Giúp trẻ quản lý tiền

23/02/2017 - 06:30

PNO - Neale S. Godfrey, tác giả quyển sách Tiền không mọc trên cây, khẳng định, kỹ năng quản lý tài chính quan trọng với trẻ không kém bất kỳ kỹ năng sống nào.

Cứ mỗi giữa tháng là cô em họ 23 tuổi của tôi, Huyền Vy lại loay hoay mượn tiền người này người nọ vì đã chi xài hết sạch tiền lương. Mọi người trong nhà thường khuyên em phải tập quản lý chi tiêu hàng tháng, chỉ chi xài 2/3 lương, tập dành dụm “làm khi lành dành khi đau”. Nhưng Vy chỉ cười cười: “Còn người là còn của”. Cậy mình trẻ, khỏe, mãi đến hôm Vy bị tai nạn xe, chấn thương đầu, trong nhà không còn tiền, mẹ cô phải đi vay mượn khắp nơi, nằm trên giường bệnh, có lẽ cô đã thấm thía phần nào.

Giup tre quan ly tien
 

Giống Huyền Vy, khi đã lập gia đình, làm vợ, làm mẹ rồi mà Hoài Phúc vẫn cứ loay hoay với chuyện chi tiêu. Bao giờ Phúc cũng chỉ có một câu hỏi đặt ra với chồng: “Tiền tụi mình làm ra đâu mất hết rồi ta?”. Vò đầu bứt tóc trước cô vợ đoảng, chồng Phúc đành phải gánh vai trò tay hòm chìa khóa, vì không ít lần cả nhà phải ăn mì gói trừ cơm khi tiền đã “không cánh mà bay”.

Sẽ không sớm khi vấn đề quản lý tài chính là một trong những nội dung cần giáo dục trẻ ngay từ thuở nhỏ. Neale S. Godfrey, tác giả quyển sách bán chạy , khẳng định, kỹ năng quản lý tài chính quan trọng với trẻ không kém bất kỳ kỹ năng sống nào. Bà cho rằng tiền bạc là một thước đo giá trị - giá trị sức lao động, giá trị thời gian, giá trị mọi thứ. Và hiểu về giá trị là bước đầu quan trọng để hiểu về các giá trị.

Do đó, các bậc cha mẹ cần dạy trẻ những bài học về đồng tiền từ khi con lên ba, vì đây là độ tuổi các bé đã có thể nhận thức được những điều mình mong muốn, nên là thời điểm thích hợp cho con làm quen với tiền. Bà khuyên phụ huynh nên chuẩn bị cho con bốn chiếc bình để phân bổ tiền. Bình thứ nhất là tiền dành cho từ thiện. Bình thứ hai dùng để chi tiêu nhu cầu hàng ngày dưới sự giám sát của cha mẹ. Bình ba là tiền tiết kiệm trung hạn, dành để mua các vật dụng mà trẻ phải lên kế hoạch từ trước.

Và chiếc bình cuối cùng là tiết kiệm dài hạn, dành để thực hiện các ước mơ như vào đại học, đi du lịch… Tiền trong bốn chiếc bình là tiền thu được từ các khoản tiền tiêu vặt, tiền được thưởng, tiền từ công việc làm thêm… được chia với tỷ lệ 10% cho bình thứ nhất và 30% cho các bình khác.

Với trẻ nhỏ, những bài học cần thật giản dị. Ví dụ như khi trẻ đòi mua một món đồ chơi, hoặc khi chúng ta dắt con đi mua sắm, hãy trao đổi cùng trẻ về giá cả, giá trị món hàng, để cả hai cùng cân nhắc về quyết định có nên mua hay không. Dạy con giá trị đồng tiền cũng đồng nghĩa việc ta trao đổi với trẻ về công sức lao động. Để con hiểu được rằng, muốn có được số tiền ấy, cha mẹ phải lao động vất vả như thế nào, mệt mỏi ra sao… Ý thức được giá trị, các con tự khắc sẽ biết trân trọng, cân nhắc khi cần sử dụng.

Chị Hoàng Thanh, nhà ở đường Lương Định Của, Q.2, TP.HCM, khi trao đổi kinh nghiệm dạy con cách sử dụng đồng tiền với các bậc phụ huynh khác trong một diễn đàn trên mạng đã nêu ví dụ cụ thể của gia đình mình. Khi con năm tuổi, chị bắt đầu tập cho con để dành lại các chai nhựa, giấy, báo cũ… để bán ve chai. Chị cho bé tham gia cùng bán chung với mình, để bé tận tường hiểu được công sức lao động bấy lâu để dành các vật dụng sẽ có được giá trị bao nhiêu.

Tiền bán được, chị mua cho con một chú heo đất để cất vào. Tiền lì xì dịp tết cũng được mẹ yêu cầu bé cất vào đấy. Mỗi khi muốn mua một món đồ gì, bé phải có kế hoạch xin bố mẹ trước, và phải chứng minh được là không tiêu xài hoang phí thì mới được “duyệt”. Vì vậy đến năm 15 tuổi, bé đã biết xin phép cha mẹ cho kinh doanh trên mạng bán các vòng đeo tay, đeo cổ bé tự làm. Đã quen nếp quản lý tài chính từ nhỏ, nên con gái chị Thanh thuần thục trong việc thu - chi. Cuối năm, bé còn mua tặng cha mẹ mỗi người một bộ quần áo mới nhờ tiền tiết kiệm của mình.

Chị Ngọc Bích, giáo viên ở Q.12, cũng có cách dạy con thú vị không kém. Vì Huân là cháu trai độc nhất nên được hai bên nội ngoại cưng chiều. Đồ chơi Huân sở hữu nhiều như của… một trường mẫu giáo! Quần áo cũng thế, em mặc không kịp vì có đồ mới liên tục, và sớm bị chật, ngắn. Không nhận được sự đồng thuận trong cách chi xài đồ dùng, vật dụng cho con từ gia đình lớn, chị Bích lẳng lặng tranh thủ dịp cuối tuần đưa con đến thăm các mái ấm, nhà mở, làng trẻ em SOS…

Nhìn cảnh các bạn đồng trang lứa còn thiếu thốn, Huân chủ động về nhà thu gom quần áo, đồ chơi còn mới, phần đem tặng các bạn, phần cùng mẹ đem đến bày bán ở các hội chợ giảm giá. Bán được món hàng nào, mẹ đều đưa Huân tiền. Em cất cẩn thận vào chiếc hộp gỗ, mỗi tháng lại xin mẹ chở đến thăm các bạn có hoàn cảnh khó khăn, mua tặng các bạn ấy tập, sách, đồ chơi.

Và, một điều không kém phần quan trọng, là cách thức chi tiêu của chính người lớn chúng ta, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến con cái.

Khánh Thủy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI