Giúp trẻ ứng phó với nguy hiểm: Biết bơi thôi chưa đủ!

07/04/2015 - 11:39

PNO - PN - Thỉnh thoảng, các bậc phụ huynh lại bàng hoàng, hoang mang trước thông tin tai nạn đuối nước của trẻ em. “Cho con học bơi là điều kiện cần, thế nhưng, còn có những kiến thức, kỹ năng an toàn giúp trẻ có thể tồn tại ở môi trường nước” - đó là chia sẻ của thầy Quách Kiện Sanh, giáo viên thể dục, Trường Tiểu học Vĩnh Lộc B, H.Bình Chánh, TP.HCM.

edf40wrjww2tblPage:Content

“Trang bị” trước khi xuống nước. Ngoài mục đích giữ vệ sinh cho bể bơi, việc tắm trước khi bơi còn rất cần thiết, giúp cơ thể thích nghi dần với môi trường nước, tránh bị sốc nhiệt khi đã nhảy xuống bể bơi, nhất là trong những ngày nắng nóng. Ngoài ra, để an toàn, phụ huynh cần chọn cho trẻ đồ bơi vừa vặn, gọn gàng; không đeo các trang sức như vòng cổ, hoa tai để tránh vướng víu khi bơi. Trước khi xuống hồ, trẻ cần dành vài phút để khởi động, tránh những sự cố như vọp bẻ khi đang bơi.

Kiểm tra độ sâu của nước. Chủ quan rằng mình biết bơi, trẻ thường vội vã nhảy xuống bể. Để tránh tai nạn, trước khi xuống nước, trẻ cần biết kiểm tra độ sâu bằng cách dùng gậy, khua từ từ vào nước để cảm nhận các vật cản (đá, rong rêu, rác...) ở môi trường nước tự nhiên và tìm biển báo hiệu độ sâu hoặc hỏi các nhân viên cứu hộ ở bể bơi. Nên để chân tiếp xúc với nước trước, tuyệt đối không nhảy ngay hoặc lặn ngay xuống nước.

Tiết chế sự hiếu động. Trẻ em thường hiếu động, nhất là khi các em ở một nơi tập trung nhiều bạn bè cùng trang lứa như bể bơi. Vì vậy, phụ huynh cần giúp trẻ nhận diện những nguy hiểm khi vui đùa, chạy nhảy. Dù đã bơi thành thạo, trẻ cũng không nên bám víu, dìu đỡ nhau.

Hiểu rõ khả năng bơi lội của bản thân. Nhiều em nhỏ ngộ nhận rằng mình đã biết bơi khi có thể úp mặt nín thở, rồi quạt tay, đập chân cho người di chuyển về phía trước. Hoặc, mới biết bơi nhưng trẻ lại muốn thử sức bơi quãng dài. Trong trường hợp này, di chuyển đến lúc hết sức, thường trẻ đã ra đến chỗ nước sâu, không thể chạm chân xuống đáy hồ để đứng lên được. Vì thế, trẻ cần được dặn dò để hiểu rằng, sự hiếu kỳ, mạo hiểm không bao giờ được phép thử nghiệm ở môi trường nước.

Ứng phó khi bị vọp bẻ. Vọp bẻ hay chuột rút là hiện tượng phổ biến, khi các cơ bị co rút, đau đớn, gây ra nhiều tai nạn đáng tiếc khi bơi lội. Nếu bị chuột rút khi ở gần bờ, trẻ cần lên bờ, xoa bóp bộ phận bị chuột rút, chú ý giữ ấm cơ thể, không quay xuống nước bơi tiếp.

Giup tre ung pho voi nguy hiem: Biet boi thoi chua du!

Trẻ cần được hướng dẫn những kỹ năng để có thể tồn tại ở môi trường nước

Tuy nhiên, hầu hết trường hợp bị chuột rút khi các em đang ở khá xa để có thể tự lên bờ. Khi ấy, nếu bị chuột rút ở tay, trẻ cần nắm chặt bàn tay, sau đó dùng sức xòe ra, lặp lại vài lần là khỏi. Nếu bị chuột rút ở cẳng chân hoặc ngón chân, phải hít một hơi dài để nổi người lên mặt nước, dùng tay (khác bên) nắm lấy ngón chân bị chuột rút, kéo ngược lên phía thân người; đồng thời dùng tay cùng bên với chân bị chuột rút ấn vào đầu gối của chân bị chuột rút, làm cho chân bị chuột rút thẳng ra.

Thuần thục kỹ năng thoát hiểm cơ bản. Trong trường hợp bất khả kháng như gặp dòng nước xoáy, bất ngờ rơi xuống nước, hụt chân, loạn nhịp bơi... trẻ cần bình tĩnh, và lần lượt thực hiện các bước thoát hiểm:

Bước 1: Không quẫy đạp mạnh để tránh mất sức và nhanh chìm.

Bước 2: Bình tĩnh nhắm mắt, ngậm miệng, nín thở (có thể lấy tay bịt mũi) để phổi không bị sặc nước, trở về tư thế bập bênh bán an toàn, đầu nổi sát mặt nước.

Bước 3: Dùng tay hoặc chân làm mái chèo, quạt nước nghiêng đẩy đầu nhô khỏi mặt nước (hoặc quạt nước xiên, đẩy người bơi đi dễ dàng).

Bước 4: Khi chuyển động lên xuống, về phía trước, hãy nhớ: lúc trên mặt nước, há miệng to hít vào thật nhanh và sâu; dưới mặt nước ngậm miệng, thở ra từ từ bằng mũi hoặc bằng miệng.

Cứu đuối. Những trường hợp trẻ chết đuối ngay giữa hồ bơi đông người thường do người xung quanh không nhận biết được tình trạng đuối nước của trẻ, hoặc nhìn thấy mà nghĩ trẻ đang đùa giỡn. Vậy nên, khi ở hồ bơi, mọi hiện tượng chới với, vùng vẫy, trồi sụt đều nên được hiểu là biểu hiện của đuối nước. Vì vậy, trẻ không nên đùa giỡn, giả vờ đuối nước để tránh việc người khác thờ ơ khi thấy biểu hiện đuối nước thật của mình.

Khi thấy bạn mình có những biểu hiện đuối nước, trẻ cần lập tức lên bờ, kêu cứu. Nếu ở ao, hồ, sông, suối, sau khi hô to, trong lúc chờ người đến ứng cứu, các em cần nhanh chóng tìm những vật dụng có thể cứu hộ như: khăn, dây, gậy, sào, vật nổi (phao, can nhựa, quả bóng, quả dừa...) quăng xuống nước cho bạn bám vào.

Để tránh những tai nạn thương tâm khiến một nhóm trẻ chết đuối, trẻ cần được giải thích rằng, trực tiếp cứu đuối là một việc nằm ngoài khả năng của các em. Các em tuyệt đối không được đến gần, hay nhảy xuống nước cứu bạn mà phải gắng sức kêu gọi sự giúp đỡ.

Trong trường hợp bị người đuối nước bám víu, trẻ cần lấy hơi, hụp sâu xuống nước; người bạn đuối nước sẽ thôi bám víu, trẻ nhân cơ hội này để bơi vào bờ, kêu gọi sự ứng cứu.

 THANH TÂN

(ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI