Dạy trẻ cách chuẩn bị cho thảm hoạ tự nhiên
Nhờ những cuộc diễn tập sóng thần tại trường học từ lớp Ba mà B. Kenit - 10 tuổi, ở thị trấn ven biển Visakhapatnam, bang Andhra Pradesh, Ấn Độ - trở thành người hỗ trợ giảm thiểu rủi ro thiên tai tại địa phương. Kenit giúp truyền đạt lại cho các bạn học sinh và các thành viên trong cộng đồng của mình cách nhận biết cảnh báo sớm, hoạt động sơ tán và tìm kiếm cứu nạn.
Cách xa nơi Kenit sống hơn 6.000km, Hội Chữ thập đỏ Úc vừa đánh dấu 1 thập niên giúp những người Úc trẻ tuổi xây dựng khả năng phục hồi thông qua hội thảo “Vỏ gối”. Kể từ khi ra mắt vào năm 2015, chương trình đã tiếp cận được 100.000 trẻ em, trao cho các em các kỹ năng và sự tự tin để đối mặt với những trường hợp khẩn cấp. Lấy cảm hứng từ việc học sinh ở TP New Orleans (Mỹ) sử dụng vỏ gối để đựng đồ đạc khi sơ tán trong cơn bão Katrina (2005), hội thảo “Vỏ gối” dạy trẻ từ 8-10 tuổi cách chuẩn bị cho thảm họa tự nhiên. Thông qua các hoạt động thực hành, các em học cách đóng gói các vật dụng thiết yếu vào vỏ gối và thực hành các kỹ thuật giữ bình tĩnh trước, trong và sau những trường hợp khẩn cấp.
 |
Học sinh Nhật Bản thực hành diễn tập ứng phó động đất bằng cách cúi người trốn dưới gầm bàn học để tránh các vật rơi vỡ - Nguồn ảnh: JIJI |
Nhấn mạnh tầm quan trọng của chương trình, Giám đốc điều hành của Hội Chữ thập đỏ Úc Jai O’Toole cho biết: “Bằng cách tăng cường khả năng phục hồi, đặc biệt là ở trẻ em - những đối tượng dễ bị tổn thương nhất - chúng ta có thể đảm bảo rằng các em cảm thấy an toàn, kiểm soát được và sẵn sàng ứng phó về mặt thể chất và tinh thần trước bất kỳ tình huống khó khăn nào gặp phải”. Một nghiên cứu năm 2023 được công bố trên tạp chí quốc tế về giảm thiểu rủi ro thảm họa đã nêu bật tác động của chương trình. Trẻ em tham dự hội thảo “Vỏ gối” đã duy trì và áp dụng các kỹ năng chuẩn bị của mình trong các trường hợp khẩn cấp ngoài đời thực. Trong một vụ cháy rừng, những người chăm sóc và giáo viên nhận thấy rằng những trẻ em tham gia hội thảo vẫn giữ được bình tĩnh, sử dụng các chiến lược tự điều chỉnh và đóng gói đồ đạc của mình thành bộ dụng cụ khẩn cấp.
Nghiên cứu củng cố niềm tin, mặc dù trẻ em dễ bị tổn thương trong thảm họa, chúng cũng có thể đóng vai trò tích cực trong công tác ứng phó khi được cung cấp công cụ phù hợp. Nhiều trẻ em mang những bài học này về nhà, giúp gia đình chuẩn bị cho các trường hợp khẩn cấp. Một tình nguyện viên chia sẻ: “Tôi đã đến thăm một trường học vài năm sau một đám cháy xảy ra ở khu vực. Một học sinh nói rằng chị gái của em đã tham dự hội thảo “Vỏ gối” trước khi xảy ra hỏa hoạn và giúp cả gia đình chuẩn bị bằng cách lập danh sách đồ thiết yếu. Các em cho biết điều đó đã tạo ra sự khác biệt rất lớn trong thời điểm căng thẳng”.
Theo Tổ chức Khí tượng thế giới, trung bình mỗi ngày có 1 thảm họa liên quan đến thời tiết, khí hậu hoặc nguy cơ về nước diễn ra trong 50 năm qua. Biến đổi khí hậu dẫn đến tần suất và cường độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng cao, số lượng thảm họa đã tăng gấp 5 lần trong giai đoạn này. Tuy những cải tiến trong hệ thống cảnh báo sớm đã giúp giảm số ca tử vong gần 3 lần nhưng một số nhóm vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng không cân xứng bởi thảm họa, bao gồm cả trẻ em. Khung Sendai về giảm thiểu rủi ro thảm họa - một thỏa thuận toàn cầu được Liên hiệp quốc thông qua vào năm 2015 nhằm giảm thiểu rủi ro và tổn thất do thảm họa vào năm 2030 - nhấn mạnh đến nhiệm vụ bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên bằng cách lồng ghép nhu cầu của các em vào chiến lược giảm thiểu rủi ro thảm họa và thúc đẩy sự tham gia tích cực của thế hệ trẻ. Năm 2011, đã có 320 người ở TP Sendai của Nhật Bản được cứu sống khi họ tìm nơi trú ẩn tại một trường học có khả năng chống chịu thảm họa trước khi sóng thần ập đến. Ngày nay, ngôi trường này đóng vai trò như bảo tàng về phòng ngừa thảm họa, đồng thời là một địa điểm truyền cảm hứng, nơi trẻ em chơi trò chơi mô phỏng thảm họa và mong muốn trở thành người tạo ra sự thay đổi.
Để trẻ cùng tái thiết cộng đồng
Sau thảm họa động đất - sóng thần năm 2011 ở Nhật, khi các trường học mở cửa trở lại, trẻ em được cung cấp cặp sách, đồ dùng học tập, dịch vụ xe buýt đến trường. Hoạt động này dần chuyển sang hỗ trợ lớp học, câu lạc bộ và chương trình học bổng khi các khu vực bị ảnh hưởng bước vào giai đoạn phục hồi và tái thiết. Giáo sư Sakurai Aiko - người tham gia các hoạt động phục hồi và hỗ trợ của Tổ chức Save the Children Japan sau thảm họa - chia sẻ: “Khi xây dựng chương trình giáo dục thảm họa, ngoài việc duy trì các sáng kiến trước đây và bổ sung những bài học kinh nghiệm từ trận sóng thần năm 2011, chúng tôi còn cân nhắc đến những điều quan trọng trong giai đoạn tái thiết dành cho nhóm trẻ em trải qua những mất mát tàn khốc”.
Lấy cảm hứng từ một sáng kiến cũ tại địa phương, họ đã tổ chức các cuộc đi bộ quanh thị trấn để học sinh cùng nhau vẽ bản đồ, giúp trẻ em suy nghĩ tích cực về cộng đồng của mình trong quá trình tái thiết sau thảm họa. Chẳng hạn, từ những đống đổ nát, sau khi dọn dẹp, sẽ là nơi sẵn sàng cho những ngôi nhà mới. Với bản đồ này, trẻ em có thể đi bộ quanh thị trấn và ghi lại tiến trình đạt được khi cộng đồng tái thiết. 7 năm sau thảm họa, học khu tiến hành khảo sát bằng bảng câu hỏi với những học sinh đã tham gia vẽ bản đồ và thấy rằng các em đánh giá rất cao bài tập này. Các em cho biết sáng kiến giúp thúc đẩy mong muốn chung tay xây dựng lại cộng đồng địa phương. Cô Aiko nói thêm: “Tôi hy vọng chúng ta có thể thúc đẩy các sáng kiến quản lý thảm họa tập trung vào trường học, đồng thời có cái nhìn toàn diện về các chính sách, kế hoạch, hoạt động thực tế cho trẻ em tại trường học và cộng đồng để giảm thiểu tác động từ thiên tai”.
Ngọc Hạ (theo The Guardian, Phys.org, UNDRR, Web-Japan, Prevention Web)