Gỡ bỏ 46 trang mạo danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước

08/11/2019 - 10:29

PNO - "Trong hai tháng qua, Bộ đã gỡ 207 trang mạo danh, trong đó có 46 trang liên quan đến tên của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.", Bộ trưởng Bộ TT&TT cho biết.

Tiếp tục trong ngày làm việc sáng 8/11, kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - Nguyễn Mạnh Hùng. Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Hùng trả lời chất vấn trước Quốc hội sau khi được phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông tại Kỳ họp thứ 6 cách đây một năm.

Nội dung chính mà Bộ Thông tin và Truyền thông trả lời trong phiên chất vấn sáng nay xoay quanh công tác quản lý báo chí, quản lý giấy phép trong lĩnh vực báo chí, phát thanh, truyền hình; cấp, thu hồi thẻ nhà báo. Công tác quản lý thông tin điện tử, nhất là các trang thông tin điện tử, mạng xã hội; quản lý quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng; về ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng Chính phủ điện tử.

Go bo 46 trang mao danh lanh dao Dang, Nha nuoc
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng là đầu tiên trả lời chất vấn trước Quốc hội

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (thường trực Uỷ ban Tư pháp) chất vấn, Bộ TT&TT về việc mạo danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước trên mạng xã hội đưa thông tin gây hoang mang dư luận với nhiều thủ đoạn, hành vi tinh vi hơn.

"Đề nghị Bộ trưởng cho biết khó khăn, yếu kém của Bộ, ngành và trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc đưa ra các giải pháp ngăn chặn tình trạng nêu trên", đại biểu Hồng Hà chất vấn.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ có lực lượng để giải quyết các trang thông tin cá nhân, các trang mạo danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước, khi đưa những thông tin trái chiều, gây hoang mang dư luận. Theo đó, chỉ trong hai tháng qua, Bộ đã “mạnh tay” gỡ 207 trang mạo danh, trong đó có 46 trang liên quan đến tên của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Đại biểu Quốc hội ông Lê Công Nhường – Thuộc đoàn đại biểu tỉnh Bình Định chất vấn về hiện tượng những trang mạng được gọi là "báo chí nhân dân", dù nội dung "xấu, độc" nhưng vẫn có lượng độc giả lớn, hình thành các luồng dư luận tác động xấu tới đời sống xã hội.

Theo Bộ trưởng Hùng, tin “xấu, độc: trên mạng xã hội (MXH) là câu chuyện toàn cầu và thế giới cũng đang phải đối diện. Để ngăn chặn theo theo ông là cần có hành lang pháp lý. Việt Nam đã có hành lang pháp lý là Luật An ninh mạng, an toàn mạng. Hầu hết các quốc gia đều có quy định riêng xử lý tin rác, tin giả.

Điển hình Singapore đã có luật về xử lý tin giả với chế tài xử lý rất mạnh. Người tung tin có thể bị phạt hàng triệu USD, có thể đi tù. Người dùng MHX tung tin giả cũng sẽ bị xử phạt

Do đó, Việt Nam sẽ phải ban hành quy định pháp luật về vấn đề này. Hiện Thủ tướng đã giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin & Truyền thông sớm có quy định pháp luật về xử lý tin giả.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, thông tin “xấu, độc” chủ yếu trên các nền tảng mạng xã hội nước ngoài, còn nền tảng trong nước thì cơ bản quản lý được. Bộ đã làm việc với Tổng cục thuế, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước để tìm cách xác định danh tính các tài khoản trên MHX.

Trong phần trả lời chất vấn của đại biểu Phạm Huyền Ngọc (thuộc đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận) về tình trạng nhiều đối tượng lợi dụng sự phát triển nhanh chống của interner, MXH để chiếm đoạt tài sản của người dân. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, hiện tượng lừa đảo trên MXH khó phát hiện hơn. Việt Nam đã xây dựng trung tâm giám sát an ninh mạng quốc gia, năng lực xử lý 100 triệu tin mỗi ngày, để sàng lọc, phát hiện lừa đảo và có biện pháp xử lý.

Đồng thời, Bộ trưởng Bộ TT&TT cũng đưa ra cảnh báo các nhà mạng ngăn chặn bằng các biện pháp kỹ thuật và chuyển thông tin, chứng cứ sang Bộ Công an để có biện pháp răn đe.

Đề cập đến nguy cơ an ninh mạng, Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương thắc mắc, tại sao khi mà đã có Luật An ninh mạng nhưng vẫn còn thông tin nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thông tin lừa đảo, đe doạ khủng bố.

Người đứng đầu Bộ TT&TT giải thích, thực tế đã giải quyết vấn đề này trước khi Luật ra đời. Và khi có luật thì ta làm mạnh mẽ hơn rất nhiều. Sau khi có Luật An ninh mạng, những yêu cầu gỡ bỏ thông tin “xấu, độc” và chống phá nhà nước của phía Việt Nam đã được các nền tảng MXH nước ngoài đáp ứng nhiều hơn.

 "Trước đây, Việt Nam yêu cầu 100 thì chỉ khoảng 30% yêu cầu được thực hiện còn bây giờ thì khoảng 70%. Với Google, khi Việt Nam yêu cầu gỡ tin thì tỷ lệ thực hiện đã lên đến 85%. Mới đây, Facebook đã tuyên bố không quảng cáo những trang thông tin chống phá nhà nước Việt Nam", Bộ trưởng Bộ TT&TT cho biết.

Ông cũng cho biết thêm chỉ cách đây 2 ngày, Facebook đã công bố chặn quảng cáo chính trị đối với 21 trang chống phá Nhà nước Việt Nam, trong đó có cả những trang mà Chính phủ Việt Nam đã tuyên bố là khủng bố.

Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI