“Giúp tôi!” - ứng dụng hữu ích cho người mắc COVID-19

17/08/2021 - 06:20

PNO - Chỉ cần vài thao tác đơn giản trên điện thoại, những bệnh nhân COVID-19 (F0) đang cách ly tại nhà có thể nhanh chóng nhận được sự hỗ trợ cả về chuyên môn lẫn tinh thần từ đội ngũ chuyên gia y tế thông qua nền tảng công nghệ.

Chỗ dựa chuyên môn và tinh thần cho người bệnh

Ngày 15/8, Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 Quốc gia đã ra mắt phiên bản hoàn thiện của “Giúp tôi!” - ứng dụng hỗ trợ người bệnh trong mùa dịch để kết nối các bệnh nhân với đội ngũ chuyên gia y tế trên cả nước. Chỉ cần tải ứng dụng trên điện thoại di động cùng những thao tác đơn giản gồm mô tả tình trạng đang gặp phải và đính kèm hình ảnh, hệ thống sẽ kết nối, chuyển tới chuyên gia tư vấn phù hợp nhất. Trong khi đó, các bác sĩ sẽ bật ứng dụng, xem yêu cầu từ người bệnh và tư vấn bằng hình thức chat hoặc video call trong khoảng thời gian tối đa 15 phút. 

Ứng dụng “Giúp tôi!” được nhiều người tải về điện thoại để sử dụng
Ứng dụng “Giúp tôi!” được nhiều người tải về điện thoại để sử dụng

Là một tình nguyện viên tham gia vào dự án, bác sĩ Vương Thành Huấn - công tác tại Trung tâm Nghiên cứu cải tiến y tế (CHIR) - cho hay, trong bối cảnh dịch hiện nay, các số điện thoại nóng (hotline) của các bệnh viện (BV) thường bị quá tải, nên rất cần có một ứng dụng để hỗ trợ người dân mọi nơi, mọi lúc: “Tham gia “Giúp tôi!” là cùng nhau giảm tải cho BV tuyến trên, tạo cơ hội sống cho bệnh nhân nặng. Với chúng tôi, đây cũng là việc để giúp người quen, người thân, người nhà của mình. Mỗi cuộc gọi chỉ kéo dài từ 5-10 phút thôi nhưng có thể giúp thêm được rất nhiều bệnh nhân, cải thiện vấn đề quản lý dịch COVID-19”.

Tiến sĩ - bác sĩ Quách Hữu Trung - Giám đốc BV 199 của Bộ Công an - cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin về dự án, BV đã có 300 y, bác sĩ tham gia với hy vọng chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Theo đó, ứng dụng này không chỉ giúp ích cho những người chịu ảnh hưởng trực tiếp của COVID-19 như F0, F1 mà còn hỗ trợ cho những bệnh nhân mạn tính, đặc biệt là những người gặp vấn đề tâm lý do ảnh hưởng của đại dịch.

Cuối tuần qua, Bộ Y tế thông báo, chính thức thí điểm việc điều trị F0 tại nhà bởi có tới hơn 80% người bệnh không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Việc điều trị F0 tại nhà giúp giảm gánh nặng cho hệ thống y tế từ tuyến huyện tới tuyến Trung ương, từ đó tập trung điều trị các ca bệnh nặng, giảm tối đa số người tử vong vì COVID-19. Bác sĩ Phan Ngọc Linh - Giám đốc CHIR - đánh giá, trước tình hình khẩn cấp này, cần có sự chuẩn bị tốt nhất về cả chuyên môn lẫn tinh thần cho những F0 đang điều trị tại nhà: “Với ứng dụng này, chúng tôi mong muốn người dân tự tin hơn, giải tỏa phần nào nỗi lo”. 

Hai tuần xây dựng dự án

Ứng dụng “Giúp tôi!” là một dự án thành viên của Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 Quốc gia, do nhóm người Việt trẻ xây dựng. Anh Trần Hùng - nhà sáng lập Got It, thành viên dự án - chia sẻ, dự án này được bắt tay xây dựng sau một cuộc điện thoại với người bạn từ TP.HCM. Chứng kiến nhiều F0 đang hoang mang, lo lắng, nhân viên y tế quá tải, anh nảy sinh ý tưởng xây dựng ứng dụng hỗ trợ họ. 

“Khi một người trở thành F0, họ phải đối diện với sự cô đơn do phải cách ly với những người trong gia đình, một mình chống chọi với bệnh tật. Nếu ai đó kết nối và trợ giúp, họ sẽ bình tâm hơn rất nhiều. Suy nghĩ này càng thôi thúc tôi nỗ lực hơn khi bắt tay vào dự án” - anh Trần Hùng nói. 

Với ý tưởng nhân văn và hữu ích, “Giúp tôi!” nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của khoảng 150 tình nguyện viên đến từ các công ty công nghệ trong nước cùng nhiều người Việt trên thế giới. Chỉ sau hai tuần, nhóm sáng tạo đã cơ bản hoàn thiện ứng dụng trước khi ra mắt phiên bản hoàn chỉnh. Cùng mong muốn xây dựng một nền tảng hỗ trợ người bệnh trong mùa dịch, “Giúp tôi!” đã nhận được sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông, sau đó trở thành một thành viên của Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 Quốc gia. 

Ngoài các nhân viên y tế, theo nhóm phát triển dự án, các F0 khỏi bệnh cũng có thể chia sẻ với những người mới mắc bệnh. Do đó, sau khi đưa vào vận hành, ứng dụng sẽ có thêm nhiều tính năng. Anh Trần Hùng cũng kỳ vọng, không chỉ các bác sĩ trong nước mà các bác sĩ Việt đang làm việc ở nước ngoài cũng sẽ tham gia vào dự án này, góp phần giúp Việt Nam nhanh chóng vượt qua đại dịch. 

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI