Chưa dám “bung ra” để phát triển
Từ năm 2000, Công ty TNHH Tư vấn đại học (ĐH) xây dựng thuộc Trường ĐH Xây dựng đã được thành lập. Năm 2008, Công ty TNHH một thành viên (MTV) Đầu tư và Phát triển công nghệ bách khoa Hà Nội (BK-Holdings) thuộc ĐH Bách khoa Hà Nội, Công ty TNHH Khoa học tự nhiên thuộc Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội cũng đã được thành lập… Trường ĐH Cần Thơ cũng thành lập Công ty TNHH MTV Khoa học - Công nghệ năm 2016. Công ty cổ phần Khoa học Công nghệ Bách khoa TPHCM thuộc Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TPHCM thành lập năm 2018. Công ty TNHH Dịch vụ khoa học và Du lịch văn khoa thuộc Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐH Quốc gia TPHCM thành lập năm 2019…
|
BK-Holdings và HUSTA Japan (câu lạc bộ CEO gồm 13 doanh nghiệp của các cựu sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội tại Nhật Bản) ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác - Ảnh: B.K.H. |
Sau 16 năm hoạt động, BK-Holdings được đánh giá là một trong những doanh nghiệp (DN) khoa học công nghệ thuộc trường ĐH hoạt động hiệu quả nhất. BK-Holdings đang hoạt động trong 3 lĩnh vực chính là giáo dục, công nghệ, và đổi mới sáng tạo; có hơn 10 DN thành viên và liên kết, 3 địa điểm thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại Hà Nội, Đà Nẵng; là đối tác quốc tế của gần 40 quốc gia…
Mỗi năm, ĐH Bách khoa Hà Nội thực hiện khoảng 400 đề tài nghiên cứu về khoa học và công nghệ, trong đó có khoảng 200 đề tài nghiên cứu ứng dụng. Tuy nhiên, ĐH này không có tư cách pháp nhân để đấu thầu, áp dụng và thương mại hóa những đề tài nghiên cứu có tiềm năng ứng dụng. Theo tiến sĩ Nguyễn Trung Dũng - Tổng giám đốc BK-Holdings - việc thành lập BK-Holdings đã từng bước giúp những nghiên cứu khoa học của giảng viên, sinh viên trở thành sản phẩm phục vụ đời sống, mang lại giá trị kinh tế. BK-Holdings còn tham gia nhiều đề án quốc gia khác.
Trường ĐH Công Thương TPHCM có 3 công ty trực thuộc gồm: Công ty Dịch vụ tài chính - kế toán HUFI, Công ty Du lịch HUFI, Công ty FoodTech. Ông Thái Doãn Thanh - Phó hiệu trưởng nhà trường - cho biết, các công ty chủ yếu hoạt động nhằm hỗ trợ sinh viên, giảng viên, nhà nghiên cứu của trường. Ví dụ, Công ty FoodTech là đơn vị chuyển giao, thương mại hóa công nghệ, nghiên cứu của sinh viên, giảng viên, nhà khoa học của trường với các đối tác.
Dù có lợi thế với rất nhiều sản phẩm, công nghệ được sinh viên, giảng viên nghiên cứu nhưng công ty chỉ dừng lại ở mức độ chuyển giao chứ không thể đẩy mạnh sản xuất, phát triển mạnh mẽ như các DN ngoài trường do hạn chế về quy mô, nguồn vốn, nhân sự. Doanh thu và lợi nhuận của các công ty không lớn vì chưa dám “bung ra” để phát triển.
Cần cơ chế, chính sách linh hoạt hơn
Nhiều ý kiến cho rằng, hệ thống chính sách về mô hình công ty thuộc trường ĐH chưa hoàn thiện nên cơ quan quản lý, DN, nhà trường gặp nhiều khó khăn khi vận dụng các quy định hiện hành. Ví dụ: chưa có chính sách rõ ràng, nhất quán về vốn và huy động vốn nên việc đầu tư tăng vốn cho công ty từ chủ sở hữu không thể thực hiện; pháp luật hiện hành quy định cán bộ viên chức không được làm chủ DN trong khi các cơ sở giáo dục ĐH mong muốn chủ DN trực thuộc phải là cán bộ của trường để đảm bảo các vấn đề chuyên môn, đặc thù.
Theo tiến sĩ Trần Quốc Bình - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội - việc thành lập DN còn gặp nhiều vướng mắc. Nguồn vốn để thành lập DN trong nhiều trường hợp không thể tách bạch giữa vốn riêng của nhà trường và vốn có nguồn gốc từ ngân sách. Việc định giá các tài sản trí tuệ được ngân sách đầu tư cũng khó. Do các tài sản này đều là những sản phẩm khoa học - công nghệ đặc thù, giá trị chỉ xác định được sau khi triển khai trên thị trường.
Quy định về việc DN trong trường ĐH khai thác cơ sở vật chất, mặt bằng cũng như trang thiết bị là tài sản công cũng chưa được cụ thể… Theo ông, cần có những quy định rõ ràng về việc thành lập DN ở trường ĐH, đặc biệt trong bối cảnh đang có nhiều chủ trương đẩy mạnh đổi mới sáng tạo trong các cơ sở nghiên cứu, giáo dục ĐH.
Tại Diễn đàn đổi mới sáng tạo quốc gia 2024 mới đây, tiến sĩ Nguyễn Hữu Đức - Tổ trưởng tổ tư vấn Ủy ban Quốc gia về GD-ĐT - khẳng định, đổi mới sáng tạo ngày càng trở nên quan trọng và là tiêu chí đánh giá sự phát triển bền vững của quốc gia. Nếu các trường không có năng lực đổi mới sáng tạo thì giáo dục ĐH và khoa học công nghệ không trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, không có khả năng vốn hóa tri thức, gia tăng giá trị, và nền kinh tế không có được chất xúc tác từ ĐH, quốc gia không có động lực để phát triển.
Tiến sĩ Nguyễn Trung Dũng - ông đồng thời là Chủ tịch Mạng lưới Trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp các trường ĐH, cao đẳng tại Việt Nam (VNEI) - cho rằng, trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp quốc gia, hình bóng của các trường ĐH còn rất mờ nhạt. Trong khi các trung tâm ươm mầm, đổi mới sáng tạo chính là hạt nhân để các cơ sở giáo dục ĐH xây dựng và phát triển DN nói chung và DN khoa học công nghệ nói riêng. Ông kiến nghị, cần có các cơ chế, chính sách linh hoạt và hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ để khuyến khích các hoạt động chuyển giao công nghệ từ nghiên cứu cơ bản đến ứng dụng thực tiễn trong sản xuất, kinh doanh.
Minh Tuệ - Nguyễn Loan