Gỡ khó cho Hãng phim truyện Việt Nam từ đâu?

21/03/2023 - 19:44

PNO - Mới đây, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã triệu tập cuộc họp với các bộ ngành chức năng tìm phương án cho trụ sở hãng Phim truyện Việt Nam (VFS) với yêu cầu hoàn thành trước 23/3.

7 năm lùm xùm kéo dài

Trước đó, hôm 15/3, trong dịp kỷ niệm 70 năm Điện ảnh cách mạng Việt Nam, Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Trà Giang bày tỏ sự đau lòng trước cảnh đổ nát, hoang tàn của xưởng phim từng có 600 nhân sự cùng làm việc, sản xuất hàng chục phim mỗi năm.

Lùm xùm ở VFS kéo dài 7 năm qua, từ khi VFS thực hiện cổ phần hóa và công ty vận tải thủy Vivaso hoàn tất việc mua lại hãng phim. Chỉ 3 tháng sau, căng thẳng xảy ra khi nhiều nhân viên, nghệ sĩ bị chậm lương, hãng không có định hướng làm phim… Tháng 9/2018, Thanh tra Chính phủ kết luận việc cổ phần hóa VFS có nhiều sai phạm.
Sau đó, Vivaso xin thoái vốn, nhưng đến nay quá trình này chưa hoàn tất. Trong những năm qua, nghệ sĩ và đơn vị này xảy ra nhiều mâu thuẫn về việc bị cắt lương, bảo hiểm xã hội đến mức nghệ sĩ từng giăng băng rôn chất vấn về việc này. Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) từng phải vào cuộc hòa giải.

Nhiều vấn đề tại VFS đã kéo dài  7 năm qua, từ khi hãng phim được cổ phần hóa, Vivaso mua lại - ẢNH: INTERNET
Nhiều vấn đề tại VFS đã kéo dài 7 năm qua, từ khi hãng phim được cổ phần hóa, Vivaso mua lại - ẢNH: INTERNET

 

Cuối năm 2022, NSND Nguyễn Thanh Vân - nguyên Phó giám đốc VFS - cho biết, 300 phim lưu trữ tại hãng bị hỏng. Ông mô tả, từ khi cổ phần hóa, VFS là một cái xác không hồn, vì không đủ tư cách pháp nhân. Phòng tài vụ của hãng đã giải tán. Chỉ còn một vài cá nhân làm việc ở phòng hành chính, bảo vệ, chức năng (phụ trách thiết bị) để giữ hãng. Nghệ sĩ rời hãng đi làm nhiều việc khác để đảm bảo cuộc sống, thậm chí có người chuyển nghề, buôn bán online. “Tôi lấy làm tiếc vì đây là đội ngũ có kỹ năng, được đào tạo bài bản” - ông tâm sự.

“Bao nhiêu năm trong kháng chiến, cách mạng, chúng ta vượt khó để tạo dựng được thương hiệu cho điện ảnh Việt, ở đây là Hãng phim truyện Việt Nam. Nếu đánh mất thương hiệu là điều đáng tiếc vô cùng. Nhưng cứ nhìn về phía sau mãi thì cũng đâu giúp ích được gì”.

Nghệ sĩ nhân dân Đặng Xuân Hải 

Về việc thoái vốn của Vivaso - mấu chốt đầu tiên của vấn đề - các nghệ sĩ cho rằng, Bộ VHTTDL và các bộ ngành liên quan sẽ có câu trả lời xác đáng nhất.

NSND Nguyễn Thanh Vân cho rằng, hãng phim không chỉ là đơn vị sản xuất mà còn là nơi có ý nghĩa về mặt lịch sử. Trong đó, những phim đang được lưu trữ đều là tư liệu quý, cần được gìn giữ. Ông nói việc cần làm trước tiên ở thời điểm này là giải quyết vấn đề của 300 cuộn phim đang trong tình trạng hỏng hóc. Phòng lưu trữ này không có máy lạnh - điều kiện cơ bản nhất để bảo quản. Thời tiết thường xuyên thay đổi sẽ càng khiến những thước phim quý hư hỏng ngày một nặng hơn.

Cuối năm 2022, NSND Nguyễn Thanh Vân đã gửi đơn khẩn cấp lên Bộ VHTTDL nhưng hiện chưa nhận được câu trả lời cụ thể. Theo đó, các nghệ sĩ mong muốn mời chuyên gia đánh giá lại kho phim này, khả năng phục hồi là bao nhiêu?

Chỉ ra được vướng mắc thì phải giải quyết triệt để 

Những sai phạm tại hãng phim đã có kết luận của thanh tra thì việc cần làm là thượng tôn pháp luật, giải quyết triệt để. Tiếp đến, cần tìm một mô hình hoạt động phù hợp hơn với hãng phim truyện trong thời điểm hiện tại bởi cách vận hành cũ không còn phù hợp. Ông lấy ví dụ về hãng Mosfilm của Nga cũng từng có những vấn đề tương tự VFS, nhưng đã tìm được lối ra để tồn tại, phát triển, thì đây là điều đáng nghiên cứu, học hỏi.

Ông nhấn mạnh: “Để có được mô hình này thì cần người lãnh đạo, quản lý văn hóa, điện ảnh có tâm và tầm nhìn. Chỉ có 1 trong 2 yếu tố này thì không thể làm được. Muốn cắt đứt di sản của quá khứ, rất dễ dàng. Còn muốn kết nối để tiếp tục phát triển thì rất khó”.

Khi nhận được cuộc gọi từ phóng viên, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng xin từ chối, không muốn trả lời. Anh nói nhiều năm qua đã từng lên tiếng về vụ việc nên hiện tại không muốn nói thêm. “Tôi là dân làm nghề, chỉ muốn tập trung chuyên môn” - nam đạo diễn nói. Việc “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” lặp lại và không ít nghệ sĩ gạo cội, thậm chí người trong cuộc cũng ngại chia sẻ về vấn đề hiện tại của VFS.

Cuối tháng 12/2022, trả lời về việc 300 phim bị hư hỏng nặng ở VFS, ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh - cho biết, bản gốc của chúng đều được lưu trữ, bảo quản ở Viện phim Việt Nam. Tuy nhiên, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân cho rằng, tài sản của hãng phim cũng cần được bảo quản. Những năm trước, VFS có thực hiện số hóa để lưu trữ, nhưng chưa thống kê được đầy đủ số lượng đã số hóa trong 300 phim trên là bao nhiêu.

Đạo diễn - NSND Đặng Xuân Hải - nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam - cho biết, ông hiểu tâm lý này của anh em nghệ sĩ vì chính ông cũng từng đã có tâm lý ấy. Ông nhớ lại cách đây hơn 3 năm, thời còn đương nhiệm chức Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, ông đã ký đơn gửi đến Thủ tướng Chính phủ mong cơ quan chức năng rà soát, thanh tra thực trạng tồn đọng tại VFS. Đến nay, khi đã rời chức vụ, tình trạng vẫn chưa chuyển biến. Tuy nhiên, theo NSND Đặng Xuân Hải, bây giờ không còn là thời điểm để nghệ sĩ than khóc, kể khổ hay cứ mãi xót tiếc về những ngày tháng đã qua, mà đây là lúc ngồi lại cùng nhau để tìm phương án giải quyết vụ việc, tìm đường đi lâu dài.

“Theo tôi, bây giờ nên cơ cấu lại những đơn vị, cơ quan trực thuộc điện ảnh nhà nước như Rạp chiếu phim quốc gia, hãng phim truyện, đơn vị phát hành phim quốc gia… thành một nơi tạm đặt tên là Trung tâm Điện ảnh quốc gia, chịu trách nhiệm tất cả các khâu từ gọi vốn, sản xuất đến tìm đầu ra cho sản phẩm. Đơn vị này sẽ do Bộ VHTTDL quản lý” - ông nói. 

300 cuốn phim được lưu trữ tại hãng trong tình trạng hỏng hóc vì không được bảo quản tốt khiến Nghệ sĩ nhân dân Thanh Vân phải lên tiếng kêu cứu vào tháng 12/2022
300 cuốn phim được lưu trữ tại hãng trong tình trạng hỏng hóc vì không được bảo quản tốt khiến Nghệ sĩ nhân dân Thanh Vân phải lên tiếng kêu cứu vào tháng 12/2022

Bên cạnh đó, NSND Đặng Xuân Hải cho rằng nên tổ chức một hội thảo để bàn xem liệu cần cơ cấu lại hoạt động của các đơn vị thuộc điện ảnh nhà nước như thế nào. Điện ảnh của một quốc gia không thể tách rời hoạt động như hiện tại - một bên sản xuất, một bên khác phát hành và nếu không phát hành hiệu quả lại mang về cất kho. Quá trình cơ cấu này, ông cho rằng không mất nhiều thời gian mà chỉ cần sự chung tay, làm quyết liệt, mạnh mẽ. Nhà nước chỉ cần có cơ chế hỗ trợ hoạt động trong 2, 3 năm đầu.
Hiện các phòng chức năng, các khối nhà trong VFS đều xuống cấp nghiêm trọng. Một số nơi đổ nát, rễ cây cắm sâu vào tường. Vì thế, việc tu sửa cũng là điều quan trọng không kém. NSND Minh Châu mong muốn các cơ quan hữu quan, khi đã xác định cần giải quyết vấn đề thì phải thực hiện nhanh chóng, không để kéo dài như những năm qua. Tuy nhiên, bà cũng nhận thấy khó khăn trong việc giải quyết này là vấn đề kinh phí cho mọi khâu để tái cấu trúc, xây dựng.

NSND Minh Châu phân tích thêm: Để một hãng phim được hoạt động, tồn tại thì chất lượng phim, sự đón nhận của khán giả cũng là điều rất quan trọng. Cơ quan quản lý cần có cơ chế, chính sách phù hợp, còn nghệ sĩ nên đóng góp sức lực để tạo ra tác phẩm tốt. Theo bà, hãy bắt tay vào làm, thay vì chỉ nói rồi để đó.

Một vấn đề lớn khiến các nghệ sĩ trăn trở là nhân lực, bởi không có con người thì không thể vận hành. NSND Thanh Vân nói thêm, trong 7 năm qua, nhiều nghệ sĩ kỳ cựu đã về hưu. Thế hệ của ông, hiện cũng gần về hưu, nên khó có thể làm được gì nhiều nữa. Thế hệ đi sau ông chỉ còn một ít bám trụ, nhưng những năm qua không có cơ hội làm nghề. “Một cái cây 7 năm không tưới nước thì làm sao sống, phát triển được. Sự đứt gãy nguồn nhân lực hiện khiến các anh chị em nghệ sĩ rất đau xót” - NSND Thanh Vân chia sẻ. Việc tái cơ cấu về nhân sự để đưa hãng phim hoạt động trở lại cũng là câu chuyện cấp bách.

Thành Lâm - Diễm Mi

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI