Ứng dụng thần tốc
Với trăn trở đó cùng với việc chứng kiến sự quá tải của đội ngũ y tế, Hùng Trần - nhà sáng lập Got It - đã cùng vài người bạn tại STEAM for Vietnam, Kompa Group và Filum hình thành ý tưởng tạo ra một ứng dụng kết nối nhanh nhất những người cần giúp đỡ với hai tiêu chí chính: thuận tiện cho tư vấn viên và dễ dàng cho người sử dụng.
Người dân chỉ cần mở ứng dụng trên điện thoại, bấm nút để được kết nối và nhận sự trợ giúp thông qua tin nhắn hay cuộc gọi video với mạng lưới tình nguyện viên (TNV) ở Việt Nam và nước ngoài sẵn sàng hỗ trợ 24/7. Mỗi phiên trao đổi kéo dài 15 phút.
|
Giao diện của ứng dụng Giúp tôi! |
“Chúng tôi ám ảnh mãi câu chuyện của tiến sĩ - bác sĩ Đỗ Quốc Huy - chuyên gia hàng đầu về hồi sức cấp cứu ở Việt Nam. Ông đã rơi nước mắt khi chia sẻ rằng số người chết vì COVID-19 ở khu vực phía Nam vào thời điểm tháng Bảy, tháng Tám năm nay bằng tất cả những ca tử vong trong hơn 30 năm ông làm việc trước đó cộng lại” - Hùng Trần nhớ lại.
Trong giai đoạn gấp rút với nguồn lực hạn chế, Hùng kêu gọi sự đồng hành của các bạn trẻ, kỹ sư người Việt đang làm việc tại các công ty công nghệ khắp thế giới. Ứng dụng Giúp tôi! ra đời sau đó hai tuần với sự trợ giúp của gần 200 TNV. Họ làm việc không quản ngày đêm, chăm chỉ và kiên trì với trái tim hướng về cộng đồng, đất nước.
“Sự gấp rút về thời gian không phải do chúng tôi tự đặt ra mà do tình hình thực tế khi làn sóng COVID-19 ở Việt Nam đang ở đỉnh, các bệnh viện quá tải, số ca nhiễm mới ở TPHCM luôn ở mức cao, các F0 phải tự điều trị tại nhà rất nhiều mà kiến thức, sự hỗ trợ từ đội ngũ bác sĩ lại rất thiếu”.
Thực tế đó thúc đẩy nhóm làm dự án, đặc biệt là đội ngũ xây dựng sản phẩm, phải hoàn thiện ứng dụng thật nhanh, dùng công nghệ giải quyết bài toán rất lớn trước mắt. Đó là lý do vì sao một ứng dụng được ví như “Uber trong ngành y tế” ra mắt và chạy thử nghiệm chỉ sau 3 - 4 tuần trong khi trên thế giới, các ứng dụng tương tự phải mất từ sáu tháng đến một năm để hoàn thiện.
Mỗi ngày, Giúp tôi! xử lý khoảng 300.000 yêu cầu hỗ trợ thông thường như các vấn đề về sức khỏe F0, cách ly tại nhà, tư vấn cho các đối tượng đặc biệt như thai phụ, người già, người có bệnh mãn tính… hoặc tư vấn tâm lý.
Nhận thấy ứng dụng được đón nhận, những người sáng lập đã tập trung xây dựng Cộng đồng F0 giúp đỡ, tư vấn F0 nhằm tận dụng tối đa nguồn lực là các F0 đã khỏi bệnh, F0 là nhân viên y tế đang bị cách ly để tư vấn, hỗ trợ cho các F0 và F1 khác thông qua chính trải nghiệm và kiến thức của họ.
|
Một bác sĩ đang tư vấn cho người dân gọi đến |
Giúp tôi! không thể hoàn thành sứ mệnh nếu không nhận được sự giúp đỡ từ đội ngũ bác sĩ, y tá, dược sĩ, nhân viên y tế.
Bên cạnh sự đóng góp công sức của các TNV, Giúp tôi! còn nhận được sự giúp sức của Trung tâm Công nghệ Phòng chống dịch COVID-19 Quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông), Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Công đoàn Y tế Việt Nam, AWS, Google, VNPT, Gapit, Grab…
Kết nối những người trẻ tài năng và những trái tim yêu thương
Từ khi thành lập, Giúp tôi! đã thu hút hơn 500 lượt đăng ký tham gia ban quản lý dự án, trong đó có gần 200 người được lựa chọn trở thành TNV chính thức. Giúp tôi! hiện có gần 16.000 người dân đăng ký và gần 1.200 TNV tư vấn (là các bác sĩ, chuyên viên y tế) tham gia.
Dẫu số lượng người Giúp tôi! có thể phục vụ còn khiêm tốn, ứng dụng này cũng như rất nhiều dự án cộng đồng khác đã cho thấy một hình ảnh đẹp về tình đoàn kết, lòng nhân ái của người Việt Nam trong hoàn cảnh khó khăn.
“Điều chúng tôi luôn nhìn thấy là một bức tranh toàn cảnh rất đáng khích lệ khi có nhiều cơ quan, cá nhân, tổ chức từ thiện, nhóm tình nguyện cùng chung tay giúp đỡ người dân vượt qua đại dịch; từ những sự trợ giúp về mặt tài chính, y tế đến sự khích lệ lớn lao về tinh thần. Mỗi TNV của Giúp tôi! cũng như hàng triệu người Việt Nam chung quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh; cùng mở lòng, sống vị tha, hào phóng và yêu thương hơn” - Hùng Trần chia sẻ.
Nói về sự hy sinh của đội ngũ y, bác sĩ, lần nào Hùng Trần cũng không giấu được nỗi xúc động: “Rất nhiều người trong số đó đang ngày đêm giành giật sự sống cho bệnh nhân ở những điểm nóng chống dịch nhưng khi có vài phút nghỉ ngơi, họ cũng tranh thủ bật ứng dụng để hỗ trợ người dân từ xa. Các bệnh viện cũng rất nhiệt tình đồng hành cùng dự án”.
"Với những gì đã và đang làm được, Giúp tôi! sẽ tạo tiền đề, góp nhặt kinh nghiệm cho sự phát triển của y học từ xa trong tương lai, định hướng xây dựng một hệ thống y tế linh hoạt và đa nhiệm hơn". Bác sĩ Vương Thành Huấn (Trưởng ban Điều phối Mạng lưới bác sĩ Giúp tôi!) |
Hiện tại, Giúp tôi! đã trở thành nơi kết nối nhiều người Việt trẻ vừa tài năng, vừa có tấm lòng nhân ái. Không chỉ cùng đồng hành trong những công việc của dự án, họ còn trở thành những người bạn tốt luôn sẵn lòng hợp tác, giúp đỡ nhau trong cuộc sống và sự nghiệp.
“Trong những tháng chạy dự án, hầu hết mọi người đều tranh thủ làm vào ban đêm, sau khi hoàn thành công việc chính của mình. Những thành viên đảm nhiệm vị trí quan trọng còn phải thu xếp bớt công việc chính để tập trung cao độ cho dự án. Tất cả sự nỗ lực, tận tâm đó đã trở thành sợi dây gắn kết mọi người, cổ vũ chúng tôi trên hành trình tạo ra những giá trị y tế, hỗ trợ cộng đồng trong đại dịch” - Hùng Trần chia sẻ.
Ngoài ra, dự án còn trở thành nơi ươm mầm nhiều tài năng, cho các TNV trẻ cơ hội khám phá và phát triển năng lực tiềm ẩn của bản thân. Vì độ cấp bách, khối lượng công việc và tầm ảnh hưởng của dự án, mỗi TNV đều trưởng thành hơn khi vượt qua những "cửa ải" về cả kỹ thuật lẫn vận hành.
“Chỉ sau vài tháng, nhiều bạn đã thu lượm được kinh nghiệm quý báu trong việc xử lý khủng hoảng, quản lý đội ngũ hàng trăm TNV hay phục vụ hàng ngàn người dùng trên ứng dụng” - Hùng Trần nói.
Giúp tôi! đã hoàn thành sứ mệnh của nó. Đội ngũ vận hành vẫn đang theo dõi số liệu, từ đó đề xuất thời điểm dự án kết thúc, có thể là trong quý IV năm 2021. Trong tương lai, nhóm phát triển kỳ vọng Giúp tôi! được mở rộng thành nền tảng kết nối chuyên gia và được một đơn vị phù hợp vận hành.
Một số thành viên chính tạo nên ứng dụng Giúp tôi!:
|
Hùng Trần - CEO |
|
Phạm Minh Toàn - CMO |
|
Thang Le - Coding Team |
|
Ths.Ds. Trần Thanh Ngân - Ops Associate |
|
Wendy |
|
BS Huan Vuong - Ops Associate |
|
Cindy Nguyen - Fundraising Lead |
Lê Phan