Chúng ta gần như không thể ước lượng được cái gọi là tư duy, đặc biệt trong một môi trường mà cách dạy-học và đánh giá học sinh (HS) còn chưa kịp chuyển mình để bắt kịp với "toàn cầu hóa", trong khi HS lại "lớn quá nhanh" trong thời đại tràn lan thông tin.
Thêm vào đó, người lớn quá bận rộn, xã hội đầy dẫy ”loa phóng thanh” đậm chất thương mại, rồi còn hiệu ứng đám đông, tâm lý chạy theo “con nhà người ta”... Tất cả là quá đủ để khiến một người vững vàng cũng phải... loạn.
Vì thế, không ít người đã chấp nhận “chi tiền để mua sự an tâm” về sự phát triển của con cái, đặt niềm tin mù quáng vào việc luyện thi, vào những giải thưởng, vào mảnh giấy chứng nhận một năng lực nào đó, mà kéo con mình chạy đua từ khóa học này đến khóa học khác. Sao chúng ta không bình tĩnh ngồi xuống, tĩnh tâm lại và tự vấn: Điều gì mới thật sự giúp con cái thay đổi và phát triển tư duy?
|
Điều gì giúp con thay đổi và phát triển? |
Bản thân tôi từng dạy rất nhiều thứ liên quan đến ngoại ngữ, từ kinh tế, toán, tài chính đến SAT, GMAT, GRE, TOEFL, IELTS; lại thường “đụng” không ít ca... khó đỡ, là những bạn trẻ học mãi không qua được ngưỡng sàn, cả những siêu sao cũng học mãi không chạm được ngưỡng trần.
Mỗi khi giúp được một bạn vượt qua giới hạn đó, nhiều người lại hỏi tôi 'luyện' sao "mát tay" vậy? Thật ra, chuyện rất đơn giản. Khi dạy bất kỳ điều gì, tôi cũng tìm cách LUYỆN cho HS thói quen... tư duy. Đó là kinh nghiệm một đời của tôi, đã thành thói quen và tính cách, mà tôi muốn tặng lại cho HS của mình.
1. Phải làm cho mỗi đứa trẻ biết vì sao nó bước vào lớp học này và sẽ học được những gì, muốn học tốt phải làm gì. Ngày xưa, trước khi cho tiền tôi học thêm bất kỳ môn học gì, bố mẹ đều hỏi: Vì sao con muốn học lớp đó? Con học lớp đó như thế nào? Sau khi đến lớp về, con sẽ làm gì với đống tài liệu ghi chép được? Nếu một đứa trẻ không biết và không hiểu vì sao nó phải học, thì liệu nó biết được thế nào là đam mê?
2. Học chủ động, liên tục suy nghĩ và diễn đạt suy nghĩ của mình qua nghe, nói, đọc, viết. Có lẽ nhờ vậy mà ngày xưa, dù lớp 6 mới bắt đầu học tiếng Anh, nhưng đến cuối lớp 6 tôi đã có thể viết được cả một bài dài 1-2 trang. Đơn giản là ở nhà thì tôi viết, mỗi ngày viết một trang. “Viết sai thì sẽ biết cách sửa sai” - bố mẹ tôi bảo vậy, dù ông bà không hề biết tiếng Anh là gì.
Chưa hết, tôi tập nói tiếng Anh mỗi tối bằng cách "lôi" người anh ra làm đối tượng, chứ thời ấy ở quê làm gì có người nước ngoài để luyện nghe nói. Hôm nào anh bận, tôi tự nói với mình trước gương. “Tự kỷ” ròng rã nhiều năm, dù có thể phát âm chưa được chuẩn 100%, nhưng có thể tạm cho là tôi nói tiếng Anh chẳng tệ. Chủ động hay bị động, đôi khi chỉ là thay đổi một thói quen và có sự kiên trì.
3. Xem mỗi môn học là một cơ hội để tư duy, chứ không phải làm mọi cách chỉ vì điểm số. Mỗi cách nhìn nhận khác nhau sẽ cho ra những cách tư duy, cách học, cách làm việc, cách sống và những con người khác nhau. Ngày xưa, dù học chuyên Anh, nhưng bố mẹ không cho tôi học lệch, chính tôi cũng không muốn học lệch.
Tôi thích học tất cả các môn, vì bố mẹ và thầy cô đã giúp tôi hiểu mỗi môn học cho tôi cái gì ngoài điểm số. Dù thầy cô dạy có tốt hay không, dù học trên lớp hay làm bài tập về nhà, tôi đều học và làm bài nghiêm túc, có project nào tôi cũng hăng hái làm nhiều nhất và sớm nhất. Tôi thích những gì mà mỗi môn “phải học” có thể dạy cho mình, không đơn thuần chỉ là kiến thức, mà còn là tư duy. Và, điều đó chỉ đến khi ta làm gì cũng không nửa vời.
4. Luôn đặt câu hỏi để tìm xem tư duy của mình còn hạn chế và cần cải thiện ở đâu. Dạy HS gần như tôi chỉ đặt câu hỏi. Nhỏ hỏi theo kiểu nhỏ, lớn kiểu lớn, câu hỏi có thể khác nhau về hình thức, nhưng bản chất vẫn là khơi gợi tư duy. Nhưng, đó chỉ là khởi đầu. Về sau các em sẽ thấm và biết tự đặt câu hỏi để “khai thác” thầy và khai thác những người gặp gỡ trong đời. Khi các em đã biết hỏi, chắc chắn người lớn sẽ trả lời trong hạnh phúc.
5. Tìm kiếm những kết nối: kết nối kiến thức và tư duy trong một môn học và liên môn, theo trục dọc và trục ngang, giữa sách vở và đời sống, những gì mình đang học và đã được học. Đó chính là cốt lõi của thực học.
Cụ thể như khi tôi dạy HS lớp 4-5 về các từ vựng âm nhạc - piano, violin, guitar, note, chord, pitch - nếu chỉ dạy từ vựng không thôi, làm sao các em có thể kết nối những từ khô khan đó với những điều sâu xa và cần thiết hơn như vì sao có nốt nhạc và hợp âm, nhịp điệu và giai điệu khác nhau thế nào, bộ gõ và bộ khí khác nhau ra sao, âm vực và âm lượng tạo sóng âm kiểu gì và sóng âm làm được điều gì... Từ đó, các em được tư duy và tự suy luận ra quy luật, đúc kết được nhiều kiến thức.
6. Chấp nhận cái đúng và cái sai của cả người học lẫn người dạy. Có như vậy, tất cả mới có thể thoải mái và tự tin phản biện người khác, phản biện cả chính mình; có thể chấp nhận và trân trọng cái hay và chưa hay của mỗi người, biến tất cả thành cơ hội để học hỏi và tiến bộ.
Có người từng hỏi tôi, sao đầu óc thì thiên về số liệu tính toán, mà thi mấy môn viết lách và ăn nói lại được điểm cao hơn mấy môn tính toán? Đơn giản, tôi thi viết và nói chính là phản biện lại những gì đã học, cũng chính là phản biện người ra đề và người chấm điểm. Vì vậy, nếu một HS nói với tôi: “Thầy ơi, con thấy thầy làm sai rồi”, tôi sẽ cười hỏi lại: “Con chỉ ra và giải thích chỗ sai của thầy đi?”.
Chúng ta có làm được những việc trên với lớp trẻ chưa? Nếu chưa thì đừng ngạc nhiên vì sao có những HS điểm học ở lớp rất cao, giải thưởng cũng nhiều, nhưng bật ra được tư duy thì... chưa chắc. Cứ vậy, sau này các em sẽ làm thế nào để đi xa, để ra biển lớn? Một thói quen mỗi ngày, sẽ thay đổi con đường các em đi.
TS Nguyễn Chí Hiếu