Giúp trẻ ứng phó với nguy hiểm: Khi trẻ ở nhà một mình

31/03/2015 - 08:34

PNO - PN - Trẻ ở nhà một mình, đồng nghĩa với việc đối diện với những hiểm nguy. Trong tình huống đó, làm sao để các bậc cha mẹ không phải thấp thỏm lo âu?

edf40wrjww2tblPage:Content

Chuyên viên tâm lý Lê Khanh, Phó giám đốc chuyên môn Trung tâm Tư vấn tâm lý và đào tạo kỹ năng Rồng Việt - Vũng Tàu, chia sẻ một số kỹ năng nhằm giúp trẻ biết bảo vệ bản thân.

Giup tre ung pho voi nguy hiem: Khi tre o nha mot minh

Trẻ từ sáu tuổi trở lên đã có thể nhận biết tương đối về thế giới xung quanh, rất thích khám phá, tìm hiểu. Vì vậy, khi được ở nhà một mình, trẻ thường tranh thủ “quậy” thoải mái mà không bị la mắng, nhưng trẻ lại không nhận thức được những nguy hiểm xung quanh. Cha mẹ phải là người đầu tiên trang bị cho con những kỹ năng ứng phó này.

Khi vui chơi, chạy nhảy trong nhà, trẻ dễ va chạm với các đồ vật. Vì vậy, nên hạn chế trưng bày các vật dụng có khả năng gây nguy hiểm cho trẻ như chai, lọ thủy tinh, khung hình làm bằng sắt… Phải nghiêm cấm trẻ sử dụng ổ cắm điện, dây điện, vòi nước, bếp gas, hay các loại hóa chất… tập cho trẻ không được tự ý xuống bếp hay vào nhà tắm nghịch ngợm.

Cha mẹ cần hướng dẫn trẻ cách ứng xử với các sự cố như vỡ ống nước, cháy nổ; chẳng hạn dạy cho trẻ học thuộc số điện thoại của cha mẹ, của các cơ quan cấp cứu để gọi khi cần thiết. Luyện tập cho trẻ bằng cách cùng trẻ chơi trò chơi, sắm vai, để trẻ vừa thích thú, vừa thấm nhanh và nhớ lâu bài học.

Ở độ tuổi này, trí tưởng tượng của trẻ rất phong phú. Đôi khi nhiều khu vực trong nhà lúc nhỏ bé không quan tâm, nhưng khi lớn lên những nơi ấy gợi sự tò mò trong trẻ. Bé có thể hình dung ra đó là nơi cất giấu kho báu hoặc bí mật nào đó. Vì vậy, sắp xếp đồ đạc trong nhà kho hay thiết kế nhà cửa cũng cần tránh những góc cạnh hay cấu trúc có thể gây nguy hiểm cho trẻ. Điển hình là câu chuyện của anh Hòa Bình (Biên Hòa, Đồng Nai).

Hôm đó, nghe tin em trai bị tai nạn, anh vội vã vào bệnh viện, để con gái chín tuổi ở nhà một mình. Bé muốn vào phòng làm việc của bố nhưng cửa bị khóa, bé bắc ghế trèo để chui vào từ ô thông gió. Khi bé đưa được đầu vào bên trong thì bất ngờ chiếc ghế ngã làm bé bị treo lơ lửng, may mắn anh Bình về kịp.

Khi ở nhà một mình, trẻ có thể tiếp xúc với người ngoài. Cha mẹ cần trang bị cho trẻ kỹ năng nhận biết và ứng xử với người lạ khi cha mẹ đi vắng. Ví dụ, giúp trẻ nhận ra nhân viên thu tiền điện, nước hay công an khu vực thông qua đồng phục, vật dụng họ mang theo… Có thể dạy trẻ hỏi thông tin của khách, nếu khách tự nhận là người quen, như: tên, nhà ở đâu, làm công việc gì, và quen biết với cha mẹ như thế nào…

Sau đó, trẻ phải điện thoại báo ngay cho cha mẹ và chỉ mở cửa khi cha mẹ cho phép. Nếu bản thân trẻ nhận ra đó là người quen, mời vào nhà thì khi tiếp khách phải mở rộng cửa cái, cửa sổ, báo cho cha mẹ biết. Khi gặp dấu hiệu hay thái độ tỏ ra nguy hiểm từ “vị khách”, phải biết tìm cách chạy ra ngoài nhờ hàng xóm giúp đỡ.

Để trẻ thấm nhuần và nhớ lâu, cha mẹ phải cùng con thực hành nhiều lần, và không nên dạy trẻ bằng lý thuyết suông. Có thể cùng con giả định tình huống, cha hoặc mẹ đóng vai người lạ để bé thực hành. Hoặc khi nhà có khách, thử cho bé thay mặt đón tiếp, còn cha mẹ thì tránh mặt, giám sát trẻ ứng xử. Lâu dần, những phản ứng đó trở thành thói quen, giúp trẻ nhạy bén và áp dụng nhanh nhẹn khi gặp tình huống tương tự.

Dạy trẻ kỹ năng ứng phó khi ở nhà một mình là cần thiết, bởi khi đứa trẻ trải qua một tình huống nào đó không được hướng dẫn trước, báo trước sẽ bị ảnh hưởng tâm lý của trẻ, bé sẽ có cảm giác hoang mang, lo lắng. Chuyên viên Lê Khanh cho biết, từng gặp nhiều tình huống trẻ trở nên nhút nhát sau khi tiếp xúc với người lạ mà không có cha mẹ bên cạnh. Cha mẹ chỉ buộc lòng để trẻ ở nhà một mình khi rơi vào hoàn cảnh không thể làm khác.

 LINH GIANG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI