Chiều 2/11, UBND TPHCM tổ chức tọa đàm “Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác triển khai thực hiện các các nhiệm vụ trọng tâm của Đề án 06/CP (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030) trên địa bàn TPHCM”.
Tỉ lệ giải quyết hồ sơ trực tuyến đạt trên 70%
Thượng tá Lê Văn Hải - Trưởng phòng PC06, Công an TPHCM - cho biết, TP đã triển khai tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trực tuyến cho người dân trên Cổng dịch vụ công TPHCM và Cổng dịch vụ công quốc gia 11 dịch vụ công của ngành Công an đã đi vào hoạt động ổn định, tỉ lệ tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trực tuyến đạt trên 70%.
|
Quang cảnh tọa đàm |
Theo đó, đã cấp 7.620.919 hồ sơ cấp thẻ CCCD gắn chip, 5.418.171 tài khoản định danh điện tử mức 2 cho công dân đủ điều kiện phục vụ người dân thụ hưởng các tiện ích của Đề án 06.
Phối hợp triển khai 35/44 mô hình điểm, một số mô hình đã được triển khai thực tế có kết quả khả quan như: mô hình “Khám chữa bệnh sử dụng thẻ CCCD gắn chip điện tử và ứng dụng VNeID”; mô hình "Triển khai phần mềm lưu trú cho các cơ sở kinh doanh lưu trú (ASM)"...
Thượng tá Lê Văn Hải thông tin thêm, từ ngày 10/7 đến nay, UBND phường, xã, thị trấn đã tiếp nhận 2.624 hồ sơ thuộc 2 nhóm thủ tục liên thông trên phần mềm dịch vụ công liên thông. Xử lý xong 692 hồ sơ (trong đó giải quyết 691 hồ sơ nhóm liên thông khai sinh; 1 hồ sơ nhóm liên thông khai tử); số hồ sơ còn lại là số không được tiếp nhận, hồ sơ chưa được tiếp nhận, hồ sơ cần phải bổ sung, hồ sơ dừng xử lý.
Nhìn nhận vướng mắc thực tế để gỡ khó
Ông Nguyễn Triều Lưu - Trưởng phòng Hộ tịch quốc tịch, Sở Tư pháp TPHCM - nêu khó khăn thực tế: "Tôi nhận được phản ánh nhiều hồ sơ gửi yêu cầu nhưng chậm được giải quyết, có trường hợp gửi yêu cầu cấp số định danh cá nhân từ ngày 9/10, nhưng đến nay mới được giải quyết, người dân than phiền".
|
Ông Nguyễn Triều Lưu - Trưởng phòng Hộ tịch quốc tịch, Sở Tư pháp TPHCM |
Ông cho biết thêm, nếu tổng hợp lại các quy trình các kết quả giải quyết hồ sơ sẽ thấy, tỉ lệ giải quyết đăng ký thường trú trong quy trình 3 thủ tục khai sinh, thường trú, bảo hiểm xã hội là thấp nhất.
Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Triều Lưu cho rằng, hiện nay ở khâu đầu vào có những hồ sơ chưa đủ điều kiện, không đúng thẩm quyền thì vẫn được tiếp nhận. Tuy nhiên, trên phần mềm sau khi tiếp nhận, cán bộ tư pháp chỉ biết có hồ sơ của tư pháp, cán bộ hộ tịch chỉ xử lý trên phần mềm hộ tịch.
Ông nói thêm, khi truy cập vào hệ thống một cửa của TP sẽ thấy danh sách hồ sơ nhưng không biết của ai, ở đâu để xử lý, cần có chức năng thống kê, báo cáo, kiểm tra tiến độ xử lý hồ sơ để làm công tác quản lý.
Đại diện Ban chỉ đạo đề án 06 quận Tân Bình cũng cho biết khó khăn khi dữ liệu chưa đồng bộ, liên thông đường truyền, dung lượng tệp đính kèm thành phần hồ sơ còn bị hạn chế... Không có trường thông tin cho phép công dân thực hiện thao tác hủy hồ sơ thủ tục hành chính vì lý do cá nhân hoặc thay đổi thủ tục hành chính khác theo yêu cầu của của công dân khi cơ quan có thẩm quyền chưa tiếp nhận.
"Thời gian hệ thống đồng bộ và cấp số định danh thuộc quy trình đăng ký khai sinh đôi lúc không đảm bảo. Có thời điểm mất từ 1 ngày rưỡi đến 2 ngày mới được cấp số định danh, kéo theo thời gian toàn quy trình liên thông không đảm bảo thời gian theo quy định" - đại diện Ban chỉ đạo đề án 06 quận Tân Bình nói.
|
Công an TPHCM hỗ trợ người dân làm thẻ CCCD gắn chip |
Bà Võ Thị Trung Trinh - Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM - nêu ví dụ thực tế, hệ thống giải quyết thủ tục hành chính của sở chưa đồng bộ thống nhất về cơ sở dữ liệu, thủ tục hành chính với Cổng Quốc gia; các hướng dẫn chuẩn dữ liệu của các bộ, ngành chưa hoàn chỉnh, dẫn đến khó khăn trong việc sở phối hợp các sở, ngành hoàn thiện các hướng dẫn mô hình dữ liệu chuyên ngành thống nhất, đầy đủ pháp lý, làm cơ sở thực hiện các dự án đầu tư nền tảng số hóa và tạo lập cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin chuyên ngành.
|
Phó chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức phát biểu tại tọa đàm |
Phó chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức nhìn nhận: "Khi các giao dịch, thủ tục còn tồn tại thì ít nhiều đều liên quan đến dữ liệu; khiến hầu như người dân nào dù là trẻ mới sinh hay ông bà lớn tuổi cũng sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, nếu còn gặp khó trong đồng bộ, điều chỉnh dữ liệu thì phải giải quyết tận gốc, nếu không chắc chắn vẫn sẽ gây vướng mắc và khiến người dân không hài lòng".
Vì vậy, ông Dương Anh Đức đề nghị, các sở ban ngành có liên quan phải hoàn thiện, nâng cấp hệ thống như Sở Tư pháp đề nghị, phải có tiện ích hỗ trợ cho người sử dụng, khai thác hệ thống hiệu quả, tối thiểu là các tính năng thống kê, hỗ trợ. Tích cực phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện Đề án 06 bởi “nơi nào có người đứng đầu thật sự quan tâm thì kết quả sẽ tốt hơn nơi khác”.
"Các hệ thống, ứng dụng khi thực hiện Đề án 06 nếu không được vận dụng sẽ trở thành gánh nặng. Do đó, Sở Thông tin và Truyền thông cần cùng các cơ quan cung cấp công nghệ thông tin sớm hoàn thiện các ứng dụng để mọi người khi sử dụng thấy đó là công cụ hỗ trợ chứ không phải là gánh nặng" - ông Dương Anh Đức nhấn mạnh.
Tú Ngân