Trắng tay vẫn không bỏ cuộc
Sau 5 năm lập gia đình, duy trì trồng trọt, chăn nuôi quy mô nhỏ, năm 2018, chị Hoàng Bích Ngọc - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Nà Pái, xã Tân Văn, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn - chuyển hướng gầy dựng kinh tế bằng nuôi vịt thả suối. Mô hình này chị học được khi đi tham quan thực tế ở tỉnh Tuyên Quang.
Tham quan về, chị bàn với chồng dùng số tiền dành dụm được mua 100 con vịt giống bản địa (vịt cổ xanh) và thức ăn cho chúng. Nhưng do chưa chuẩn bị về kiến thức, nên cả đàn vịt bị dịch bệnh, chết gần hết.
Không bỏ cuộc, chị Ngọc tìm đọc tài liệu về kỹ thuật nuôi vịt trên mạng và sang huyện Tràng Định bên cạnh để học hỏi kinh nghiệm, tham gia các khóa tập huấn về nông nghiệp. Khi đã nắm chắc các kỹ thuật chăn nuôi vịt, đặc biệt là quy trình tiêm vắc xin phòng dịch, chị bắt đầu tận dụng dòng suối uốn quanh thôn Nà Pái làm nơi thả vịt.
|
Chị Hoàng Bích Ngọc đã thành công với mô hình vịt thả suối - ẢNH: B.N. |
Mỗi sáng chị lùa đàn vịt ra suối để chúng tự kiếm thức ăn nhằm tiết kiệm chi phí. Tối về, chị cho vịt ăn thêm rau khoai, thân chuối, cám gạo. Ngoài ra, chị Ngọc còn thu mua ốc bươu vàng làm thức ăn cho vịt. Nhờ chăn thả tự nhiên và tận dụng nguồn thức ăn bản địa mà đàn vịt của chị Ngọc nhanh lớn, thịt săn chắc, thơm ngon.
Chị phấn khởi: “Mỗi tháng gia đình tôi xuất bán 200-400 con vịt cổ xanh, với giá từ 250.000-270.000 đồng/con, cho thu nhập hằng năm khoảng 600 triệu đồng”. Năm 2022, tại cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lạng Sơn tổ chức, đề tài “Nuôi vịt cổ xanh thả suối gắn với sinh kế tại địa phương” của chị Ngọc đã giành giải Khuyến khích.
Cũng cần phải nói thêm: chị Hoàng Bích Ngọc tham dự cuộc thi khi gia đình vừa bị “bà hỏa” thiêu rụi toàn bộ tài sản. Ấn tượng với người phụ nữ Tày nhanh nhẹn, cầu thị, chăm chỉ, có khát vọng vươn lên mãnh liệt và trách nhiệm với cộng đồng, nên bà Nguyễn Thị Thu - Trưởng làng Nông nghiệp thông minh Techfest quốc gia, giám khảo cuộc thi khởi nghiệp nói trên - đã thưởng riêng 1.000 con vịt giống.
Giúp chị em thoát nghèo và tránh bạo hành
“Là chi hội trưởng phụ nữ của thôn, chứng kiến nhiều chị em quá khó khăn về kinh tế mà bị bạo hành, chị Ngọc đã tự đặt ra câu hỏi “Làm thế nào để phụ nữ thôn Nà Pái thoát nghèo bền vững?” và quyết tâm đi tìm câu trả lời để giúp đỡ chị em.
Chị đã hướng dẫn một số chị em cùng nhau chăn thả đàn vịt với tổng số lượng lên khoảng 1.200 con mỗi lứa. Số tiền lãi sau mỗi lứa sẽ được chia thành nhiều phần như mua vịt giống để tặng hội viên, làm quỹ cho các hộ nghèo vay…
|
Chị Hoàng Bích Ngọc giới thiệu sản phẩm vịt cổ xanh thả suối tại một sự kiện do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lạng Sơn tổ chức - ẢNH: B.N. |
Dự án của chị Ngọc đã thực sự thuyết phục tôi và truyền cảm hứng tới rất nhiều phụ nữ khác. Kinh doanh không chỉ là tạo ra lợi ích kinh tế, mà còn là trách nhiệm với cộng đồng, giải quyết những trăn trở về môi trường, sinh kế và bình đẳng giới” - bà Nguyễn Thị Thu nói về chị Hoàng Bích Ngọc.
Để thuận lợi hơn trong kinh doanh, chị Ngọc thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông lâm nghiệp phụ nữ thôn Nà Pái, gồm 11 thành viên. Đây là HTX nông lâm nghiệp đầu tiên ở Lạng Sơn do phụ nữ làm chủ. Thôn Nà Pái nói riêng và xã Tân Văn nói chung có cây hồi là cây trồng chủ lực. Chị Ngọc muốn xây dựng chuỗi giá trị hoa hồi và dược liệu tán hồi, tạo sinh kế bền vững cho chị em trong thôn xã, chứ không chịu cảnh bị thương lái ép giá như bấy lâu.
Bên cạnh đó, chị và HTX cũng hướng đến việc cung cấp nhiều sản phẩm hữu cơ chăn thả tự nhiên, hỗ trợ con giống và thuốc thú y cho 30 hộ cận nghèo, hướng dẫn cách nuôi trồng và bao tiêu sản phẩm cho các thành viên.
Chúng tôi hỏi nguyên cớ khiến chị phải lao tâm khổ tứ tìm cách cho nhiều chị em cùng phát triển, thoát nghèo, chị Ngọc nói: “Khi tôi có mong muốn khởi nghiệp, không ít người đã ngăn cản và bảo với tôi rằng: phụ nữ thì khởi nghiệp cái gì, nên ở nhà chăm con, làm ruộng, làm nương thôi. Nhưng chứng kiến nhiều chị em bị bạo hành, phần lớn do kinh tế gia đình nằm trong tay người chồng, thì tôi nghĩ: chỉ khi nào chị em thoát nghèo, làm chủ kinh tế thì họ mới thực sự có được tiếng nói”.
|
Chị Hoàng Bích Ngọc giới thiệu hoa hồi của Hợp tác xã Nông lâm nghiệp phụ nữ thôn Nà Pái - ẢNH: B.N. |
Chị chia sẻ: “Tôi là phụ nữ dân tộc thiểu số, hạn chế là chưa mạnh dạn tiếp xúc với các mối quan hệ xã hội mà chỉ biết lao động tay chân. Phải đến khi được tham gia các lớp tập huấn do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lạng Sơn và hội phụ nữ các cấp tổ chức thì mô hình nuôi vịt cổ xanh thả suối của tôi mới thực sự thành công”.
Về việc thử sức ở cuộc thi khởi nghiệp, chị Ngọc thật thà: “Có giải thưởng không phải là mục đích lớn nhất tôi hướng đến. Tôi tham dự các cuộc thi nhằm học hỏi các kiến thức về nông nghiệp, kinh doanh và học hỏi các kỹ năng như sáng tạo nội dung, quay, dựng video, tiếp cận nền tảng số để quảng bá và tiêu thụ nông sản”.
Là người ham học hỏi, có tinh thần cầu tiến, chị Ngọc cho biết, chị phải cố gắng học thật tốt để về hướng dẫn lại cho các chị em Tày, Nùng. Đến nay, tên của HTX đã có trên Google Maps. Từ không biết gì về máy tính, mạng internet, nền tảng số, nay các chị em trong HTX đã có fanpage và TikTok riêng…
HTX cũng là 1 trong 4 dự án điểm của tỉnh Lạng Sơn trong khởi nghiệp. Doanh thu của HTX đạt 180 triệu đồng/tháng, tạo công ăn việc làm cho nhiều bà con dân tộc thiểu số và người yếu thế. Tháng 9/2023, dự án khởi nghiệp “Xây dựng chuỗi giá trị hoa hồi, dược liệu dưới tán rừng hồi từ tài nguyên bản địa gắn với sinh kế cho phụ nữ dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Tân Văn, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn” của chị Hoàng Bích Ngọc đã đạt giải Khuyến khích cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp với chủ đề “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” khu vực miền Bắc.
Tháng 8/2023, chị Ngọc đã vượt qua hơn 500 thí sinh để giành giải Nhì trong chương trình truyền hình thực tế “Khi phụ nữ làm chủ”. Ở cuộc thi này, chị đã được học và ứng dụng hiệu quả các kỹ năng xây dựng video có khả năng thu hút khách hàng mục tiêu; xây dựng video có khả năng chuyển đổi và quản trị rủi ro khi kinh doanh online; vượt qua thử thách bán hàng trực tuyến để quảng bá nông sản.
Cũng năm 2023, HTX của chị được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lạng Sơn hỗ trợ 1.150 con giống vịt cổ xanh để thực hiện đề tài “Dự án nghiên cứu bảo tồn và phát triển nguồn gen giống vịt cổ xanh Lạng Sơn”. Hội LHPN tỉnh Lạng Sơn cũng hỗ trợ hơn 1.000 bao bì, 1.000 tem truy xuất nguồn gốc để phát triển ý tưởng khởi nghiệp nuôi vịt cổ xanh thả suối.
Bà Phạm Thị Thương - Chủ tịch Hội LHPN huyện Bình Gia - cho biết, chị Hoàng Bích Ngọc là hội viên phụ nữ tiêu biểu, năng động trong phát triển kinh tế, không chỉ đem lại thu nhập cao cho gia đình mà còn tạo việc làm thêm cho nhiều chị em lao động tại địa phương. Sự cần cù, chịu khó, dám nghĩ, dám làm của chị chính là tấm gương để những hội viên phụ nữ của huyện Bình Gia học tập.
Uông Ngọc