia.

Từ sự quan tâm đó, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh Sóc Trăng thông qua nghị quyết về giao mỏ cát biển khu B1 cho nhà thầu thi công dự án đường cao tốc. UBND tỉnh cũng đã gửi văn bản đến 27 tỉnh, thành về việc đăng ký nhu cầu sử dụng cát biển phục vụ các dự án được áp dụng cơ chế đặc thù theo Nghị quyết của Quốc hội.

Sóc Trăng là địa phương có nguồn cát biển lớn
Sóc Trăng là địa phương có nguồn cát biển lớn

Mới đây, UBND tỉnh Sóc Trăng có buổi làm việc với Ban Quản lý dự án (QLDA) Mỹ Thuận về thực hiện thủ tục khai thác mỏ cát biển theo cơ chế đặc thù.

Tại buổi làm việc, ông Trần Văn Thi - Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận - kiến nghị UBND tỉnh Sóc Trăng xem xét cấp bản xác nhận cho nhà thầu tổ chức khai thác cát biển phục vụ dự án cao tốc đoạn Hậu Giang – Cà Mau. Khối lượng cát biển được đề xuất khai thác là 6 triệu m3, phạm vi sử dụng cát biển qua các tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau.

Ban QLDA Mỹ Thuận cho rằng, thời điểm hiện tại, thời tiết rất thuận lợi cho việc khai thác mỏ cát biển để đáp ứng nhu cầu cấp bách nguồn cát cho dự án. Nếu kéo dài đến tháng 10, tháng 11, vùng biển sẽ xuất hiện gió chướng mạnh không thể triển khai phương tiện khai thác.

Việc chậm trễ khai thác sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến độ dự án và có nguy cơ không hoàn thành tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ…

Văn Lương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI