Giúp trẻ lớp 1 sớm thích nghi khi đến trường

11/01/2022 - 07:46

PNO - Chia nhóm “đổi gió” tiết dạy trực tuyến, giới thiệu trường lớp, họp phụ huynh… là cách thức đang được giáo viên lớp 1 tại TPHCM áp dụng, chuẩn bị đón học sinh lớp 1 trở lại trường sau tết Nguyên đán.

Trang bị cho trẻ kỹ năng học trực tiếp

Theo kế hoạch của Sở GD-ĐT TPHCM, sau tết Nguyên đán năm 2022, học sinh lớp 1, lớp 2 sẽ đi học trực tiếp để làm bài kiểm tra học kỳ I. Học sinh lớp 3, 4, 5 sẽ làm bài kiểm tra học kỳ theo hình thức trực tuyến từ ngày 10-22/1.

Hiện nay, nhà trường, giáo viên đang quan tâm trang bị kỹ năng học trực tiếp cho trẻ thông qua nhiều hình thức. 

Trẻ lớp 1 cần được quan tâm hình thành các kỹ năng học trực tiếp từ bây giờ
Trẻ lớp 1 cần được quan tâm hình thành các kỹ năng học trực tiếp từ bây giờ

Quan điểm chỉ khi phụ huynh “ổn định tâm lý” thì trẻ lớp 1 mới vững tâm lý khi trở lại trường học trực tiếp, từ tuần trước cô Nguyễn Thị Thanh Huyền (giáo viên lớp 1, Trường TH Bình Trị Đông 2, quận Bình Tân) đã tổ chức họp phụ huynh trực tuyến. 

“Buổi họp phụ huynh ngoài chia sẻ đến phụ huynh về lợi ích của việc trẻ lớp 1 trở lại trường học trực tiếp sau thời gian học trực tuyến kéo dài thì còn thông tin đến phụ huynh về kiến thức, cách thức, dạng đề của kỳ kiểm tra học kỳ I để phụ huynh an tâm và có sự phối hợp”, cô Huyền cho biết. 

Đặc biệt, giáo viên này nhận định, chỉ khi phụ huynh vững vàng về tâm lý, nhận thức một cách nghiêm túc sự cần thiết việc trẻ phải được đến trường học trực tiếp thì mới có sự hỗ trợ phù hợp, giúp trẻ sẵn sàng thích ứng khi trở lại trường. 

Từ vài tuần nay, các tiết học trực tuyến với học sinh lớp 1 của cô Ngô Nguyễn Thùy Anh (giáo viên lớp 1, Trường TH Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú) được thực hiện theo hình thức chia các nhóm nhỏ, giáo viên sẽ vào từng nhóm tương tác với từng học sinh thay vì dạy trực tuyến theo cả lớp như trước đây.

Với việc “đổi gió” phương pháp, theo cô Thùy Anh, không chỉ tạo sự thích thú cho học sinh trong học trực tuyến, mà còn tạo điều kiện để học sinh chủ động học, mạnh dạn tương tác với giáo viên và các bạn. Xa hơn là hướng tới trang bị cho học sinh các kỹ năng cần thiết để chuẩn bị trở lại trường. 

Tương tự, bà Võ Thị Diễm Phượng - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Cần Giờ cho hay, khi học trực tuyến kéo dài trẻ quen với các thói quen, kỹ năng học trực tuyến. Để trẻ sớm thích nghi với việc đi học trực tiếp thì các kỹ năng học trực tiếp cho trẻ cần được giáo viên hình thành từ giờ.

“Hiện giáo viên vừa dạy vừa ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh, thường xuyên trò chuyện với trẻ về trường, lớp, trang bị cho các em kỹ năng phòng dịch khi đến trường, từ đó sẽ giúp trẻ làm quen, hình dung về trường lớp, thích thú, hào hứng khi đến trường…”, bà Phượng nói. 

Tránh lây lan tâm lý tiêu cực cho trẻ

Để giúp trẻ lớp 1 vững vàng tâm lý khi đến trường học trực tiếp, ThS. tâm lý Lê Minh Huân - sáng lập Trung tâm Ứng dụng Tâm lý - Giáo dục An nhiên cho hay, trước tiên phụ huynh cần trấn an bản thân, tránh lây lan tâm lý tiêu cực cho trẻ. Hạn chế nhắc tới hoặc xoáy sâu vào các chủ đề khiến gia đình cảm giác rối hơn, lo lắng tăng lên như: con sẽ không quen nề nếp, lạ lẫm với bạn bè, phải làm quen với các bạn ngoài đời thực chứ không còn là nhìn nhau trên mạng.

Phụ huynh cũng không nên chất vấn con rằng con có sợ không, con có làm được không, con có muốn ở nhà học online tiếp tục không? Thay vào đó, hãy suy nghĩ tích cực hơn. Hãy dạy con cách xử lý tình huống như làm quen bạn mới, bắt chuyện thế nào, tập trung ra sao, nội quy trường học thường có những gì. Hãy kể cho con biết đến trường sẽ có lợi ích gì.

“Điều này giúp trẻ hào hứng hơn, sẵn sàng đến lớp chứ không phải “được gieo” những lo lắng, sợ hãi. Trên hết, phụ huynh cần chuẩn bị tâm lý đồng hành cùng con, nhất là khi con thích nghi chậm hoặc khó thích nghi”, ThS. Huân nói.

Sẽ có những nhóm đối tượng gặp khó hơn khi đến trường
Sẽ có những nhóm đối tượng gặp khó hơn khi đến trường

Cũng theo chuyên gia này, giáo viên chủ nhiệm cần khéo léo bắt chuyện với trẻ, ghi nhớ đặc điểm của trẻ khi học online, thường xuyên khen trẻ và tạo điều kiện cho trẻ phát huy. Giáo viên cần mang tâm thế lắng nghe trẻ như một người bạn lớn để khi gặp vấn đề gì, trẻ cởi mở chia sẻ.

Ngoài ra, giáo viên cần quan sát từng biểu hiện của trẻ để đánh giá mức độ thích nghi của trẻ với bài vở, bạn bè, thầy cô…

“Một trong những lưu ý đặc biệt hơn cả là trẻ quay trở lại trường ngay gần ngày kiểm tra học kỳ I, giáo viên chủ nhiệm cần động viên trẻ học bài, ôn tập lại cho trẻ, phân loại nhóm trẻ ổn hơn và yếu hơn để phân bố sự quan tâm, thời gian giúp đỡ sao cho phù hợp. Phối hợp với phụ huynh để cùng giúp trẻ học mà không gây áp lực nặng nề cho trẻ”, ThS. Lê Minh Huân gợi ý. 

Sẽ có những nhóm trẻ gặp "khó" cần được quan tâm đặc biệt

Khi học sinh lớp 1 lần đầu tiên đến trường sau thời gian học trực tuyến kéo dài và trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, ThS. Lê Minh Huân nhìn nhận, sẽ có những nhóm học sinh gặp "khó" hơn cả cần được quan tâm đặc biệt. Bao gồm, trẻ đặc biệt (trẻ chậm phát triển ngôn ngữ, chậm phát triển trí tuệ, tăng động giảm chú ý, tự kỷ... ở thể nhẹ, có thể hòa nhập được); trẻ đáp ứng kỷ luật thấp, khó thích nghi với tập thể; nhóm trẻ chưa có khả năng tự lập, chăm sóc bản thân…

“Giáo viên cần quan tâm đặc biệt hơn và có ứng xử phù hợp với các nhóm học sinh này, như giảng bài kỹ hơn cho các em, kiểm tra và giúp đỡ khi có thời gian, phối hợp chặt chẽ với gia đình để giúp trẻ hòa nhập. Thầy cô cũng nên báo với ban giám hiệu. Trường hợp phát hiện trẻ không đáp ứng được chương trình học, giáo viên nên thông báo với phụ huynh để đưa trẻ đi thăm khám, đánh giá tâm lý, nhận thức, tìm giải pháp phù hợp”, ThS. Lê Minh Huân nói. 

Én Bông 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI