Gỡ khó cho các trường sư phạm

24/12/2018 - 06:10

PNO - Theo Bộ GD-ĐT, cả nước hiện có hơn 35.000 giáo viên phổ thông dư thừa và còn khoảng 10.000 sinh viên sư phạm sắp ra trường có nguy cơ thất nghiệp nhưng lại thiếu 76.000 giáo viên so với nhu cầu sử dụng theo định mức.

Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam vừa có kiến nghị quan trọng gửi Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch các trường sư phạm. Ông Lê Viết Khuyến, Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục đại học, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã có những chia sẻ với phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM về những nội dung quan trọng của bản kiến nghị này.

Phóng viên: Lý do nào khiến hiệp hội gửi kiến nghị đến Thủ tướng về quy hoạch các trường sư phạm, thưa ông?

Ông Lê Viết Khuyến: Có nhiều lý do, trong đó có vấn đề bức xúc đối với công tác đào tạo giáo viên phổ thông hiện nay. Đó là hiện tượng thừa - thiếu giáo viên, giáo viên thiếu ở một số nơi nhưng lại thừa ở những nơi khác, thừa đối với một số môn nhưng lại thiếu ở những môn khác.

Theo thống kê mới nhất của Bộ GD-ĐT, cả nước hiện có hơn 35.000 giáo viên phổ thông dư thừa và còn khoảng 10.000 sinh viên sư phạm sắp ra trường có nguy cơ thất nghiệp. Sư phạm đứng đầu danh sách những ngành có nguy cơ thất nghiệp, nhưng cũng rất ấn tượng với thông tin thiếu 76.000 giáo viên so với nhu cầu sử dụng theo định mức.

Năm học 2018-2019, có 28 tỉnh, thành cần tuyển giáo viên nhưng không được giao chỉ tiêu tuyển mới. Chúng ta sắp đưa chương trình, sách giáo khoa mới vào giảng dạy, triển khai giáo dục toàn diện (nhạc, họa, ngoại ngữ…), nỗ lực giảm quy mô học sinh trong một lớp học và thực hiện học hai buổi một ngày. Điều này đòi hỏi nhiều giáo viên hơn, đa dạng hơn. 

Go kho cho cac truong su pham
Ông Lê Viết Khuyến, Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục đại học, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam 

Nhiều năm qua đã có hiện tượng sinh viên không muốn học ngành sư phạm. Vì không tuyển sinh được nên nhiều trường sư phạm phải sáp nhập, như Trường cao đẳng (CĐ) sư phạm Hà Nam, Lào Cai, Long An... trở thành phân hiệu trường đại học (ĐH) sư phạm hoặc ĐH đa lĩnh vực. 

Trạng giảng viên của trường CĐ sư phạm không được giữ lại khoảng 60%. Một số trường CĐ sư phạm khác như Cà Mau, Bến Tre... được sáp nhập với các trường CĐ khác thì ngành sư phạm được nhìn nhận như các nghề nghiệp khác do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý, Bộ GD-ĐT thôi không giao nhiệm vụ đào tạo bồi dưỡng giáo viên, dẫn đến giảng viên sư phạm thuộc cơ sở mới sáp nhập rơi vào tình trạng không có việc làm. 

Nhìn chung giảng viên, cán bộ thuộc các trường CĐ sư phạm đang lo lắng, không yên tâm; nhà trường mong đợi chỉ đạo thận trọng, thống nhất của Bộ GD-ĐT.

* Theo ông, đâu là nguyên nhân chính của tình trạng này?

- Đó là do quản lý nhà nước về giáo dục bị cắt khúc, chồng chéo. Cụ thể, Bộ GD-ĐT và UBND các tỉnh, thành là chủ thể tổ chức đào tạo giáo viên, nay lại thêm cả Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (do sáp nhập các trường sư phạm vào cơ sở giáo dục nghề nghiệp). Trong khi đó, Bộ Nội vụ, Sở Nội vụ mới có quyền bố trí chỉ tiêu và tuyển dụng giáo viên.

Thêm vào đó, công tác quy hoạch, dự báo từ trung ương đến địa phương rất hạn chế, thiếu chính xác, thiếu chủ động. Công tác đào tạo giáo viên bị thị trường hóa, mất kiểm soát, có quá nhiều (155) cơ sở giáo dục tham gia đào tạo giáo viên. Các trường này lại đều tăng quy mô để có nguồn thu cho hoạt động của trường, ít quan tâm đến năng lực và cơ hội việc làm của người học.

Go kho cho cac truong su pham

Nhiều trường tại tỉnh Hà Tĩnh đang chịu áp lực lớn do tình trạng thiếu giáo viên

* Để giải bài toán khó cho các trường sư phạm, chúng ta cần phải làm gì, thưa ông?

- Chúng tôi đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GD-ĐT sớm hoàn thành quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo giáo viên phổ thông, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Còn trong khi chưa phê duyệt mạng lưới, xin Thủ tướng chỉ đạo Bộ GD-ĐT và các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố liên quan chưa  sáp nhập các trường sư phạm với các đơn vị khác thuộc thẩm quyền. 

Khuyến khích các trường sư phạm thành lập trường phổ thông liên cấp thực hành và tự chủ về tài chính. Đơn vị sư phạm có đề án chuyển đổi sang mô hình tự chủ theo Nghị định 16 của Chính phủ có tính khả thi thì không thuộc đối tượng sáp nhập.

Chúng tôi cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ GD-ĐT điều tiết chỉ tiêu tuyển sinh theo hướng dành phần lớn chỉ tiêu đào tạo bồi dưỡng giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học cho các trường CĐ sư phạm.

* Xin cảm ơn ông.

Dung Nhi (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI