Sáng 23/5, ông Nguyễn Đăng Chương - Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD - Bộ VH-TT-DL) - đã lên tiếng nhận trách nhiệm cá nhân và xin lỗi về việc cập nhật danh mục hơn 300 bài nhạc đỏ đã phổ biến rộng rãi, gây bất bình trong nhân dân mấy ngày qua. Động tác này được cho là khởi nguồn từ chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện và phản ứng của các đại biểu Quốc hội trước cách làm việc kỳ lạ của Cục NTBD.
Đụng đâu sai đó
Như vậy, chỉ trong hai tháng, Cục NTBD đã hai lần phải nói lời xin lỗi vì năng lực quản lý yếu kém và hoạt động chuyên môn không theo chuẩn mực nào của mình. Lần xin lỗi trước, Cục NTBD đã phải rút lại một lệnh cấm đối với năm ca khúc sáng tác trước 1975 và đổ trách nhiệm cho cấp dưới. Lần này, Cục phải làm việc với Trung tâm CNTT của Bộ VH-TT-DL để… gỡ bỏ danh mục các ca khúc mà chính Cục vừa cập nhật - không thể đổ lỗi cho ai.
|
Sau khi bị dư luận phản ứng gay gắt, Cục NTBD đã gỡ danh mục các bài hát phổ biến rộng rãi mình vừa cập nhật |
Giữa hai lần xin lỗi, Cục NTBD cũng khiến nhân dân ngỡ ngàng, sốc vì đến nay mới cho phép phổ biến những bài cực kỳ nổi tiếng, đã được hát khắp nơi trong suốt mấy mươi năm qua.
Nhưng đó chưa phải là tất cả. Sự nổi tiếng của vụ “300 bài nhạc đỏ” đã kéo nhiều người vào website của Cục NTBD để tra cứu, kiểm chứng và từ đó phát hiện ra những sai sót chết người đã tồn tại lâu nay trên hệ thống của Cục. Chẳng hạn các ca khúc Bà mẹ Gio Linh, Bà mẹ quê, Nương chiều của cố nhạc sĩ Phạm Duy đều được ghi là tác phẩm phổ thơ Huyền Chi trong khi Phạm Duy chỉ phổ của Huyền Chi bài Thuyền viễn xứ.
Tương tự, Cục xác nhận bản Nghìn trùng xa cách là tác phẩm Phạm Duy phổ thơ Phạm Thiên Thư trong khi ca khúc này chẳng liên quan gì đến Phạm Thiên Thư. Bài Cỏ hồng, sáng tác năm 1970, được Cục NTBD gọi là Ca dao Việt Nam. Nếu nói như cách của Cục NTBD - việc cập nhật danh mục ca khúc là để cho các tổ chức, cá nhân thuận tiện trong việc khai thác, sử dụng thì danh mục ca khúc hiện nay của Cục đang phổ biến những kiến thức sai và sai nghiêm trọng đến mức có thể phải xem xét lại lịch sử âm nhạc Việt Nam.
|
Nối vòng tay lớn được cấp phép phát hành dù vẫn đang phát hành bao năm qua |
Điều bất ngờ nhất là, trong tối 23/5, danh mục các bài hát phổ biến trên website của Cục NTBD đã mất tính năng tìm kiếm chọn lọc ca khúc trước và sau năm 1975, cột thông tin về văn bản cấp phép của từng ca khúc cũng đã biến mất; chỉ còn lại thông tin về bài hát và tác giả (dù có nhiều sai sót như nêu trên).
Cho phép năm ca khúc, rồi cấm, rồi thu hồi lệnh cấm; cập nhật danh sách ca khúc được phổ biến rồi lại tháo gỡ chính danh sách của mình. Cục NTBD đang sử dụng tiền thuế của dân, sức người, thời gian để tạo ra các sai sót và sửa lại những sai sót đó? Để rồi khi Cục sửa những lỗi sai của mình, Cục lại tạo ra những lỗi sai khác và cứ như con kiến leo vào leo ra trên cành cụt, bất chấp sự phẫn nộ của công chúng, loay hoay trước các chỉ đạo của cấp trên.
Cần sửa sai từ gốc
Với cách làm việc của Cục NTBD như hiện nay lẫn tư duy, cách quản lý con người, đơn vị trực thuộc; thật khó mong là trong tương lai sẽ không còn những sai sót. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói đúng - Cục NTBD cần phải được chấn chỉnh, nhưng chấn chỉnh từ đâu?
|
Công văn Bộ gửi Cục đề nghị rút kinh nghiệm |
Những sai sót hôm nay của Cục NTBD, trên thực tế, là hệ lụy của cách làm việc quan liêu, thiếu trách nhiệm trong nhiều năm, qua nhiều đời cục trưởng chứ không chỉ từ cá nhân ông Nguyễn Đăng Chương. Danh mục các ca khúc được phép phổ biến là cái đã được nêu ra từ thời Cục trưởng Lê Ngọc Cường, đến Vương Duy Biên và đến nay mới lộ ra những điểm bất ổn; khi chúng nhiều lên và nhân dân tìm vào tra cứu.
Qua những vụ việc nổi cộm gần đây của Cục NTBD, rõ ràng quan điểm từ cơ quan cấp cục đến cấp bộ và đến Phó thủ tướng đã vênh nhau mà dù có muốn tháo gỡ thì vẫn vướng các quy định của pháp luật.
Chẳng hạn Nghị định 79/2012/NĐ-CP vẫn buộc mọi tổ chức, cá nhân phải làm hồ sơ xin cấp phép phổ biến những tác phẩm sáng tác trước năm 1975 tại các tỉnh phía Nam hoặc tác phẩm của người Việt Nam sinh sống tại nước ngoài để Cục NTBD xem xét, thẩm định và quyết định cấp phép hay không (Ca khúc Nối vòng tay lớn của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rơi vào trường hợp này).
|
Ông Nguyễn Đăng Chương - Cục trưởng Cục NTBD - đã có lời xin lỗi vì những hoạt động quản lý của mình vừa qua |
Nếu Cục NTBD làm khác, Cục sẽ sai luật. Nếu Cục NTBD làm đúng luật, Cục sẽ trở thành trò cười trước mắt khán giả. Ngoài những nguyên nhân chủ quan từ phương thức làm việc, thái độ hành xử của cơ quan chức năng đối với tác phẩm, con người; nguyên nhân khách quan về pháp lý cũng cần được tháo gỡ trên tinh thần cầu thị và vì lợi ích của cộng đồng.
Nếu Cục NTBD không nhìn thấy được sự ngớ ngẩn và yếu kém của mình, Bộ VH-TT-DL nên thể hiện trách nhiệm một cách cụ thể và quyết liệt chứ không chỉ là những chỉ đạo theo kiểu “phải rút kinh nghiệm”. Nếu cả Bộ VH-TT-DL cũng không thể nhìn thấy được những yếu kém ấy để xử lý thì những cấp cao hơn nữa sẽ cần phải can thiệp thay vì để nhân dân ngỡ ngàng, các đại biểu Quốc hội phải giận dữ lên tiếng.
Phạm Thành Nhân