Giúp trẻ tự lập bằng cách đồng hành chứ không bảo bọc

09/11/2023 - 06:10

PNO - Trong nhiều năm, thời gian và sự chú ý của Vanessa Cornell (Mỹ) hoàn toàn đặt hết vào lịch trình và nhu cầu của 5 đứa con. Cô nghĩ mình là “người mẹ tốt” khi từ bỏ lợi ích của bản thân để lo cho các con. Nhưng rồi một ngày, cô cảm thấy kiệt sức.

Rào cản từ sự quan tâm quá mức

Vanessa Cornell cho biết: “Ban đầu, tôi đã cảm thấy có gì đó không ổn. Dần dần, tôi cảm thấy bất hạnh, bực bội và mắc kẹt với những nhiệm vụ ở nhà”. 

Cha mẹ cần mạnh dạn giúp trẻ phát triển khả năng tự lập sớm ngay từ giai đoạn tiểu học - Nguồn ảnh: iStock
Cha mẹ cần mạnh dạn giúp trẻ phát triển khả năng tự lập sớm ngay từ giai đoạn tiểu học - Nguồn ảnh: iStock

Robin Stern - Phó giám đốc Trung tâm Trí tuệ cảm xúc của Đại học Yale (Mỹ) - cho biết, sự giằng co giữa các ưu tiên, lo lắng về đời sống xã hội và tình cảm của các con, cũng như về thành tích và tương lai của chúng thường thấy ở các bậc cha mẹ.  Vanessa đã lớn lên với suy nghĩ để xứng đáng được cha mẹ yêu thương và ủng hộ, cô cần trở nên hoàn hảo và có thành tích xuất sắc. Những áp lực đó khiến cô vô tình theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo trong cách nuôi dạy con cái.

Sarah Clark - thạc sĩ về y tế công cộng, người đồng chỉ đạo cuộc thăm dò quy mô quốc gia của Bệnh viện Nhi đồng C.S. Mott thuộc Đại học Michigan (Mỹ) - cho biết: "Một số phụ huynh có thể đang bỏ lỡ cơ hội hướng dẫn con thực hiện các nhiệm vụ tự chủ và vô tình cản trở sự phát triển tính độc lập, kỹ năng giải quyết vấn đề của trẻ".

Kết quả khảo sát cho thấy 80% cha mẹ có con từ 9-11 tuổi đồng ý rằng trẻ nên có thời gian rảnh rỗi, không chịu sự giám sát của người lớn. Nhưng chỉ một số ít cho biết con họ có thể thực sự tự làm một số việc nhất định mà không cần sự giúp đỡ từ người lớn. Khoảng 60% cha mẹ được khảo sát cho phép trẻ ở nhà một mình trong 30-60 phút, 50% cha mẹ cho con cái tự đi tìm hàng hóa tại siêu thị. Lý do hàng đầu khiến các bậc cha mẹ ngần ngại thúc đẩy khả năng độc lập của con là vì sự an toàn.

Một số người khác mắc kẹt trong thói quen. Họ cho rằng con mình không muốn tự làm mọi việc hoặc chưa đủ trưởng thành, sẽ mất nhiều thời gian để trẻ có thể thực hiện công việc hoặc kết quả sẽ không theo đúng cách mà phụ huynh mong muốn.

Mạnh dạn giúp trẻ tự lập

Cô Sarah Clark cho biết: "Trở nên độc lập là một quá trình dần dần, điều đó cho phép trẻ có nhiều tự do hơn. Cần có sự đồng hành của cha mẹ trong quá trình đó để dạy các kỹ năng và giúp trẻ hiểu được hậu quả từ những lựa chọn của mình. Khi trẻ trở nên có kinh nghiệm hơn và thoải mái hơn với các nhiệm vụ, chúng có thể đảm nhận trách nhiệm và thực hiện chúng một cách thường xuyên. Kết quả các nghiên cứu cho thấy việc khuyến khích tính độc lập sẽ nuôi dưỡng sự tự tin, khả năng phục hồi, khả năng giải quyết vấn đề và sức khỏe tâm thần của trẻ".

Giáo sư Kenneth Ginsburg từ trường y thuộc Đại học Pennsylvania (Mỹ) giải thích: “Điều quan trọng nhất mà cha mẹ có thể làm để nuôi dạy những đứa trẻ khỏe mạnh, kiên cường là cho chúng thấy rằng chúng xứng đáng được yêu thương vô điều kiện”. Vienna Pharaon - một nhà trị liệu gia đình ở New York và là tác giả cuốn sách The Origins of You - nói thêm: "Nếu cha mẹ không chắc bản thân muốn giữ và buông bỏ những gì, hãy tưởng tượng con bạn khi trưởng thành. Bạn muốn chúng kể câu chuyện gì về tuổi thơ? Sau đó, hãy tự hỏi liệu bạn có đang giúp chúng kể câu chuyện đó không". 

Ngọc Hạ (theo The Washington Post, News Medical)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI