Giúp trẻ mắc chứng khó đọc phát triển về mặt học thuật và xã hội

27/12/2024 - 18:08

PNO - Năm 1992, một nhóm phụ huynh, nhà giáo dục và nhà từ thiện đã cùng nhau thành lập Hiệp hội Chứng khó đọc Madras (MDA).

MDA đã tận tụy phục vụ trẻ em mắc chứng khó đọc - Nguồn ảnh: The Better India
MDA đã tận tụy phục vụ trẻ em mắc chứng khó đọc - Nguồn ảnh: The Better India

Sứ mệnh của hiệp hội là hỗ trợ trẻ em mắc chứng khó đọc thông qua các giải pháp thực tế, tập trung vào giáo dục cá nhân hóa và tạo ra một môi trường giúp trẻ phát triển về mặt học thuật và xã hội.

Ngày 20/10, MDA (trụ sở tại Chennai, Ấn Độ) đã tổ chức “Cuộc đi bộ nâng cao nhận thức về chứng khó đọc” từ bãi biển Besant Nagar. Đây là một trong nhiều hoạt động nhằm kỷ niệm Tháng nâng cao nhận thức về chứng khó đọc được tổ chức trên toàn thế giới vào tháng Mười hằng năm.

D Chandrasekhar - người sáng lập MDA - cho biết: “Các sự kiện này là những bước đầu tiên cần thiết hướng tới việc tạo ra một “xã hội nhạy cảm với chứng khó đọc”, qua đó giúp phụ huynh, giáo viên xác định và chấp nhận tình trạng thần kinh trên, tạo điều kiện cho trẻ mắc chứng khó đọc học các chiến lược đối phó bằng các phương pháp đa giác quan. Điều đó đảm bảo rằng những cá nhân mắc chứng khó đọc có một cuộc sống hữu ích thay vì bị bỏ rơi”.

Chandrasekhar nói thêm: “Một trong những quan niệm sai lầm lớn nhất của mọi người là trẻ em mắc chứng khó đọc không thông minh. Trên thực tế, các em rất thông minh với chỉ số IQ trên 85. MDA đã xóa bỏ những quan niệm sai lầm bằng cách trình bày các chương trình khắc phục”.

Trong 3 thập niên qua, MDA đã giúp đỡ và hỗ trợ khắc phục cho trẻ mắc chứng khó đọc và cha mẹ các em thông qua Trung tâm Học tập và Nghiên cứu Ananya (ALRC). Họ cũng tích cực hoạt động để nâng cao nhận thức cho cộng đồng, giúp các trường học thiết lập phòng tài nguyên và tiến hành các chương trình đào tạo giáo viên.

Hà Thụy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI