Gỡ bỏ rào cản để người khuyết tật có thể đóng phim

21/11/2024 - 06:20

PNO - Trên màn ảnh Việt, người khuyết tật có cơ hội đóng phim chỉ ở những vai nhân vật khuyết tật. Phim Cu li không bao giờ khóc là ngoại lệ khi chọn 1 nữ diễn viên cụt tay đóng chính. Liệu từ đây có mở ra sự đa dạng về diễn viên trên màn ảnh để người khuyết tật cũng có cơ hội đóng phim như bao diễn viên khác?

Đối tượng bị lãng quên trên màn ảnh

Trong buổi giao lưu sau khi chiếu phim Cu li không bao giờ khóc tại TPHCM vừa qua, với vai trò khán giả, đạo diễn Charlie Nguyễn chia sẻ anh ấn tượng nhất với cảnh các em bé nhảy múa với nhân vật nữ chính vì hình ảnh ấy rất đẹp. “Bộ phim sẽ mang đến cho chúng ta những cảm xúc khó có thể tìm ở bất kỳ phim nào khác” - anh nói. Cảnh anh nhắc tới là một buổi biểu diễn văn nghệ khu phố của nữ chính Vân và các em nhỏ đang được cô giữ trẻ tại nhà. Phim không đề cập Vân là người khuyết tật nhưng đạo diễn Phạm Ngọc Lân đã chọn người mẫu cụt tay Hà Phương đóng, tạo ra cảm xúc khác biệt cho người xem.

Diễn viên Hà Phương trong phim Cu li không bao giờ khóc
Diễn viên Hà Phương trong phim Cu li không bao giờ khóc

Đạo diễn Phạm Ngọc Lân cho biết: “Ý tưởng đầu tiên khi tôi chọn diễn viên là muốn có sự đa dạng. Kịch bản Cu li không bao giờ khóc có viết về người khuyết tật, nhưng chỉ là những diễn viên quần chúng. Đó là một ban nhạc khiếm thị. Trong quá trình tuyển diễn viên, tôi đọc một bài báo về Hà Phương. Lúc đó bạn chỉ mới 16, 17 tuổi. Khi thử vai không yêu cầu Hà Phương làm gì nhiều, nhưng qua vài buổi nói chuyện và xem những lúc sinh hoạt đời thường, thấy ở bạn toát lên khí chất mạnh mẽ của một diễn viên nên tôi quyết định đưa Hà Phương vào phim”.

Trước Cu li không bao giờ khóc, diễn viên khuyết tật cũng từng xuất hiện trong phim Việt, nhưng họ thường được mời đóng những vai nhân vật là người khuyết tật nặng. Chẳng hạn như trường hợp anh Phan Văn Sáng - nam chính phim truyền hình Chim phóng sinh và chị Trần Thị Bé - nữ phụ phim Đời cát. Sau đó, anh Sáng còn tham gia 8 tác phẩm khác trong khi nhân vật Hảo là lần duy nhất hóa thân trong đời của chị Bé. Với những nhân vật chỉ bị khuyết nhẹ một phần cơ thể, chẳng hạn cụt 1 chân hay 1 tay, đoàn phim thường chọn diễn viên lành lặn đóng và hóa trang giấu tay, chân. Ít biên kịch nào muốn kịch bản có nhân vật khuyết tật, vì e ngại những khó khăn khi tuyển diễn viên lẫn khi hóa trang. Người khuyết tật, vì vậy, thành đối tượng bị lãng quên trên màn ảnh.

Cần xóa rào cản từ nhiều phía

Cu li không bao giờ khóc đã mở đường cho sự đối xử bình đẳng với diễn viên là người khuyết tật khi trao cho họ một vai diễn. Xem phim, khán giả không được biết vì sao Vân bị cụt tay. Phim cũng không khắc họa nhân vật này có những hành động của một người khuyết tật. Thậm chí ở cảnh quay Vân và người yêu trên sân trượt băng, Vân mới là người trượt băng, đi lại bưng bê đồ ăn trong khi Quang chỉ ngồi một chỗ. Tư duy cởi mở, đối xử bình đẳng với các nhân vật, chỉ chú trọng vào phần con người chứ không phải phần khiếm khuyết trong kịch bản là điều không phải đoàn phim nào cũng dám làm như ê kíp Cu li không bao giờ khóc.

Diễn viên Hà Phương trong phim Cu li không bao giờ khóc. Cô là diễn viên khuyết tật đầu tiên được mời vào phim mà không vì khiếm khuyết của cơ thể
Diễn viên Hà Phương được mời vào phim mà không vì khiếm khuyết của cơ thể

Nhìn ra nước ngoài, sự tham gia của người khuyết tật trên màn ảnh hiện nay đang được khuyến khích. Tiêu chí chấm giải mới của Oscar còn gây tranh cãi với quy định phim xuất sắc nên có 2 trong số các yếu tố như thành viên nữ, LGBTQ+, đa sắc tộc, người khuyết tật. Khán giả xem phim giờ đây cũng đã quen với sự xuất hiện của các diễn viên là những người khiếm thính, bị liệt, câm, mắc bệnh Down… bẩm sinh. Trong lịch sử giải thưởng của Viện Hàn lâm khoa học và nghệ thuật điện ảnh Mỹ, có 27 người thắng giải khi vào vai người khuyết tật, nhưng trong đó chỉ có 2 trường hợp do diễn viên khuyết tật đóng. Điều này cho thấy, rào cản nghệ thuật dành cho người khuyết tật không dễ xóa.

Tại cuộc nói chuyện Sự tham gia và tiềm năng của người khuyết tật trong thực hành điện ảnh diễn ra ngày 18/11, vấn đề rào cản trong đối xử với người khuyết tật lúc tuyển diễn viên đã được đề cập. Biên kịch Nghiêm Quỳnh Trang của phim Cu li không bao giờ khóc cho biết: “Khi nghe Lân nói tìm được một bạn nữ rất hay, là người mẫu khuyết tật vào vai Vân, tôi khá lo. Tôi sợ khán giả nghĩ phim dùng sự khuyết tật để câu khách, sợ nhà sản xuất không chịu. Rồi tôi lại sợ mình lỡ lời làm tổn thương khi nói chuyện với Hà Phương. Tự tôi thấy ngại với người khuyết tật. Ở dự án sau, tôi sẽ sẵn sàng đón nhận những người khuyết tật đến thử vai. Nhưng tôi nghĩ, con đường để họ tham gia nghệ thuật chắc sẽ dài và khó, vì bản thân người khuyết tật cũng e dè nghĩ vai diễn đó không dành cho mình. 2 bên cần tự xóa bỏ rào cản thì mới đến được với nhau trong nghệ thuật”.

Để nghệ thuật không còn rào cản với người khuyết tật, tiến sĩ Võ Thị Hoàng Yến - người sáng lập và điều hành Trung tâm Khuyết tật và Phát triển Việt Nam - bày tỏ: “Hiện nay, truyền thông viết về người khuyết tật thường theo 2 góc nhìn: thương hại hoặc tô hồng quá. Kịch bản phim cứ xoáy vào câu chuyện của người khuyết tật mà không nhìn ở góc độ khác để thấy họ có khác gì người bình thường đâu. Xã hội cần phải thay đổi nhận thức, coi người khuyết tật là thành viên trong cộng đồng, phải bao trùm người khuyết tật vào các chính sách. Có như vậy mới tạo được công bằng, cơ hội cho người khuyết tật”.

Hương Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI