Giúp trẻ yêu sớm dừng ở vạch an toàn: Nếu ba mẹ hiểu và tin, con sẽ tâm sự

28/04/2021 - 05:50

PNO - LTS: Một bà mẹ đến Báo Phụ Nữ TP.HCM với tâm trạng rối bời. Con gái 15 tuổi của chị đã yêu được một năm, và bao nhiêu tiền bạc ba mẹ cho, bé đều để dành cho bạn trai 18 tuổi. Độ tuổi của tình yêu học trò nay đã xuống tới “bọn nhóc” cấp II.
Không thể cấm yêu, cho nghỉ học, cũng không thể kết tội các em, vậy người lớn sẽ làm gì để giúp các em dừng ở vạch an toàn?
Để nhìn vấn đề này khách quan, chúng tôi đã ghi nhận ý kiến của nhà tâm lý, nhà giáo, phụ huynh, và của cả người trong cuộc...

Với cha mẹ, trẻ yêu sớm không chỉ ảnh hưởng đến việc học hành, mà còn kéo theo nỗi bất an về tương lai của con.

Để ngừa các rủi ro “tiềm ẩn”, việc đồng hành cùng con được coi là biện pháp tốt nhất, nhưng nói thì dễ, thực hiện điều này không đơn giản.

Đâu phải muốn yêu là yêu

Khi bàn về vấn đề yêu sớm, hầu hết các em trong độ tuổi dậy thì đều cho rằng người lớn không hiểu nên chỉ đưa lời khuyên áp đặt. Thực tế các em đã biết hệ lụy của việc yêu sớm. Thậm chí có em đã trải nghiệm cảm giác tổn thương, nhưng tình cảm vốn là bản chất tự nhiên của con người, đâu phải muốn tránh là tránh.

Ảnh mang tính minh họa. SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa. SHUTTERSTOCK

M.K., học sinh lớp Tám tại TP.HCM, từng yêu một bạn trai khác trường. Sau giờ học, cả hai thường tranh thủ gặp nhau trước khi gia đình đến đón.

Tình cảm đang ngọt ngào thì bỗng nhiên bạn trai gửi tin nhắn chia tay và cắt đứt liên lạc. Rơi vào trạng thái thất tình, em M.K. bỏ bê học hành. Từ học sinh giỏi, em tụt xuống gần cuối lớp và em xấu hổ với gia đình, bạn bè. 

Trong suốt thời gian dài, em luôn mang cảm giác có lỗi với ba mẹ và tự dằn vặt bản thân, thậm chí muốn tự tử. May mắn lúc đó cô giáo biết chuyện và an ủi, động viên em vượt qua tổn thương. Em từng nghĩ sẽ không yêu ai nữa, nhưng hiện tại em và bạn trai mới rất vui vẻ. 

M.K. cho rằng, tình yêu tuổi học trò nhận được sự quan tâm chia sẻ từ đối phương, mang đến cho em cảm xúc vui vẻ, hứng khởi, tạo nguồn động lực để em học tốt hơn. Nhưng khi tình cảm không suôn sẻ, em mất hứng thú học hành.

Thêm nữa khi yêu, trong lòng em luôn thấp thỏm lo bạn trai lừa dối, sợ bạn gái thân thích bạn trai của mình hoặc khiến mình vừa mất bạn vừa mất người yêu và sợ gia đình biết chuyện sẽ ngăn cấm. Dù có rất nhiều nỗi sợ, nhưng cảm giác yêu và được yêu vẫn thích hơn không yêu.

Vì yêu có “cái được”, nên các em phớt lờ lời răn đe từ cha mẹ, để theo tiếng gọi của con tim. N.A., học sinh lớp Bảy tại TP.HCM, đồng tình rằng, tình yêu tuổi học trò làm sao nhãng việc học do tốn nhiều thời gian vì: cả hai phải thường xuyên “chat chít” với nhau, quan tâm đến nhu cầu và sở thích của nhau.

Khi ở một mình cũng luôn suy tư về đối phương, và còn phải chau chuốt ngoại hình. Điều em lo sợ khi yêu là bị lợi dụng hoặc đi quá giới hạn, sợ sau khi chia tay, “người yêu cũ” sẽ tiết lộ bí mật của nhau cho người khác… 

Ngày nay, sự phát triển của công nghệ giúp các em dễ dàng tiếp cận thông tin, nhờ đó các em sớm nhận thức được những hệ lụy của yêu sớm, đặc biệt là vấn đề “vượt rào” quan hệ tình dục.

Tuy nhiên, hiểu không có nghĩa là các em đủ bản lĩnh để kiểm soát được hành vi. Vì suy cho cùng, đây là độ tuổi “trẻ em chưa qua người lớn chưa tới”, các em khó kiểm soát bản thân trước những mong muốn bản năng, nhưng lại có xu hướng hành xử như người lớn và muốn được người lớn công nhận, nên dễ dẫn đến sai lầm.

Các em cũng chưa đủ sức “đề kháng” để ứng phó với các tình huống như: thất tình, bị người yêu “cắm sừng”… Vì vậy, trẻ cần có người lớn bên cạnh đồng hành, định hướng và trở thành điểm tựa cho mình.

Trẻ giấu cha mẹ, vì sao?

Đồng hành hay cấm đoán trẻ yêu, điều đó tùy thuộc vào quan điểm và cách giáo dục của từng gia đình. Trong quá trình làm việc với phụ huynh, tôi nhận thấy, các bậc cha mẹ đều nhìn nhận cảm xúc yêu đương là điều tự nhiên của con người. ở tuổi dậy thì yêu thích một ai đó là chuyện bình thường, không thể cấm đoán trẻ…

Nhưng cái khó của cha mẹ là sự chấp nhận. Họ luôn cảm thấy tức giận, thất vọng, gượng gạo diễn vai trò người bạn và “bằng mặt mà không bằng lòng” với con. 

Khi trò chuyện với các em, tôi nhận thấy các em không muốn vướng vào chuyện tình cảm, nhưng các em lại trải nghiệm những cảm xúc đó từ rất sớm.

Trong một cuộc phỏng vấn ngẫu nhiên 50 học sinh cấp II, có đến 40 em cho biết mình có cảm giác thích bạn khác giới từ cuối cấp I và chính thức có “crush” (người yêu) từ những năm lớp Bảy, Tám. Các em đều không muốn chia sẻ chuyện tình cảm với cha mẹ. 

Các em lý giải, thứ nhất, cha mẹ không tôn trọng cảm xúc của các em, đặc biệt là khi các em buồn bã, khóc vì thất tình, hoặc giận hờn nhau… cha mẹ cho rằng đó là chuyện bình thường, không có gì phải buồn.

Thứ hai, cha mẹ hay thể hiện sự quan tâm giả tạo. Nhiều em nhận xét cha mẹ tỏ ra quan tâm, tra hỏi đủ thứ nhưng trong thái độ của họ các em cảm nhận được sự khó chịu và cố tình lấy thông tin hơn là chia sẻ thật lòng.

Thứ ba, cha mẹ sẽ kiểm soát chặt hơn việc giao tiếp với bạn bè khiến cho các em cảm thấy ngột ngạt, căng thẳng. Nhiều phụ huynh còn viện đủ lý do ép con chuyển trường hoặc thu giữ máy tính, điện thoại khi biết con có 
người yêu.

Trẻ dễ dàng nhận ra sự bất nhất trong lời nói và hành động của cha mẹ, vì vậy để đồng hành cùng con trong chuyện tình cảm, nói thì dễ nhưng làm thì không dễ dàng. Đặc biệt, đây là giai đoạn các em có nhu cầu được tôn trọng, bình đẳng và được đối xử như người lớn.

Các em không thích sự quan tâm, can thiệp, đặc biệt là sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của người lớn trong cuộc sống của mình, từ việc học tập, giải trí, sinh hoạt cho đến tình yêu, tình bạn. 

Về mặt nhận thức, các em có xu hướng cường điệu hóa các tác động của người lớn, vì vậy chỉ cần một sự tác động làm tổn thương chút ít, thì các em coi đó là sự xúc phạm, tổn thương nghiêm trọng, từ đó dẫn đến các phản ứng tiêu cực hoặc ngừng kết nối với cha mẹ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thế nào là kết nối chân thành?

Để có thể đồng hành cùng con, cha mẹ phải tôn trọng và quan tâm con cái một cách chân thành. Chính sự tôn trọng và chân thành này sẽ tạo được sự tin tưởng của con cái và chúng mới trở nên cởi mở và sẵn sàng chia sẻ.

Nhu cầu tình bạn của trẻ tuổi teen rất mạnh mẽ, trẻ khát khao có bạn, thích được chia sẻ với bạn và dễ bị ảnh hưởng bởi lời khuyên từ bạn bè, đặc biệt là người bạn mà trẻ quý mến. 

Do đó, để xây dựng được mối quan hệ tin tưởng và kết nối tốt với con, cha mẹ cũng nên tạo quan hệ tốt với cả “người ấy” của con. Điều này không chỉ giúp cha mẹ kiểm soát được tình hình mà còn thông qua “crush” của con để hiểu hơn về con, đồng thời định hướng được cho cả hai. 

Khi trò chuyện về “cái được” của tình yêu học trò, hầu hết các em đều nhận định rằng, khi yêu một ai đó, điều các em muốn thực hiện là trở nên tốt đẹp và hoàn hảo trong mắt đối phương.

Vì thế, tình yêu giúp các em có động lực để hoàn thiện bản thân như cố gắng học tốt hơn, chơi một môn thể thao để rèn luyện sức khỏe và vóc dáng, thích học cắm hoa, làm bánh để làm tặng nhau… Đây cũng là cơ hội cho cha mẹ, thông qua nguồn động lực này cha mẹ khuyến khích và hỗ trợ con phát huy khả năng của con.

Tuy vậy, hiểu biết về pháp luật của trẻ ở lứa tuổi này còn hạn chế. Các em có thể đọc rất nhiều những thông tin về tình yêu, giới tính… nhưng hiếm khi quan tâm đến những thông tin liên quan đến pháp luật.

Vì vậy cha mẹ nên nhân những lúc trò chuyện vui vẻ, cung cấp cho con kiến thức pháp luật. Chính những buổi trò chuyện "ngẫu nhiên" này ít nhiều sẽ trở thành những bài học quý báu giúp con không lầm lạc trên con đường tình yêu. 

Chuyên viên tâm lý Linh Giang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI