Gỡ cho ra nữa, còn gì…

23/11/2014 - 09:36

PNO - PN - Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal - JMG vừa có lứa cầu thủ khóa 1 chào sân. Những thành công ban đầu của họ đã làm say lòng người hâm mộ, làm thay đổi hẳn cách nghĩ về đào tạo tài năng bóng đá Việt. Công Phượng,...

edf40wrjww2tblPage:Content

Go cho ra nua, con gi…

Ngôi sao bóng đá Công Phượng - Nguồn ảnh: thethaovanhoa.vn

Tại sao chỉ một mốc năm sinh của một người trẻ lại gây xôn xao dư luận đến thế? Ai cũng hiểu, bởi vì đó là một cầu thủ trẻ giàu tiềm năng, một người rất có thể sẽ trở thành vô cùng nổi tiếng nhờ vào những thành tích trên sân bóng chuyên nghiệp, thể thao có thể là một bệ phóng cho ngôi sao này, cho học viện nơi đào tạo anh… và rất nhiều thứ khác nữa.

Nhưng, có một mặt trái mà không phải ai cũng nhận ra, đó là khi thông tin về “tuổi giả, tuổi thật” của cầu thủ này được tung ra, thì dư luận ngay lập tức cho rằng rất có thể là như thế - rất có thể có sự gian lận nào đó ở đây. Rồi tất cả nhào vào cuộc tìm kiếm “sự thật”. Và tất cả đều nói: chờ văn bản của cơ quan chức năng để có quyết định cuối cùng. Chẳng ai đặt câu hỏi: sao lại dễ dàng tin là gian lận đến thế? Có phải vì gian lận đã phổ biến lâu nay? Cái văn bản nào đó của cơ quan chức năng liệu có chấm hết được câu chuyện này?

Có một người mẹ nông dân lần đầu tiên ra Hà Nội, ở nhờ nhà người quen để đến sân Mỹ Đình, xem đứa con cầu thủ của mình đá bóng, ngỡ ngàng thốt lên “Sân bóng gì mà đẹp rứa không biết!”. Đấy là người mẹ của cầu thủ trẻ mà dư luận đang bảo rằng đã có nhiều nhà môi giới bóng đá chuyên nghiệp quốc tế đặt vấn đề mua lại, giá chuyển nhượng lên đến 80 tỷ đồng Việt Nam.

Nhìn những nếp nhăn khắc khổ trên mặt người phụ nữ, nghe chị nói về đam mê và tuổi thơ đá bóng ngoài đồng của con trai, mới thấy câu chuyện “tìm ra tuổi thật” này có cái gì đó thật là sai, sai với bản thân cậu cầu thủ, sai với gia đình cậu, và sai cả với nền bóng đá nước nhà - từng lấm lem vì bán độ, từng khốn khổ vì không kinh phí, từng tàn hại lẫn nhau vì chơi xấu trên sân cỏ. Có phải đây cũng là một kiểu “đốn giò” cầu thủ trẻ, để rồi có qua được cơn bão dư luận này, tên tuổi ấy, gương mặt ấy, tài năng ấy cũng lấm lem thương tổn theo?

Có lẽ, khóa 1 của Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal - JMG đã đồng thời được bổ sung một bài học “hậu tốt nghiệp”, và Công Phượng là học viên được chọn để thử thách ý chí với bài học này. Ai cũng có những áp lực của riêng mình. Học viện cũng mới, cũng cần giữ gìn hình ảnh, nên ông bầu Đức đã có lần nói thẳng: “Điều đầu tiên tôi nhấn mạnh là chẳng có mối quan hệ nào giữa học viện và công an tỉnh Nghệ An cả. Cần phải biết rằng, nếu chúng tôi câu kết với những thế lực nào đó nhằm làm sai lệch hay giả mạo giấy tờ cho Công Phượng mới là vấn đề. Học viện Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG hay cả VFF đều không thể làm chuyện này...”.

Đó là cách trả lời để giữ gìn thanh danh cho học viện, nhưng cách trả lời này cũng có sự tàn nhẫn nhất định của nó.

Nhưng nhìn lại, làm sao có được một lứa cầu thủ trẻ như U.19 Việt Nam hôm nay nếu không có một chiến lược đào tạo bài bản, bền vững, không đầu tư và trân mình chịu đựng suốt thời gian qua? Trong đầu tư, khó nhất là đầu tư cho con người. Bao công sức, tâm trí, thời gian, tiền bạc đã gửi cả vào đôi chân ấy, đã ở trong cái đầu ấy, nhưng lại là thứ không dễ giữ gìn, không dễ phát triển. “Những đứa trẻ nhà bầu Đức” - cách gọi thân thuộc, đang vừa mới bước vào giảng đường đại học. Đó là một sự đầu tư tiếp tục. Vậy thì các cơ quan chức năng sẽ nói sao để kết câu chuyện “93/95” này? Người hâm mộ thật lòng của U.19 cũng đã lo ngại. Chạnh nhớ một câu Kiều quen thuộc: “Nhẹ như bấc, nặng như chì/ Gỡ cho ra nữa, còn gì là duyên…”.

LẬP PHƯƠNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI