Gốc mai khô bên bờ sông lở...

18/01/2020 - 08:31

PNO - Từ ngày bị con nước đuổi, hầu hết bà con ở Vàm Cái Hố cứ kéo nhà chạy theo con nước. Do nhà tiến về phía trước nên các hộ phải cho mai vào chậu, đặt sau nhà, tết đến thì ôm chậu bưng lên nhà trước mà tỉa cành, lặt lá. Mai vàng đã nụ. Vậy mà, mùa tết Nguyên đán đầm ấm, sáng sủa vẫn như còn ở rất xa…

Nhành cúc héo trên bàn ông Thiên

Được người con trai lái chiếc xe máy cà tàng chở đi khám bệnh về, chưa kịp cất túi thuốc, bà Lương Thị Trường An đã hớt hơ hớt hải chạy ra Nhà văn hóa ấp An Thị, (xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) để kịp nhận quà tết của một Mạnh Thường Quân nào đó tặng bà con nghèo. 

Quà gồm túi gạo và một thùng mì gói. Túi gạo thì có đứa cháu ngoại tên Trần Thị Yến Nhi (11 tuổi) lúc nãy chạy theo xách phụ, bà An ôm thùng mì đi được vài bước mà đôi chân như lảo đảo. Bà ngồi thụp xuống con đường đất khô khốc trong nắng trưa, ngón tay quéo quai bịch thuốc ôm vào lồng ngực. Cạnh bà An là cái lõm đất đã lở xuống rạch Cái Hố đang cạn dòng, có mấy dề lục bình còn neo lại bên dưới, nhìn sâu hoắm. 

Tết đang về nhưng nông dân tỉnh Cà Mau vẫn nơm nớp lo sạt lở - Ảnh: Thái Bình
Tết đang về nhưng người dân vẫn nơm nớp lo sạt lở - Ảnh: Thái Bình

Nhà bà An ở phía bên kia bờ rạch. Gọi là nhà, chứ thật ra đó là một căn chòi mái tôn chưa đủ 8m2 cất tạm trên đất của người bà con. Đó là nơi tá túc của ba người, gồm người con trai út 30 tuổi chưa có giấy chứng minh nhân dân, luôn phải ngồi một chỗ trên giường và đứa cháu ngoại mặc bộ đồng phục học sinh phù hiệu lớp Bốn, xa mẹ đã lâu. Chiếc giường mà người con khờ khạo ngồi suốt ngày cũng là nơi nghỉ ngơi của cả gia đình bà An. Căn chòi này bà cũng mới cất tạm. Cách đây ba tháng, gia đình ba người này vẫn còn ở đậu. Năm mới đến nơi, ở hoài nhà người ta, bà An không chịu đặng.

Trước căn chòi, bà An có đặt một bàn thờ ông Thiên, bên trên có đặt chiếc bình bông cũ, cắm vài nhành bông cúc. “Tối tối, thắp cây nhang cho căn nhà mình có hơi ấm” - bà An nói. Gió sông Hậu tràn vào, mái tôn va đập vào nhau kêu xèn xẹt. 

Trước đây, bà cũng có nhà, căn nhà sàn nằm trên rạch Cái Hố cạnh một gia đình khác. Giữa năm 2019, vào đúng bữa giông gió, hai căn nhà nghiêng hẳn xuống nước. Thanh niên trong xã hay tin kéo đến, lôi hết người của cả hai gia đình vào sâu trong bờ. Bà An trở thành vô gia cư. Di ảnh chồng bà là ông Trần Văn Xáng - thọ 64 tuổi, mới chết chưa được nửa năm - được cất trong cái tum nhỏ treo lên hàng rào hàng xóm. Ngày ngày, bà An ra đó thắp nhang. 

Khi cất căn chòi này, bà An đưa di ảnh ông Xáng vào gửi ở căn chòi khác kề đó của người con trai. “Ổng vào nơi đó vì chắc chắn hơn” - bà nói. Hôm nay nhận được quà, với bà, có lẽ là may mắn. Thường ngày, bà An đón con đò dọc rồi chạy xuống thành phố Long Xuyên tuốt luốt bên kia sông Hậu để làm phụ trong một quán hủ tíu bình dân, mỗi ngày kiếm được hơn 100.000 đồng.

“Tết nhứt tới nơi rồi mà tui đâu dám mong ước chi xa. Lo đau bệnh còn không xong. Cầu cho có sức khỏe để mau đi làm việc cho người ta, chứ cứ chóng mặt hoài, không đi đâu được hết” - bà An nói vọng ra hướng bình bông cúc héo rũ trong chiều nắng quái.

Chờ tái định cư: điện cắt, trẻ bệnh

Cái hôm gần 30 gia đình ven Vàm Cái Hố phải chạy nháo nhào vì sạt lở thì đứa con trong bụng chị Phạm Thị Mến vẫn còn chưa ra đời. Giờ đứa bé đã hai tháng tuổi mà giấy khai sinh vẫn chưa làm. Chị có tất cả bốn đứa con, hai trai, hai gái. Anh Trần Văn Trưng - chồng chị - làm thuê cho ghe bơm cát san lấp nền. Cuối năm, ít nơi cần san lấp, anh nghỉ làm hơn cả tháng nay. Việc của anh hiện giờ là ai thuê gì làm nấy. 

Cháu Trần Ngọc Huyền - con gái lớn của anh chị Mến - dù đã 12 tuổi mà mới học lớp Hai. Mẹ hằng ngày lo chăm con nhỏ, Huyền được cha chở đến chỗ làm chứ không phải đến trường đến lớp. “Nghỉ học hoài, làm sao mà lên lớp” - Huyền bẽn lẽn nói lý do, vừa đưa chiếc khăn ướt chườm đôi mắt tèm nhèm ghèn cho đứa em đang ré khóc.

Gia đình bà An, chị Mến là hai trong gần 30 gia đình gồm cả trăm nhân khẩu ở Vàm Cái Hố được chính quyền địa phương kêu gọi di dời để đảm bảo an toàn tính mạng do sạt lở. “Trong một ngày giữa mùa nước về, tôi thấy nhà sau bị nứt. Tưởng nứt vậy thôi nhưng khi đang chuẩn bị đi bỏ mối nước đá, tôi nghe tiếng “ầm”, chạy ra sau thì thấy nguyên nhà bếp đã đổ ập xuống sông rồi” - bà Nguyễn Thị Thu Vân bàng hoàng kể lại. 

“Ngày xưa, chợ Cái Hố còn ở bên kia sông lận. Từ ngày con nước duổi, nhà phải chạy theo… Con người cũng lận dận theo sao”, dì Đặng Thị Sang chực rơi nước mắt.
“Ngày xưa, chợ Cái Hố còn ở bên kia sông lận. Từ ngày con nước đuổi, nhà phải chạy theo. Con người cũng lận đận theo...”, dì Đặng Thị Sang chực rơi nước mắt

Sau khi được vận động di dời, hàng chục hộ dân nơi đây bị cắt điện hoàn toàn. “Cán bộ vận động từng nhà tìm nơi ở mới tạm thời cho an toàn trong thời gian chờ tái định cư, nhưng chúng tôi biết đi đâu? Cái ăn hằng ngày lo còn không nổi, lấy đâu mà đi kiếm tìm chỗ ở mới. Ngay như tại đây, trong căn nhà mình, điện đóm tối thui, tôi còn bị té hoài thì còn biết đi đâu” - dì Đặng Thị Sang, thuộc diện hộ nghèo, chia sẻ. Dì Sang có hai cháu ngoại, đứa học lớp Bảy đứa lớp 12.

“Tội nghiệp tụi nhỏ. Tối học bài, thi cử mà chẳng biết phải làm sao cho sáng sủa. Cắt điện kiểu này, chắc tụi nhỏ thất học hết quá” - dì bức xúc. Chị Phạm Thị Quyến - hàng xóm bà Sang - cho biết thêm: “Nhà nước cũng đã họp với bà con nhiều lần rồi nhưng chúng tôi không biết cái nền nhà định cư ở đâu. Nghe đồn râm ran là khu tái định cư nằm ở miệt trên, phía bên kia con lộ lớn, mà chưa đến coi”.

Việc cắt điện hoàn toàn đã gây quá nhiều khó khăn cho cuộc sống của bà con, cho việc học hành của học sinh nơi đây. Cháu Phan Văn Hòa - con chị Quyến, đang học lớp Bảy - gần đây phải nhập viện hai tuần điều trị sốt xuất huyết. Chị Quyến cùng vài chủ hộ khác chấp nhận phạt, câu nhờ điện của một gia đình không bị ảnh hưởng sạt lở để có nguồn điện sáng cho con học bài và sinh hoạt gia đình. “Trước đây, tiền điện chỉ 200.000 đồng, giờ lên đến 600.000-700.000 đồng/tháng. Biết vậy nhưng phải cắn răng chịu đựng, chờ tái định cư” - chị Quyến nói. Mong muốn của hơn 30 hộ ở đây là được mở điện để dùng cho sinh hoạt. 

Từ ngày bị nước đuổi, hầu hết bà con ở Vàm Cái Hố cứ kéo nhà chạy theo con nước. Bà Sang đã dời nhà dần vào hướng bờ cả thảy bốn lần. “Ngày trước, chợ Cái Hố nằm ở bên kia sông chứ đâu phải bên này bờ đâu. Vị trí chợ đó giờ là cái cồn nổi lên nằm kề bên cù lao Mỹ Hòa Hưng ở giữa sông Hậu” - bà Sang vừa kể vừa dẫn chúng tôi ra sau hè nhà bị sạt lở. 

Do nhà tiến về phía trước nên các gia đình nơi đây phải cho mai vào chậu, đặt sau nhà, tết đến thì ôm chậu bưng lên nhà trước mà tỉa cành, lặt lá. Lấp ló vài búp non trong nhánh mai vàng trồng chậu đặt ở hiên nhà sau, dọc bờ sông Vàm Cái Hố. Có nhiều chậu, lá mai đã già nhưng bà con vẫn chưa buồn tỉa. Có một gốc mai khô khốc nằm chỏng chơ trên nền nhà trống huơ trống hoác mà chủ nhà vừa dọn đi chỗ khác. Mai vàng đã nụ. Vậy mà mùa tết Nguyên đán đầm ấm, sáng sủa vẫn như còn ở rất xa...

Người dân ở tỉnh Cà Mau lo phòng chống sạt lở nhà cửa - Ảnh: Thái Bình
Người dân ở tỉnh Cà Mau lo phòng chống sạt lở nhà cửa - Ảnh: Thái Bình

Vẫn phập phồng mong mùa tết an cư

Nếu như bà con vùng đầu nguồn sông Vàm Cái Hố tạm được yên trước thềm năm mới thì ở cuối nguồn sông Hậu, vẫn còn những gia đình nơm nớp lo sạt lở. Trưa 12/1, ba căn nhà liền kề ở chợ Cầu Lộ, xã Thới An Hội, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng bị sụp hoàn toàn xuống kênh Rạch Vọp, bốn người may mắn thoát nạn, nhưng có nhiều xe máy cùng tài sản bị nước cuốn trôi. Trước đó, ngày 1/9/2019, cũng tại khu vực trên, đã liên tiếp xảy ra sạt lở với độ sâu đo được lên đến 6m, ăn sâu vào bờ 10m, dài 60m, làm sập và chìm 9 căn nhà bán kiên cố, đe dọa gần 20 căn nhà khác xung quanh. 
 Cũng nằm trong tình trạng tương tự, ở tỉnh Cà Mau, mùa khô này đã xảy ra hàng loạt vụ sạt lở đất. Nhà ông Dương Văn Út - ở xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời - có đoạn bờ kênh trước nhà dài gần 20m bị sụp xuống 1,5m ra phía bờ sông, sau đó tiếp tục sạt lở vào đất liền 2-3m, cây mai trồng trước sân nhà cũng bị trôi theo con nước. Vào cuối năm 2019, ở huyện Trần Văn Thời, đã xảy ra vụ sạt lở đất làm sập hai căn nhà.
Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, do mùa mưa năm nay kết thúc sớm, mực nước trong các kênh rạch rút nhanh, tạo ra chênh lệch khoảng cách lớn giữa bờ và lòng sông, dễ gây sạt lở. Nguồn nước ngọt nội đồng cạn nhanh, người dân đồng loạt bơm nước nhằm đảm bảo sản xuất càng làm gia tăng tình trạng sạt lở. 

Từ Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI