PNO - Nhiều đơn vị trên địa bàn huyện Bình Chánh (TPHCM) đã và đang đào tạo nghề may miễn phí giúp hàng trăm hội viên phụ nữ khuyết tật, hoàn cảnh khó khăn có việc làm, thu nhập và ổn định cuộc sống.
Sau 4 năm mở tổ may gia công, chị Vũ Thị Thu Hồng - (42 tuổi), chủ cơ sở may quần áo thời trang thuộc Tổ may gia công ấp 4, xã Phạm Văn Hai - đã có thu nhập hằng tháng khoảng 30 triệu đồng và tạo việc làm cho hàng chục phụ nữ khuyết tật, khó khăn tại địa phương với thu nhập từ 5 - 10 triệu đồng/tháng.
Chị Vũ Thị Thu Hồng (bìa phải) - chủ tổ may gia công ấp 4, xã Phạm Văn Hai - giới thiệu đơn hàng cho Hội LHPN xã
Tương tự như nhiều tổ may gia công khác trên địa bàn huyện, cơ sở may của chị Hồng không gò bó giờ giấc làm việc, chị em rảnh giờ nào tới làm giờ đó, ngày bận thì tối làm. Đặc biệt, cơ sở của chị nhận đào tạo nghề may miễn phí và cung cấp nguồn hàng để chị em đem về may tại nhà kiếm thêm thu nhập. “Không nhớ nổi từ lúc mới thành lập đến nay mình đã dạy nghề cho bao nhiêu người. Cứ có người xin học là mình dạy. Nhiều chị khó khăn tới đây học, biết nghề rồi vào làm ở công ty khác cũng không sao! Miễn giúp được nhiều người tật nguyền, chị em không biết chữ có một cái nghề là mình vui rồi. Chị em vào công ty, vừa có việc làm ổn định, vừa được đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội thì vẫn tốt hơn” - chị Hồng nói.
Chị Đặng Thị Thùy Nguyên - 52 tuổi, sống độc thân tại ấp 7, xã Phạm Văn Hai - kể: Trước đây chị và em trai, 50 tuổi, tật nguyền, không còn sức lao động, sống nhờ vào sự đùm bọc rau cháo của người thân, vì hoàn toàn không có thu nhập. Một lần, nghe hàng xóm nói về tổ may của chị Hồng, chị tìm đến xin học nghề rồi có việc làm ổn định với thu nhập trung bình mỗi tháng hơn 5 triệu đồng từ đó. “Ban đầu tôi chỉ phụ một số việc lặt vặt. Sau đó, cô Hồng chỉ cho từng chút một, từ vắt sổ đến tập may những mặt hàng đơn giản. Nói tiếng xin vô học nghề nhưng vẫn ăn lương học việc mỗi tháng hơn 2 triệu đồng. Tháng đầu tiên cầm tiền học việc mà tôi mừng rớt nước mắt” - chị Nguyên khoe. Còn chị Hồng tâm sự: “Hồi đó nhà mình khổ lắm, muốn đi học nghề mà chẳng có tiền. Một người chị chẳng mấy thân thiết đã giúp cho đi học nghề may rồi giới thiệu việc làm. Nghĩ vậy mà sau này làm ăn được, mình muốn làm cái gì đó để trả lại ơn năm xưa”.
Tổ may gia công của chị Hồng thành lập từ năm 2018 và trải qua bao lần lao đao vì bị khách hàng quỵt nợ, tưởng chừng phải ngừng hoạt động. Nhưng nhờ có sự giúp đỡ của bạn bè, người thân và đặc biệt là 3 lần hỗ trợ vốn vay của Hội Phụ nữ nên chị Hồng đã vượt qua khó khăn để tồn tại và phát triển. Đến nay, từ tổ may gia công của chị, hơn 100 chị em phụ nữ khuyết tật, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn đã được đào tạo nghề và có việc làm, có thu nhập. Chị Hồng dự tính, sang năm sẽ mở rộng cơ sở để có thể giúp đào tạo nghề và giải quyết việc làm nhiều hơn cho các em học sinh nghèo nghỉ học, bỏ học sớm.
Tổ hợp tác giúp hội viên gia tăng lợi nhuận
Dù mới chỉ thành lập hồi tháng 5/2022 nhưng Tổ hợp tác trồng, chăm sóc và cung ứng cây mai vàng (Hội LHPN xã Bình Lợi, huyện Bình chánh) gồm 5 thành viên đã tạo việc làm thêm cho hơn 40 chị em có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ nghèo. Với những công việc như nhổ cỏ, tỉa cành, bón phân, chăm cây, chị em được trả 250.000 đồng/ngày.
Chị Thiều Thị Thu Vân - Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng, chăm sóc và cung ứng cây mai vàng xã Bình Lợi - cho hay, Hội Phụ nữ xã đã giới thiệu mỗi thành viên vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để cải tạo, đầu tư cho vườn mai, đồng thời phối hợp với Hội Nông dân xã mở các lớp hướng dẫn về kỹ thuật trồng, tạo dáng cây mai giúp thành viên của tổ tạo ra những sản phẩm chất lượng để tăng giá trị cho sản phẩm. Dự kiến, sau trừ chi phí cây giống, chăm sóc, các thành viên sẽ thu lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng/ha/năm. Sắp tới, Hội Phụ nữ xã sẽ thành lập thêm các tổ hợp tác trồng, chăm sóc và cung ứng cây mai vàng tương tự.
Bà Nguyễn Thị Út - ấp 3, xã Bình Lợi - thành viên tổ hợp tác đang chăm sóc cây mai vàng chuẩn bị cung ứng hàng ra thị trường vào dịp tết sắp tới
Trên địa bàn xã Bình Lợi, hiện có 4 tổ hợp tác với 45 thành viên do Hội Phụ nữ xã quản lý, gồm: may gia công, sản xuất nhang, trồng và cung ứng mai vàng, trồng lan. Trong đó, Hội Phụ nữ xã xác định Tổ hợp tác trồng, chăm sóc và cung ứng cây mai vàng là tổ “chủ lực” tạo ra giá trị kinh tế giúp các chị em thành viên gia tăng lợi nhuận; giúp chị em phụ nữ nghèo có việc làm, cải thiện đời sống.
Chị Huỳnh Thị Kim Ân - Chủ tịch Hội LHPN huyện Bình Chánh - cho biết, toàn huyện Bình Chánh hiện có 58 tổ ngành nghề, 8 tổ hợp tác. Trong năm 2022, Hội Phụ nữ huyện thành lập 8 tổ hợp tác và ngành nghề với 58 thành viên, tạo việc làm cho 829 hội viên phụ nữ với mức thu nhập từ 2 - 7 triệu đồng/người/tháng. Riêng tại xã Phạm Văn Hai đã thành lập 3 tổ may gia công, giúp tạo việc làm cho các chị em hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn tại các xã Bình Lợi, Tân Kiên, Tân Nhựt và H.Đức Hòa, tỉnh Long An. Đối với tổ may gia công của chị Vũ Thị Thu Hồng, tháng 7/2022, thông qua sự giới thiệu của Hội Phụ nữ đã được hỗ trợ cho mượn 6 máy may để mở rộng sản xuất. Dự kiến, trong năm 2023, Hội Phụ nữ các cấp trên địa bàn huyện sẽ thành lập thêm các tổ ngành nghề, trong đó có tổ may gia công giúp tạo việc làm cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương.
Hiện tại, tất cả hội viên, phụ nữ có nhu cầu tìm việc hoặc học nghề có thể liên hệ điện thoại: 0981 614 955 (chị Hồng) hoặc 0902 473 509 (chị Nguyệt).