Giúp trẻ ứng phó với nguy hiểm: Kỹ năng phòng cháy chữa cháy

26/03/2015 - 10:51

PNO - PN - Khi không may bị “bà hỏa” viếng nhà, người ta nghĩ ngay đến việc cầu cứu lực lượng phòng cháy chữa cháy (PCCC). Tuy nhiên, sẽ mất một thời gian đáng kể để lực lượng cứu hỏa chuyên nghiệp tiếp cận hiện trường, nhất là khi tắc đường, kẹt xe hoặc nhà ở hẻm nhỏ… Chính vì vậy, để tránh những hậu quả đáng tiếc, mỗi gia đình cần nâng cao ý thức cảnh giác và trang bị kỹ năng PCCC cho tất cả thành viên, kể cả trẻ em.
Đại úy Nguyễn Thị Hồng Thủy - Đội phó Đội Tuyên truyền xây dựng phong trào toàn dân PCCC, Phòng Hướng dẫn chỉ đạo về PC, Cảnh sát PCCC TP.HCM chia sẻ một số thông tin cần thiết cho các bậc phụ huynh trong việc phòng chống hỏa hoạn và dạy con ứng phó với nguy cơ này.

edf40wrjww2tblPage:Content

Nội quy an toàn

Mỗi gia đình nhất thiết phải xây dựng nội quy an toàn và thường xuyên nhắc nhở nhau thực hiện. Nội quy an toàn bắt đầu bằng quản lý cẩn thận gian bếp, sử dụng bình gas có van an toàn, có vỏ bọc phòng chống nổ; nấu nướng xong phải khóa gas, không đặt vật liệu dễ cháy gần bếp; không dự trữ chất dễ cháy trong nhà; ổ điện có hộp ốp bên ngoài, cầu dao tự động ngắt khi có vấn đề; tắt các thiết bị điện khi ra khỏi nhà. Nên sắp xếp xe cộ, đồ đạc trong nhà ngăn nắp, gọn gàng, chừa lối đi thông thoáng, rộng rãi để dễ thoát hiểm.

Trong mỗi phòng và cạnh điện thoại bàn, cần có những số điện thoại khẩn cấp: cứu hỏa, cứu thương… và dạy trẻ học thuộc, biết cách gọi. Cha mẹ tuyệt đối không khóa trái cửa, để trẻ ở nhà một mình, dù là ra ngoài “xíu về liền”.

Trẻ lớn nên được hướng dẫn sử dụng chìa khóa dự phòng để có thể mở khóa thuần thục. Phụ huynh nhớ thường xuyên nhắc nhở trẻ báo cho người khác ngay khi nhận thấy có dấu hiệu lạ, ngửi thấy mùi lạ như mùi bắp cải thối (xì gas), khét (cháy, chập điện).

Nên mua nhiều loại bình cứu hỏa với nhiều dung tích khác nhau. Trẻ bốn tuổi nếu được hướng dẫn, đã có thể cầm và sử dụng bình 1kg. Bình PCCC cần đặt nơi cố định, thoáng mát, dễ thấy, dễ lấy. Bình nên thường xuyên được kiểm tra hạn sử dụng, để ý vạch màu trên đồng hồ bình để nạp khí kịp thời khi vạch màu chuyển đỏ.

Giup tre ung pho voi nguy hiem: Ky nang phong chay chua chay

Hướng dẫn kỹ năng chữa cháy cho học sinh (ảnh do Cảnh sát PCCC TP.HCM cung cấp)

Cháy: trẻ chạy hay chữa?

Thực ra, trẻ từ độ tuổi mầm non đã biết tự thoát hiểm. Cha mẹ cần dạy trẻ bình tĩnh và thường xuyên hướng dẫn, nhắc nhở trẻ. Với trẻ trên sáu tuổi, cha mẹ nên dạy kỹ năng chữa cháy, có thể cho phép trẻ cùng dập lửa (với đám cháy nhỏ), nhưng với trẻ dưới sáu tuổi, chỉ nên chú trọng kỹ năng thoát hiểm. Đừng quên chỉ lối thoát nạn cho trẻ: các cửa trong nhà, buồng thang bộ, buồng thang kín ở chung cư, tòa nhà cao tầng.

Tập cho trẻ thói quen tìm chữ “exit” (lối thoát) khi đến những nơi lạ. Dạy trẻ khi có sự cố, tuyệt đối không vào thang máy vì chắc chắn sẽ cúp điện, thang không thể vận hành. Hướng dẫn trẻ xác định hướng cháy, men theo tường để thoát ra vì có thể khói mù mịt không thấy đường. Dùng khăn ướt bọc qua hai tai, che mũi miệng tránh nhiễm khí độc; dùng chăn ướt bọc quanh người để hạn chế sức nóng, lửa táp.

Phụ huynh nên dạy trẻ cố thoát ra ngoài càng nhanh càng tốt, nhưng tránh hoảng loạn, cuống cuồng giẫm đạp nhau; không mang theo đồ đạc, không cố quá sức tìm cách cứu giúp người khác, dễ dẫn đến bi kịch chết nhiều người. Đối với đám cháy nhỏ, có thể nối dây leo xuống để thoát thân, với điều kiện dây chắc chắn và đòi hỏi sự bình tĩnh, kỹ năng leo. Nếu đám cháy từ dưới lên, trẻ nên chạy ra ban công, chỗ thoáng khí để không bị ngộp. Dùng quần áo, vải sáng màu quơ lên và hô hoán để người khác đến cứu. Khi mắc kẹt, nên khóc la, đánh khua để được người khác tìm thấy.

Khi phát hiện cháy nổ, mau chóng báo động cho mọi người trong nhà, hàng xóm cùng biết: sử dụng hệ thống báo cháy, cúp cầu dao điện (đối với trẻ lớn), gọi 114, dùng bình chữa cháy để dập tắt đám cháy. Đối với đám cháy nhỏ, dùng xô chậu xách nước hắt vào đám cháy, lấy chăn ướt trùm lên (trừ đám cháy xăng dầu); lấy xẻng, cây sắt tách vật liệu cháy, lấy bình chữa cháy phun xịt để không cháy lan. Khi cùng chữa cháy, trẻ phải tuân thủ theo người lớn, người điều khiển, nhất là thông tin phát trên loa của lực lượng chức năng.

Không chỉ cung cấp cho con thông tin, kiến thức về PCCC, phụ huynh nên cho trẻ đi thăm mô hình PCCC, cả nhà cùng tham gia các cuộc thi về PCCC do trường học, cơ quan, tổ dân phố… tổ chức để gắn kết bài học với thực tế, tập cho trẻ phản xạ nhanh nhạy, rèn luyện thao tác và nâng cao ý thức cảnh giác.

 TÔ DIỆU HIỀN (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI