Giúp tiểu thương chợ truyền thống nhanh chóng chuyển đổi số

24/10/2023 - 05:55

PNO - Thời gian qua, tại quận 12 (TPHCM), Hội LHPN và Phòng Kinh tế quận đã phối hợp với các chợ triển khai mô hình “Chợ 4.0” (thanh toán không dùng tiền mặt). Dù vẫn còn bỡ ngỡ nhưng đa phần tiểu thương và khách hàng đều ủng hộ cách làm này.

Bắt nhịp 4.0

Buổi sáng ngày giữa tuần, tại chợ Ngã Ba Bầu (phường Tân Chánh Hiệp), nữ tiểu thương Huỳnh Thị Thu cầm bảng mã QR giới thiệu cho một nhóm bà nội trợ cách quét thanh toán tiền mua hàng. Bà nói lo chị em chưa quen sẽ thấy phiền hà, nhưng mọi người đều vui vẻ tìm hiểu, và 2 trong số đó thực hiện thành công.

Đã 62 tuổi, bán hàng trong chợ từ năm 2000, bà Thu thừa nhận khi ban quản lý thông tin về “Chợ 4.0”, bà khá bối rối bởi không rành công nghệ, thao tác trên điện thoại thông minh rất chậm. “Tôi bán rau củ, khách mua nhiều chừng trăm ngàn, ít thì vài ngàn cho trái chanh, bụm ớt, nên nghe chợ không dùng tiền mặt thì cũng lăn tăn. Nhưng việc không quá khó như mình tưởng. Ban quản lý với ngân hàng liên kết tổ chức tập huấn cho chúng tôi hoài, riết rồi cũng quen. Đây là xu thế hiện đại, dù có lóng ngóng, khó khăn ban đầu nhưng muốn bám chợ lâu dài thì phải cố gắng học hỏi để bắt nhịp” - bà Thu khẳng định. 

Tiểu thương chợ Ngã Ba Bầu được hỗ trợ in mã QR cho sạp hàng của mình
Tiểu thương chợ Ngã Ba Bầu được hỗ trợ in mã QR cho sạp hàng của mình

Tương tự bà Thu, nhiều tiểu thương các chợ truyền thống trên địa bàn quận 12 khi mới nghe “chợ không tiền mặt” thì có phần lo ngại, bởi với họ tiền mặt đã là thói quen của cả người bán lẫn người mua xưa nay. Nắm bắt tâm lý đó, khi triển khai, các đơn vị đã đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, đặc biệt là cán bộ, hội viên phụ nữ địa phương tiên phong thực hiện.

Ban quản lý các chợ cũng lần lượt ký kết với các ngân hàng Bắc Á, Nam Á với hàng loạt buổi tập huấn kinh doanh trên nền tảng số cho tiểu thương đã được triển khai. Nhân viên ngân hàng đã trực tiếp vào từng chợ, từng sạp hướng dẫn tiểu thương đăng ký mở tài khoản, in mã QR, cách quản lý doanh thu trên tài khoản cũng như thao tác với điện thoại nhanh chóng, an toàn.

Bà Nguyễn Thị Mai (62 tuổi) - kinh doanh quần áo ở chợ An Sương (phường Tân Hưng Thuận) - chia sẻ: “Ban đầu tôi có chút lưỡng lự, nghĩ mình già rồi thay đổi gì nữa. Nhưng, ngoài các bà nội trợ thì chợ cũng thường đón khách trẻ tuổi, khách du lịch, họ hay hỏi có quẹt thẻ không hoặc số tài khoản của mình để chuyển tiền cho lẹ. Tôi lấy hàng sỉ trên các chợ An Đông, Tân Bình cũng chọn mẫu rồi chuyển khoản, người ta chở tới tận sạp cho mình luôn, không mất công tới lui như xưa”. 

Chị Nguyễn Thị Hà (50 tuổi) - kinh doanh quần áo và là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ chợ Hiệp Thành (phường Hiệp Thành) - kể đối tượng khách của chợ đa phần là anh chị em công nhân. Vì lãnh lương qua thẻ, họ thích thanh toán không dùng tiền mặt nên tiểu thương phải thức thời. Hầu hết hội viên kinh doanh trong chợ đã được trang bị mã QR.

Cũng vậy, chị Trần Thị Thu Hương (37 tuổi) - chủ sạp thịt heo 31B trong chợ Tân Chánh Hiệp (phường Tân Chánh Hiệp) - nói vui: “Khách giơ điện thoại lên là có tiền hà. Giờ nhiều người hình thành thói quen quẹt, lướt rồi, mình mà không linh động sẽ bị tụt hậu”. Chị Hương cho biết trung bình mỗi ngày bán 100 - 200kg thịt. Những lúc đông khách mới thấy việc được trang bị bảng mã QR thật tốt bởi không sợ rủi ro như tiền giả, tiền rách, cũng khỏi lo tiền thối và thối nhầm. 

Tiểu thương Huỳnh Thị Thu, chợ Ngã Ba Bầu (thứ 2, từ phải qua) chia sẻ với chị em nội trợ về cách thức thanh toán không dùng tiền mặt - ẢNH: MẪN NH
Tiểu thương Huỳnh Thị Thu, chợ Ngã Ba Bầu (thứ 2, từ phải qua) chia sẻ với chị em nội trợ về cách thức thanh toán không dùng tiền mặt - Ảnh: Mẫn Nhi

Người bán lẫn người mua đều hài lòng

Là bà nội trợ, phải tự tay chuẩn bị bữa ăn hằng ngày cho gia đình 4 thành viên, chị Mai Thị Nga (khu phố 3, phường Tân Chánh Hiệp) bày tỏ hứng thú với thanh toán không dùng tiền mặt. Chị kể, chị gia công quần áo tại nhà, nhận thù lao qua thẻ. Hằng ngày đi chợ Ngã Ba Bầu, cũng thanh toán theo phương thức này. “Tôi rất thích vì không phải lo rút tiền, cầm theo tiền mặt, lo mua đồ sợ rơi mất. Hy vọng, “Chợ 4.0” được áp dụng đại trà, bởi tôi thấy phương thức thanh toán này thuận tiện cho cả người bán lẫn người mua” - chị Nga bày tỏ. Bà Nguyễn Thị Hồng Nguyên (63 tuổi, khu phố 3, phường Tân Chánh Hiệp) cho rằng, khi có thêm một phương thức thanh toán hợp thời thì chợ càng dễ tiếp cận khách hàng. 

Trong buổi ra mắt “Chợ 4.0” tại chợ An Sương vào 21/9 vừa qua, ông Nguyễn Minh Chánh - Phó chủ tịch UBND quận 12 - cho biết, quận có 9 chợ truyền thống. Sau nhiều tháng, các đơn vị, nhất là hội phụ nữ, kiên trì vận động, cộng với sự đồng hành từ các ngân hàng, đến giữa tháng 8/2023, quận chọn chợ Tân Chánh Hiệp thí điểm mô hình, tiếp đó là các chợ Ngã Ba Bầu, Lạc Quang, Hiệp Thành… Chợ An Sương là chợ thứ sáu trên địa bàn áp dụng mô hình “Chợ 4.0” với 302/356 tiểu thương hưởng ứng.

Quận đặt mục tiêu tất cả chợ còn lại đều sẽ triển khai thanh toán không tiền mặt trong năm nay. Ông Nguyễn Minh Chánh đề nghị các đơn vị, doanh nghiệp, người dân kinh doanh tại quận tích cực hưởng ứng. Các ngân hàng và các tổ chức thanh toán trung gian tiếp tục phối hợp hướng dẫn, phổ biến các hình thức thanh toán điện tử cho người dân, doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh, trong đó quan trọng nhất là đảm bảo an ninh, an toàn nhằm bảo vệ người tiêu dùng. 

Tại chợ Tân Chánh Hiệp, tính đến ngày 7/10 đã có 204/207 tiểu thương đặt bảng mã QR tại quầy để phục vụ thanh toán không tiền mặt. Bà Đỗ Thị Hồng Ánh - Quyền trưởng ban quản lý - thông tin, chợ đi vào hoạt động năm 2006 với 11 ngành hàng, 604 điểm kinh doanh. Từ khi dịch COVID-19 hoành hành, thanh toán điện tử dần trở nên phổ biến. Một số tiểu thương mở tài khoản và công khai trước quầy. Nhưng phải đến khi “Chợ 4.0” được áp dụng thì tiểu thương mới được tập huấn kỹ lưỡng.

Riêng 3 tiểu thương cuối cùng của chợ đang kinh doanh quần áo, rau củ, vì lớn tuổi nên còn lấn cấn. Nhưng đến nay thì cũng đã mở tài khoản và in mã QR. 

Kết hợp thanh toán không tiền mặt với xây dựng chợ thân thiện môi trường

Chợ Ngã Ba Bầu hiện có 233 điểm kinh doanh, trong đó, 100% sạp tại khu vực nhà lồng đều đã trang bị mã QR để thanh toán không dùng tiền mặt. Một số tiểu thương lẫn khách hàng còn chần chừ chưa tham gia vì tâm lý e ngại, nhất là việc chưa biết cách tự bảo vệ thông tin tài khoản, sợ rủi ro và tốn phí giao dịch, phí đăng ký mạng 3G, 4G.

Do đó, định hướng của ban quản lý chợ là tiếp tục thông tin tuyên truyền, kết hợp ngân hàng tổ chức thêm nhiều buổi hướng dẫn kỹ năng nhằm giúp tiểu thương an tâm về bảo mật thông tin, từ đó cởi mở với phương thức thanh toán mới, hiện đại. Bên cạnh thanh toán không tiền mặt, chúng tôi cũng đang nỗ lực xây dựng hình ảnh chợ thân thiện với môi trường bằng cách kêu gọi tiểu thương sử dụng túi ni lông sinh học, hộp giấy, lá chuối gói thực phẩm, đồng thời kêu gọi bà con xách giỏ/túi vải đi chợ.

Mỗi năm, bên cạnh tặng túi vải cho các bà nội trợ, chợ sẽ mở 2-3 đợt tặng quà bất ngờ ngay trước cổng dành cho những ai xách giỏ vào chợ. 

Bà Lương Thị Trang Nhung

Trưởng ban quản lý chợ Ngã Ba Bầu, phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, TPHCM

Mẫn Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI