"Gỡ" gánh nặng tâm lý khi học trực tuyến kéo dài

21/10/2021 - 19:08

PNO - Do bị ảnh hưởng từ dịch COVID-19, có học sinh xuất hiện tình trạng bất ổn về tâm lý và tự hành hạ bản thân khiến phụ huynh rất lo.

Khi bắt đầu năm học mới, cùng thời điểm giãn cách xã hội ở nhiều địa phương nên học sinh phải học online. Học trực tuyến cùng với việc không được ra ngoài, thiếu tương tác đã khiến nhiều học sinh gặp vấn đề về tâm lý.

Học sinh gặp vấn đề về tâm lý khi hoc trực tuyến kéo dài (ảnh minh họa)
Nhiều học sinh gặp vấn đề về tâm lý khi học trực tuyến kéo dài 

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Minh (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) vô cùng đau đầu khi con gái xuất hiện những dấu hiệu về tâm lý bất thường. "Sau thời gian học trực tuyến, con tôi thường xuyên kêu buồn chán, chỉ muốn trốn trong phòng mà không muốn giao tiếp với ai. Có hôm tôi phát hiện con dùng thuốc ngủ và có những suy nghĩ tiêu cực.

Ban đầu, cháu chỉ cáu gắt với bố mẹ, không muốn chia sẻ, sau đó con dùng thuốc ngủ với lượng lớn và bắt đầu lặp lại hành vi hành hạ cơ thể mình nên tôi rất sợ. Vợ chồng tôi bàn nhau đưa con đến trung tâm tư vấn về tâm lý để giải quyết tình trạng trên", anh Minh nói.

Theo thạc sĩ Lê Thị Loan, nguyên Phó trưởng khoa Giáo dục Học viện Quản lý giáo dục, áp lực học tập cùng với việc phải ở nhà lâu do dịch bệnh ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý, tư tưởng của mọi người nói chung và lứa tuổi học sinh nói riêng. Với những trường hợp như nữ sinh trên, khi đang ở lứa tuổi thay đổi tâm sinh lý nên những tác động khách quan bên ngoài ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng, suy nghĩ, tâm lý, hành vi.

Các nghiên cứu gần đây cho thấy lứa tuổi học sinh, sinh viên đang phải chống chọi với những vấn đề sức khỏe tâm thần gia tăng trong đại dịch COVID-19. Giãn cách xã hội; sự gián đoạn đối với các thói quen trước đây; bố mẹ mất việc làm, không có thu nhập; việc học trực tuyến; ngắt quãng mối quan hệ với bạn bè; bạo lực gia đình… là những yếu tố rủi ro xảy ra có thể dẫn đến suy nhược sức khỏe tâm thần, khiến các bệnh tâm thần hiện có trở nên trầm trọng hơn hoặc gây ra vấn đề sức khỏe tâm thần mới.

Theo thống kê từ Bệnh viện Tâm thần Trung ương, trong số những người có biểu hiện tâm lý bất bình thường đến khám, tư vấn thời gian qua thì có đến 30% là học sinh, sinh viên.

Tại buổi tập huấn trực tuyến cho cán bộ, giáo viên các trường phổ thông về tư vấn, hỗ trợ tâm lý học sinh trong bối cảnh dịch bệnh diễn ra ngày 21/10, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh cho biết tư vấn tâm lý học đường là vấn đề quan trọng để giảm thiểu những tác động tiêu cực có thể xảy ra, góp phần xây dựng môi trường trường học an toàn thân thiện.

Việc tư vấn tâm lý cho các em cần quan tâm đến giáo dục kỹ năng sống, nhằm tăng ý chí, niềm tin, bản lĩnh, thái độ ứng xử, hoàn thiện nhân cách cho các em.

“Trước những khó khăn khủng hoảng tâm lý của học sinh trong bối cảnh COVID-19, đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ, giáo viên có kiến thức sâu về tâm lý, tư vấn tâm lý học đường, đặc biệt đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, đội ngũ cán bộ đoàn đội.

Đại dịch COVID-19 không chỉ ảnh hưởng đến các em mà còn ảnh hưởng đến các thầy cô. Do đó, các thầy cô cần cân bằng công việc, gia đình để làm tốt công tác tư vấn tâm lý cho các em trong khi thực hiện nhiệm vụ giáo dục của mình”, Thứ trưởng Ngô Thị Minh nói.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh cũng lưu ý một số nội dung cần thực hiện trong thời gian tới như cần đánh giá đúng thực trạng hậu quả gây ra do dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng đến tâm lý học đường và học sinh.

Cùng với đó, cần tập trung kỹ năng nhận diện, nhận diện được sự căng thẳng của mỗi em, xem các em đang gặp khó khăn gì. Phân tích, làm rõ những nguy cơ tổn thương, những khủng hoảng tâm lý của học sinh khi học trực tuyến, việc các em sử dụng internet, sử dụng công nghệ để áp dụng trong quá trình học trực tuyến.

Cần có chiến lược để đảm bảo an toàn cho các em trên không gian mạng trong quá trình học trực tuyến cũng như học trực tuyến kết hợp với học trực tiếp.

Tại hội thảo, các chuyên gia giáo dục cũng cùng chung nhận định, ngoài giáo viên và nhà trường thì các bậc phụ huynh phải luôn sát sao, đồng hành cùng con để phát hiện kịp thời và giúp con vượt qua các vấn đề mắc phải. 

Đại Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI